Nhiều hộ gia đình ở xã Vũ Lâm (Lạc Sơn)  cải tạo vườn tạp trồng mía tím cho thu nhập khá. Ảnh: H.D

Nhiều hộ gia đình ở xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) cải tạo vườn tạp trồng mía tím cho thu nhập khá. Ảnh: H.D

(HBĐT) - Sản xuất nông nghiệp mang những sắc thái mới. Người nông dân không còn lam lũ quẩn quanh mà đã biết cách hạch toán, tư duy để nâng cao hiệu quả sản xuất gieo trồng. Một chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, Hòa Bình có lợi thế là tỉnh duy nhất ven Hà Nội chưa bị biến đổi nhiều bởi công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp sạch và sinh thái. Nông dân Lương Sơn cũng đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này, chuyển đổi tư duy tham gia các dự án, chương trình sản xuất an toàn và đem lại hiệu quả cao.

 

Lương Sơn đã bước đầu hình thành vùng sản xuất thực phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Chẳng phải ly hương, bám đồng đất quê hương, chăm chỉ vun xới, cấy trồng là giàu. ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện tâm sự: Các xã Nhuận Trạch, Hòa Sơn, Hợp Hòa, Thành Lập, thị trấn tham gia chương trình trồng rau hữu cơ cung cấp cho thị trường Hà Nội đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 20-50% giá sản phẩm theo cách thức sản xuất thông thường. Toàn huyện thành lập 12 nhóm hộ cùng sở thích gồm 9 nhóm trồng rau, 2 nhóm trồng bưởi, 1 nhóm trồng nhãn, áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Tính ra, thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha rau, mỗi người thu từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Nhóm hộ trồng bưởi thu nhập tới 700 triệu đồng/ha. Đây cũng được xem là hướng phát triển đầy lạc quan cho kinh tế nông nghiệp của Lương Sơn thực hiện định hướng xây dựng thành vùng sản xuất thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường Hà Nội và tương lai cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ.  

    

Anh Bùi Văn Lương, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) nuôi nhím cho hiệu quả kinh tế cao.

Tại nhiều vùng trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền và người dân có bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy sản xuất mới. Từ một xã đặc biệt khó khăn liên tục xếp cuối cùng trong bảng thi đua, Bắc Sơn (Kim Bôi) phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, động viên nhân dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện tốt phương châm liên kết “bốn nhà” đưa xã trở thành một điểm sáng về XĐ-GN và làm giàu của huyện Kim Bôi. Bản người Dao Đằng Long đã giã từ nghèo đói, có của ăn, của để từ trồng rừng, chăn nuôi, trồng rau màu thu nhập hàng trăm triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Lương tự hào: Cán bộ xã tranh thủ mọi điều kiện tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất về áp dụng tại địa phương. Hầu hết cán bộ xã đều là những người có kinh tế khá giả từ trồng các cây màu thu nhập cao, nuôi nhím, lợn rừng như ông Bạch Công Nhi, Bùi Văn Thiềng, Bùi Văn Lương, Triệu Văn Toàn... Năm 1999, xã thành công từ mô hình liên kết “bốn nhà” với mô hình cánh đồng cho thu nhập cao bằng trồng các giống cây lấy hạt, mức đầu tư 20-25 triệu đồng/vụ, các loại rau cũng cho thu nhập từ 45-50 triệu đồng/vụ, cao gấp 4-5 lần cấy lúa. Bắc Sơn đã cơ bản chuyển đổi các diện tích bấp bênh sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao.  Nhiều cánh đồng đã triển khai trồng 3 vụ/năm cho hiệu quả. Giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha (2006) lên 85 triệu đồng/ha, cá biệt có nơi trên 100 triệu đồng/ha. Đàn gia súc, gia cầm tăng từ 5-7%, riêng đàn lợn, dê tăng từ 10-20%/năm. Nhiều mô hình nuôi nhím, lợn rừng đem lại của ăn, của để cho nông dân Bắc Sơn. Cao Phong đã thực sự là vùng đất sản xuất hàng hóa với hai sản phẩm chủ lực là cam và mía. Huyện Cao Phong có khoảng 2.000 ha mía và hàng trăm ha cam đưa vào khai thác, tính ra, doanh thu, lợi nhuận đem về mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Khương Xuân Lịch cho biết: Năm 2011, cam Cao Phong trúng mùa, được giá, sản phẩm tiếp tục được thị trường chấp nhận. Cam Xã Đoài có giá bán 12.000 đồng/kg, cam lòng vàng từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, cam V2 20.000 đồng, cam Canh từ 34.000 - 35.000 đồng/kg. Sản lượng cam của Cao Phong vụ này cỡ từ 7.000 - 8.000 tấn, doanh thu xấp xỉ 90 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư từ 25-30%.  Nông dân trồng cam Cao Phong có tiền trăm triệu, tiền tỷ không phải là chuyện khiếm. Người trồng cam xây nhà, mua ô tô đời mới ở trong tầm tay. Vụ năm trước, trúng cam, thị trấn có tới 20 ô tô đời mới. Đó là kết quả biết hạch toán, đầu tư của người nông dân Cao Phong.  

Theo những người làm trong ngành NN&PTNT, những năm vừa qua, tỉnh đã thành công trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung theo công nghiệp chế biến là hướng đi đúng đắn của nền nông nghiệp. Tỉnh đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa như: vùng nhãn, vải ở huyện Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng cây có múi ở Cao Phong, Kim Bôi, vùng mía nguyên liệu ở Cao Phong, Tân Lạc; chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung đã xuất hiện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tại các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy... Những kết quả trên mới chỉ là điểm nhấn ban đầu nói lên sự chuyển đổi trong tư duy sản xuất và cách làm nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, là cơ hội XĐ-GN, làm giàu cho nông dân trong tỉnh.  

 

                                                                Lê Chung

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục