Trong những năm gần đây, vấn đề quản lý hoạt động của các tập đoàn kinh tế được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đến nay, Chính phủ đã thành lập 12 tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, mô hình tổ chức, cơ cấu quản lý và quản trị các tập đoàn đang là vấn đề cần nghiên cứu hoàn thiện.

Ở những nước khác nhau trên thế giới, tập đoàn kinh tế có những cấu trúc khác nhau. Các tập đoàn kinh tế của Thụy Điển hay Đức đã trải qua nhiều thay đổi lớn, trong đó quan hệ sở hữu đan xen và cấu trúc hình kim tự tháp dần biến mất.

Ở Nhật Bản, các tập đoàn kinh tế được tổ chức hoặc theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang và phát triển tùy theo các ngành nghề, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật liệu, linh kiện hoạt động như những vệ tinh xoay quanh một nhà máy sản xuất lớn trên cơ sở chia sẻ công nghệ, thương hiệu và quy trình sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn gồm một ngân hàng, một công ty mẹ hoặc một công ty thương mại và một nhóm các hãng sản xuất.

Ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế thường được kiểm soát bởi một gia đình hoặc một nhóm ít gia đình và được tổ chức thống nhất theo chiều dọc. Các tập đoàn kinh tế ở Trung Quốc lại phát triển theo cấu trúc riêng biệt, đó là các tập đoàn kinh tế đa ngành quy mô lớn có mối ràng buộc chặt chẽ với Nhà nước chứ không phải với các gia đình riêng biệt như ở Hàn Quốc. Có thể nói, quá trình hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước của Trung Quốc mang đậm dấu ấn của Chính phủ và theo một trình tự gắn chặt với nhau. Tất cả quá trình này đều nhằm yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và thực hiện chính sách công nghiệp.

Theo nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), các tập đoàn kinh tế nhà nước về bản chất là thuộc sở hữu toàn dân. Chính phủ là người đại diện thực hiện quyền sở hữu toàn dân đó. Chính phủ không thể trực tiếp thực hiện quyền của chủ sở hữu, nên Chính phủ cử ra hội đồng quản trị làm đại diện. Ở đây xuất hiện một số vấn đề, trước hết là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu. Hiện không có quy định nào thể hiện sự giám sát tập thể của chủ sở hữu nhà nước đối với đại diện chủ sở hữu. Theo ông Tuyển, tình trạng hiện nay là tập đoàn có rất nhiều chủ, nhưng thực tế các ông chủ này chỉ quản lý các tập đoàn về mặt hành chính, trong đó, mỗi bộ được giao làm một mảng. Không có ông chủ sở hữu đích thực.

Bên cạnh đó, cũng không có cơ chế giám sát của toàn dân trong quá trình hoạt động của tập đoàn, vốn thuộc sở hữu toàn dân. Nhân dân chỉ có thể giám sát kết quả hoạt động nếu kết quả ấy được báo cáo công khai theo một quy định chặt chẽ. Trong khi hội đồng quản trị - người đại diện chủ sở hữu nhà nước, chỉ lập báo cáo định kỳ hoặc báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng.

Tiếp theo là thành phần hội đồng quản trị. Hiện thành phần này phần lớn là cán bộ quản lý doanh nghiệp. Họ có lợi ích gắn chặt với lợi ích của doanh nghiệp và thường là những lợi ích ngắn hạn sẽ chi phối quyết định của họ. Việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện những mục tiêu chiến lược dài hạn và trong nhiều trường hợp là xung đột với lợi ích của chủ sở hữu. Trong thành phần hội đồng quản trị của những tập đoàn quan trọng có một số thành viên từ các bộ, ngành. Sự tham gia của các thành viên này cũng dẫn đến hai hệ lụy: xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và lợi ích của chính doanh nghiệp; thiên vị doanh nghiệp, làm méo mó chính sách quản lý.

Từ những phân tích trên cho thấy, vấn đề tổ chức quản lý, các quy định về đầu tư kinh doanh cùng chế độ trách nhiệm của hội đồng quản trị và tổng giám đốc trong các tập đoàn cần phải được xem xét hoàn thiện để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Cần nhấn mạnh rằng, không có bằng chứng lý thuyết nào khẳng định, doanh nghiệp nhà nước là không hiệu quả dù trên thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước rất kém hiệu quả, nhưng cũng có những doanh nghiệp hiệu quả. Vấn đề là nằm ở khâu quản trị doanh nghiệp và cơ chế quản lý quá trình quản trị đó.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Giá, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ,  trong số vấn đề cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, trước tiên, cần xác định lại mục tiêu thành lập tập đoàn và các quy định về đầu tư. Hai mục tiêu mà hoạt động kinh doanh của đối tượng này cần hướng đến là: thực hiện chính sách cơ cấu. Theo đó, các tập đoàn đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân (những lĩnh vực là xu hướng phát triển lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu), các ngành có tác động lan tỏa mạnh; mục tiêu thứ hai là tối đa hóa lợi nhuận. Hai mục tiêu này có liên quan nhưng không phải lúc nào cũng cùng nhịp. Khi thực hiện mục tiêu thứ nhất có thể chưa thực hiện được ngay yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận. Ngược lại, nếu vì tối đa hóa lợi nhuận mà chạy theo những lợi ích ngắn hạn thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu thứ nhất.

Trong 10 năm tới, các tập đoàn kinh tế nhà nước cần tập trung vào mục tiêu thứ nhất. Như vậy, những ngành nghề mà khu vực tư nhân đã phát triển mạnh, Nhà nước không cần chiếm cổ phần chi phối. Chuyển nguồn vốn từ các doanh nghiệp này đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện chính sách cơ cấu. Đồng thời, cũng nên đặt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào môi trường cạnh tranh quốc tế, kiểm soát chặt chẽ độc quyền tự nhiên. Trên cơ sở đó cần quy định chặt chẽ việc đầu tư chéo giữa các thành viên tập đoàn. Quy định các tỷ lệ đầu tư chéo khác nhau vào các công ty thành viên có vị trí khác nhau trong việc thực hiện chính sách cơ cấu. Trường hợp cần thiết, công ty mẹ có thể điều chuyển một phần vốn từ các công ty con để thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm chính. Cùng với đó, hạn chế đầu tư ra ngoài tập đoàn, giảm tỷ lệ  đầu tư ra ngoài. Chỉ cho phép đầu tư ra ngoài nếu đạt mức tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm, tỷ lệ xuất khẩu. Không đầu tư kinh doanh các dịch vụ tài chính và bất động sản.

Đặc biệt, cần đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước vào môi trường cạnh tranh quốc tế cũng như kiểm soát chặt độc quyền tự nhiên; Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của tập đoàn, trên cơ sở các quy định về kiểm toán bắt buộc và báo cáo kết quả này trước Quốc hội. Đây là cơ sở để Quốc hội – người đại diện của nhân dân giám sát hoạt động của tập đoàn và tăng thêm trách nhiệm chủ sở hữu của các cơ quan Chính phủ.

Cuối cùng, cần tăng cường cơ chế và tổ chức quản lý các tập đoàn, chẳng hạn như: Tăng số lượng thành viên độc lập trong hội đồng quản trị; thiết lập cơ chế đánh giá tập thể của Chính phủ về hoạt động của hội đồng quản trị của các tập đoàn; quy định lại tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu; xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả cho từng tập đoàn kinh tế theo mục tiêu dài hạn, nhằm phục vụ cho chính sách cơ cấu của Chính phủ.

 

                                                                         Theo Báo ĐCSVN

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục