Mỏ Vàng, xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có gần 800 hộ dân trong xã bị núi cao, vực sâu chia cắt, có diện tích đất rừng rộng hơn 9.000 ha và vài chục ha ruộng nước. Trong "cái khó ló cái khôn", đồng bào nơi này đã lấy cây quế làm hướng đột phá trong sản xuất, trở thành cây làm giàu trên vùng đất dốc...

 

Trồng quế làm giàu

Cây quế gắn với tập tục của người Dao đỏ, ấy là mỗi khi các con lấy vợ, gả chồng thì cha mẹ và dòng họ cùng chia cho một đồi quế, coi đó như của hồi môn của người Kinh. Ở huyện Văn Yên, cây quế vì thế mà phát  triển từ nương rồi thành rừng từ khi nào không rõ. Chủ tịch UBND xã Ðặng Nho Hưng cho biết:  Xã Mỏ Vàng trồng được hơn 1.300 ha quế, nhiều hộ đồng bào Dao có hàng chục ha, mỗi năm bình quân có hơn 500 tấn quế vỏ bán ra thị trường, với giá bình quân hơn 20 nghìn đồng/kg, đã có cả chục tỷ đồng được người dân thu về, nhiều hộ giàu lên từ quế đấy.

Ði các xã Viễn Sơn, Xuân Tầm, Châu Quế Thượng, Mỏ Vàng, Phong Dụ Hạ... thì cây quế cứ ngút ngàn, xanh ngăn ngắt hút cả tầm mắt, nhà dân được các đồi quế bao quanh. Hiện tại, toàn huyện có gần 20 nghìn ha quế, ba nhà máy chế biến tinh dầu quế và hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ, hằng năm cho ra lò hơn 1.200 tấn tinh dầu, lượng quế vỏ đạt gần 5.000 tấn với giá bán bình quân từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg đã giúp người dân trong vùng thu về 120 tỷ đồng. Từ trồng, tỉa thưa, bóc vụ ba, vụ tám và tham gia thu mua cành ngọn để chưng cất tinh dầu quế, nên hằng năm tạo việc làm cho gần 33 nghìn hộ dân trong vùng, mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Thăm gia đình bác Lý Kim Thanh ở làng Vầu, xã Ðại Sơn, huyện Văn Yên, một trong những hộ có diện tích hơn 10 ha quế, trong đó có bốn ha quế đã 15 năm đủ tuổi lấy hạt làm giống. Căn nhà hai tầng được xây từ việc bán quế vỏ như lọt thỏm giữa bạt ngàn quế, ở tuổi ngoài 70 mà bác Thanh vẫn sang sảng kể chuyện những ngày đầu vận động trồng quế theo cách riêng của lớp cán bộ ngày ấy. Nguyên là lớp cán bộ thời kỳ những năm 60 của thế kỷ trước, lúc ấy tỉnh Yên Bái phát động phong trào "Ðồi quế nhớ ơn Bác Hồ" nhưng cũng còn có hộ dân đất sẵn vin lý do nghèo, thiếu vốn không trồng, dẫn tới tình trạng khai thác trộm quế lẫn nhau, gây nghi ngờ mất đoàn kết trong nông thôn miền núi. Các hợp tác xã nông nghiệp quyết định giao cho mỗi hộ hai kg hạt quế giống, yêu cầu gieo ươm và trồng đủ 4.000 gốc, ai không làm sẽ bị phạt. Vậy là mọi nhà giàu cũng như nghèo, nhà neo đơn cũng như nhà đông người, đến kỳ gieo hạt đều tiến hành dọn gốc, bốc trà làm đất và trồng vượt số lượng yêu cầu đề ra. Rồi từ đó đến nay, nhà nhà đều có diện tích quế mỗi ngày một nhiều, từ nương nay trở thành rừng, nhiều hộ trong xã như Bàn Hữu Quyên có hơn 20 ha quế, Ðặng Nguyên Tài, Hoàng Văn Minh, Hoàng Văn An có hơn 10 ha quế. Cây quế không phụ lòng người, thu nhập từ bán quế mỗi năm đã giúp đồng bào Dao nơi đây xây nhà mới, mua xe máy, có tiền kéo điện lưới về xem ti-vi và đủ tiền cho con em đi học, đời sống khu vực nông thôn miền núi ngày một khởi sắc rõ nét.

Gắn chế biến với phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Cùng chính quyền các xã hỗ trợ phát triển cây quế cả diện tích, sản lượng là bước đi thích hợp của Công ty cổ phần Chế biến nông, lâm sản (NLS) Yên Bái. Nếu trước đây khi tỉa thưa cành, lá thường bị người dân bỏ phí vì không biết sử dụng làm gì. Thậm chí cành lá quế khô do có tinh dầu nên dễ bắt lửa, dễ gây cháy rừng và khi ngấm xuống đất gây hiện tượng "chai" đất. Tận thu những thứ tưởng như bỏ đi này, công ty đã huy động nguồn vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, xây dựng Nhà máy tinh dầu quế Văn Chấn, công suất chế biến 60 tấn tinh dầu/năm. Ðể nhà máy sản xuất ổn định cần 10 nghìn tấn cành ngọn, lá quế khô với giá mua  một kg nguyên liệu từ 1.500 đến 2.700 đồng, thì đồng bào trong vùng đã có hơn 20 tỷ đồng từ tận thu lá quế. Với giá bán bình quân 650 triệu đồng/tấn tinh dầu, mỗi năm nhà máy có doanh thu hơn  40 tỷ đồng. Từ lợi nhuận trên, Công ty cổ phần Chế biến NLS Yên Bái  cùng với chính quyền các xã thuộc huyện Văn Chấn đưa diện tích cây quế lên 6.000 ha, bằng cách hỗ trợ tiền giống, vườn ươm, làm đường giao thông đến vùng khó khăn để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến.

Lên bản Tặc Tè, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, chúng tôi bắt gặp vợ chồng Lý Văn Thắng và Lý Thị Lai đang tỉa cành lá  quế trên đồi đem bán cho nhà máy. Với hơn một ha quế được bảy tuổi lên xanh tốt, việc tỉa cành lá vụ này của gia đình anh chị đã cho thu hơn năm triệu đồng, chỉ vài năm nữa đồi quế của gia đình có giá hàng trăm triệu đồng. Ðứng giữa đồi quế xanh rì, Lý Văn Thắng bộc bạch: Quế đặc sản thì mười năm cho thu hoạch vỏ, càng để lâu thì vỏ càng dày và tinh dầu nhiều hơn; còn quế thâm canh thì trồng dày hơn, sau đó tỉa thưa để các cây khác phát triển.  Số tỉa thưa lấy lá, cành ngọn bán cho nhà máy tinh dầu quế đủ tiền nuôi hai con ăn học đấy. Lợi thế của cây quế là ngoài bán quế vỏ truyền thống, lá cành ngọn được thu mua làm tinh dầu, thân cây sau khi bóc mỗi khối gỗ bán được giá hơn 1,4 triệu đồng, vậy là toàn bộ cây quế đều được sử dụng, đem lại nguồn lợi lớn cho đồng bào vùng cao Yên Bái. Từ thu nhập của cây quế, nhiều hộ dân đã xây được nhà mới, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền, con em được đến trường học tập; nhờ đời sống ngày một khấm khá, nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ cấp sắc, Lễ hội cầu mùa, Lễ hội lồng tồng của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục lại, bản sắc dân tộc được lưu truyền và bảo tồn. Hiện tại, huyện Văn Chấn đang lập đề án hỗ trợ đồng bào vùng cao trồng quế, nhất là các xã như: Nậm Lành, Nậm Mười, An Lương, Suối Quyền, Nghĩa Sơn, Ðại Lịch... gắn với nhà máy chế biến, tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững vùng quế.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn ba mươi nghìn ha quế, cho nên việc gắn quy hoạch vùng với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc chọn giống tốt, cùng với bảo tồn nguồn gien đang là vấn đề đặt ra cấp thiết để phát triển. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến cần bảo đảm chất lượng sản phẩm và hướng mạnh vào xuất khẩu trực tiếp, bảo vệ thương hiệu để cho hương quế Yên Bái mãi bay xa, giúp đồng bào Dao, Tày, Khơ Mú trong vùng đẩy cái nghèo vốn vẫn đeo đẳng bấy lâu nay. 

 

                                                        Theo NhanDan

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục