Do tuyến đường Tây Phong - Yên Thượng (Cao Phong) đang thi công dở dang, kéo dài nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Do tuyến đường Tây Phong - Yên Thượng (Cao Phong) đang thi công dở dang, kéo dài nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

(HBĐT) - Đường Tây Phong - Yên Thượng (Cao Phong) có tổng chiều dài 14,36 km. Đối với người dân các xã Tây Phong, Dũng Phong, Yên Thượng, Yên Lập, đây là huyết mạch giao thông quan trọng phục vụ việc đi lại và giao lưu vận chuyển hàng hóa. Do địa hình đồi dốc, qua nhiều suối, mạch ngầm, hệ thống thoát nước hầu như đã hư hỏng hoàn toàn nên tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại của dân cư ở đây gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ nông - lâm sản trên địa bàn.

 

Cuối năm 2007, dự án cải cạo, nâng cấp đường Tây Phong - Yên Thượng được khởi công xây dựng trong niềm vui lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Công trình do BQL các dự án công trình giao thông (Sở GT-VT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường loại A-GTNT, bề rộng nền đường 5 m, độ dốc nền đường 12%, bán kính đường cong 15m, mặt đường rộng 3,5m kết cấu đá dăm láng nhựa dày 26cm, tiêu chuẩn nhựa 5kg/m2, toàn tuyến có 65 vị trí cống thoát nước được xây dựng mới, 3 vị trí phải sửa chữa, cầu Trầm, Chênh đều được thiết kế vĩnh cửu bằng BTCT và đá xây, trọng tải 13 tấn. Tổng mức đầu tư công trình được UBND phê duyệt 30.139.664.000 đồng.

 

Công trình đường Tây Phong - Yên Thượng được chia thành hai gói thầu. Gói thầu số 1 từ km 0 - km 8 với điểm đầu nối liền với quốc lộ 6. Gói thầu số 2 từ km 8 đến km 14+361 với điểm cuối là xóm Khánh (Yên Thượng). Đến tháng 6/2011, gói thầu số hai từ km 8 - km 14+361 đã xây dựng hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Gói thầu số 1 từ km 0 - km 8 đã thi công xong các hạng mục: nền đường, cầu, cống thoát nước và rải mặt đường đá dăm láng nhựa được 6 km. Đến nay, khối lượng còn lại chưa thi công là 2 km mặt đường và hệ thống cọc tiêu, biển báo, rãnh dọc.

 

Do 2 km còn lại thi công dở dang, kéo dài nên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của dân cư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. ông Bùi Văn Đức ở xóm Dũng Tiến (Dũng Phong) cho biết: Gia đình làm nương rẫy ở xã Yên Lập nên thường xuyên phải đi qua tuyến đường này. Vất vả nhất là những ngày trời mưa, đường lầy lội, trơn tuột, chỉ có 2 km mà mất gần một tiếng mới qua được. Vì đường quá xấu nên nhiều xe ô tô, công nông bị trượt ngang, thường xuyên gây ách tắc giao thông. Nếu trời mưa kéo dài, xe mô tô cũng không qua được, ai có việc cần thiết chỉ có cách duy nhất là đi bộ.

 

ông Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thượng trăn trở: Từ khi khởi công đến nay đã hơn 3 năm nhưng vẫn còn 2 km đang thi công dở dang nên việc đi lại rất khó khăn. Tình trạng đó đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn. Mấy năm gần đây các mặt hàng thiết yếu và vật tư phục vụ sản xuất, nhân dân đều phải chịu mua với giá cao gấp từ 3-4 lần so với các xã Dũng Phong, Tây Phong. Ngược lại, sản phẩm nông - lâm sản làm ra lại bị ép giá vì khách hàng cho rằng phải bù đắp vào chi phí vận chuyển do đường quá xấu. Trước thực trạng trên, dân cư 2 xã Yên Lập, Yên Thượng mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư để tuyến đường sớm hoàn thành phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH và đời sống dân sinh trên địa bàn.

 

Theo BQL các dự án công trình giao thông (Sở GT-VT), một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình thi công là  công tác đền bù GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đoạn qua xã Yên Lập. Từ năm 2007, công tác đền bù GPMB đã được triển khai nhưng đến tháng 1/2009 mới tiến hành chi trả tiền được đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, dự án đã qua 5 đợt chi trả tiền đền bù và lần chi trả gần đây nhất là ngày 30/12/2010. Bên cạnh đó, 2 km còn lại của công trình đi qua vùng có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, độ dốc dọc lớn, nền đường thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mực nước ngầm dâng cao nên phải điều chỉnh thiết kế. Mặc khác, năm 2011, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều và kéo dài nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu.

 

Thiếu kinh phí cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc BQL các dự án công trình giao thông cho biết: Kế hoạch vốn được giao của công trình đến hết năm 2010 là 30,1 tỷ đồng và đã giải ngân được 24,83 tỷ đồng, phần vốn kế hoạch còn thiếu 5,3 tỷ đồng. Đến tháng 3/2011, chủ đầu tư đã nợ khối lượng hoàn thành của nhà thầu gần 1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2011, nhà thầu hoàn thành khối lượng 2 tỷ đồng. Đến tháng 12/2011, công trình mới được giao vốn tiếp 1,7 tỷ đồng và chủ đầu tư đã giải ngân hết cho nhà thầu. Bước vào năm 2012, tình hình nguồn vốn ngày càng khó khăn nên đến nay, công trình vẫn chưa được giao vốn. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chỉ đạo nhà thầu tiếp tục ứng kinh phí triển khai thi công và đã hoàn tiếp khối lượng khoảng 0,5 tỷ đồng nhưng chưa có vốn để thanh toán. Đến nay, khối lượng còn lại của công trình là 2 km mặt đường, rãnh dọc thoát nước và hệ thống cọc tiêu biển báo với tổng số vốn cần thiết là 3,6 tỷ đồng.

 

Vượt qua những khó khăn trong GPMB và  điều kiện địa chất, thủy văn, giờ đây dự án đường Tây Phong - Yên Thượng lại tiếp tục bị đình trệ do thiếu vốn. UBND tỉnh và các ngành chức năng quan tâm ưu tiên về kinh phí (3,6 tỷ đồng) để hoàn chỉnh phần còn lại của công trình không chỉ là mong muốn của chủ đầu tư, nhà thầu mà còn là nguyện vọng thiết tha của cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 xã vùng đặc biệt khó khăn Yên Lập, Yên Thượng.  

 

                                                    Đức Phượng

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục