Nhà thầu đang triển khai thi công gói thầu R4 đoạn qua xã Yên Quang với các hạng mục  công việc chủ yếu là phát quang dọn sạch, đào đắp đất, cải suối, đắp cát thay đất yếu.

Nhà thầu đang triển khai thi công gói thầu R4 đoạn qua xã Yên Quang với các hạng mục công việc chủ yếu là phát quang dọn sạch, đào đắp đất, cải suối, đắp cát thay đất yếu.

(HBĐT) - Ngày 3/10/2010, dự án đường cao tốc Hoà Lạc - TPHB đoạn đi qua tỉnh ta dài 20,26 km với tổng mức đầu tư 6.700 tỷ đồng được chính thức khởi công tại địa bàn xã Yên Quang (Kỳ Sơn). Theo kế hoạch, tiến độ thi công phần đường là 36 tháng, phần cầu 42 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 18 tháng thi công, nhà thầu mới đang triển khai xây dựng 3,95 km đường thuộc gói thầu R4 (đoạn từ km 13+ 050 - km 17+ 000).

 

Hạng mục công việc chủ yếu chỉ dừng lại ở phát quang dọn sạch, đào đắp đất, cải suối, đắp cát thay đất yếu. Như vậy, tiến độ triển khai dự án đã diễn ra quá chậm so với kế hoạch đề ra. Ngoài các khó khăn như công tác chuẩn bị hồ sơ, thay đổi thiết kế... thì việc giải phóng mặt bằng (GPMB) không đảm bảo tiến độ đề ra, mặt bằng đã giải phóng được nhỏ lẻ không đủ điều kiện để thi công là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm trễ này. 

 

Để đảm bảo việc thi công 16,65 km đường cao tốc Hòa Lạc - TPHB đoạn qua huyện Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn sẽ phải giải phóng 1.145.520 m2 đất nông nghiệp, 253.990 m2 đất ở và 962 ngôi mộ. Theo kế hoạch, việc giải phóng đất nông nghiệp và di chuyển mộ sẽ phải hoàn thành xong trong năm 2011; việc giải phóng đất ở sẽ phải hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên, cho đến tháng 3/2012, toàn huyện mới giải phóng được 739.704,5 m2 đất nông nghiệp (đạt 64,5 % kế hoạch) và giải phóng được 54 ngôi mộ (đạt 5% kế hoạch), chưa tiến hành GPMB đất ở. Hiện nay, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT&TĐC) huyện đã kiểm đếm xong thêm 76.241m2 đất nông nghiệp xã Mông Hoá và 160.319m2 đất nông nghiệp xã Dân Hạ, đang hoàn thiện phương án để trình thẩm định. Như vậy, tiến độ triển khai công tác GPMB đã thực hiện chậm so với kế hoạch.

 

Trao đổi về nguyên nhân của tình trạng này, đồng chí Lý Bình Thạnh, Phó Chủ tịch Hội đồng BT, HT&TĐC huyện Kỳ Sơn cho biết: Qua triển khai thực tế cho thấy, tình trạng mua bán đất nhưng không sang tên, đổi chủ còn diễn ra khá nhiều gây khó khăn cho việc kiểm kê, kiểm đếm. Trích đo của nhà đầu tư cung cấp cho Hội đồng không chính xác, còn nhiều sai sót dẫn đến phải đo đạc, kiểm đếm nhiều lần. Ví dụ như thị trấn Kỳ Sơn đã kiểm đếm xong phần đất ruộng nhưng còn mắc phần đất rừng do trích đo không đúng với hiện trạng sử dụng, đang phải đo đạc lại. Ngoài ra, tại xã Yên Quang do có sự điều chỉnh, bổ sung cục bộ một số đoạn tuyến dẫn đến phải thay đổi phương án thu hồi đất khiến người dân không đồng tình, đang có kiến nghị đề xuất. Nhưng nhìn chung cho đến thời điểm này, việc GPMB đất nông nghiệp đã diễn ra tương đối thuận lợi, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, không có phản ứng tiêu cực. Các hộ dân đã nhất trí với mức giá và nhận tiền hỗ trợ đền bù.

 

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, vấn đề lớn nhất đặt ra đối với công tác GPMB thi công đường cao tốc Hoà Lạc - TPHB, đoạn qua huyện Kỳ Sơn hiện nay là việc giải phóng mộ và đất ở. Theo kế hoạch sẽ phải di rời 962 ngôi mộ, trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Yên Quang (495 mộ), xã Mông Hoá (355 mộ), xã Dân Hạ (60 mộ), xã Phúc Tiến (52 mộ). Nhưng đến nay mới di rời được 54 ngôi mộ (chiếm 5% tổng số mộ cần di rời). Để di rời được hết 962 ngôi mộ cần phải quy hoạch xây mới được 4 khu nghĩa trang với tổng mức đầu tư 15,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND huyện Kỳ Sơn mới hoàn thiện được phương án xây dựng 3/4 khu nghĩa trang và đang trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Không có nghĩa trang mới để di chuyển mộ đến là nguyên nhân cơ bản của chậm trễ này. Ngoài ra, phong tục tập quán và vấn đề tâm linh cũng đã đặt ra những trở ngại không nhỏ cho công tác di rời mộ.

 

Số mộ phải di rời chủ yếu là của các hộ gia đình bà con người dân tộc Mường vốn không có phong tục cải táng. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Ngô Văn Quyền - Chủ tịch UBND xã Yên Quang trăn trở: Di rời mổ mả người thân là một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với bà con dân tộc Mường. Nhận thấy những trở ngại này nên ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác GPMB, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền một cách sâu rộng, thường xuyên để người dân hiểu và chấp hành. Hiện nay, các hộ đã nhất trí di rời nhưng lại phải chờ vì chưa có nghĩa trang mới. Cũng vì chưa có nghĩa trang mới, nghĩa trang cũ thì đã vào diện quy hoạch giải phóng mặt bằng nên việc an táng cho người mới mất rất nan giải. Khu đất rộng 100 m2  được sử dụng là nghĩa trang tạm để an táng người mới mất trong khi chờ nghĩa trang mới cũng đã gần kín. Bên cạnh đó, việc cải táng thường chỉ được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 10 - 12 âm lịch. Như vậy, có nghĩa là nếu hoàn thành nghĩa trang mới vào đầu năm cũng phải đến cuối năm mới tiến hành di rời mộ được. Ngoài ra, theo phong tục tập quán, người mất phải được an táng ít nhất 3 năm mới cải táng, nếu an táng ở vùng đồi núi thì sẽ phải để lâu hơn. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án.

 

Đồng chí Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng BT, HT &TĐC huyện Kỳ Sơn cho biết: Bước sang năm 2012, công tác GPMB sẽ tập trung vào việc giải phóng 908 ngôi mộ còn lại và toàn bộ 253.990m2 đất ở. Huyện xác định công tác GPMB đất ở và di rời gần 600 hộ dân này sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Chủ yếu liên quan đến vấn đề tiền hỗ trợ đền bù. Ví dụ như đơn giá về xây dựng được áp dụng hiện nay được lập từ tháng 3/2009, đến năm 2011 đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn còn khác so với thực tế. Trong tình hình bối cảnh lạm phát, giá vật liệu xây dựng, công xây dựng tăng cao. Công tác đền bù GPMB càng gặp phải khó khăn nhiều hơn.

 

Hiện nay, từng bước tháo gỡ khó khăn, huyện đang tiến hành hoàn thiện các phương án xây dựng 8 khu tái định cư và 4 khu nghĩa trang mới trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Địa phương cũng đang tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất điều chỉnh đơn giá đền bù sao cho phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, chấp hành theo quy định, chủ trương của Nhà nước; phấn đấu việc GPMB diễn ra đảm bảo đúng tiến độ.

 

 

                                                                                 Dương Liễu

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục