Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là trong ngành may mặc, da giày gặp khó khăn, thậm chí giải thể do lạm phát tăng cao, công nhân mất việc làm, bỏ việc, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, thì Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ, thương mại sản phẩm da La-do-da vẫn vững vàng trong gian khó. Một trong những "bí quyết" tạo nên sự thành công là do chủ DN thật sự coi người lao động (NLÐ) là "vốn quý". Từ đó, có những chính sách cụ thể chăm lo nhằm động viên, khích lệ họ gắn bó, cống hiến lâu dài cho DN.

 

Chúng tôi tới thăm Công ty La-do-da đóng trên địa bàn xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) vào một ngày cuối tháng tư. Bốn giờ chiều đã thấy công nhân tan xưởng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Ðinh Thanh Hà, Giám đốc điều hành, Phó chủ tịch công đoàn công ty giải thích: "Hằng tháng, CÐ công ty tổ chức sinh nhật cho công nhân. Hôm nay, công nhân được nghỉ sớm một giờ để chung vui với 22 công nhân có sinh nhật trong tháng này, với sự tham dự của lãnh đạo công ty và hệ thống các phòng, ban tại nhà văn hóa sinh hoạt công nhân". Sau khi được nhận món quà là bó hoa kèm theo phong bì 100 nghìn đồng, những chủ nhân buổi sinh nhật cùng tham gia văn hóa, văn nghệ, khiêu vũ với đồng nghiệp bằng những tiết mục "cây nhà lá vườn", cùng nước ngọt, bánh kẹo, tuy đơn giản nhưng không khí hết sức sôi nổi, ấm cúng, lành mạnh. Buổi sinh nhật kết thúc sau một giờ đồng hồ, một số công nhân trở về tổ ấm, còn phần lớn ở lại chơi thể thao, tập thể dục thẩm mỹ, đọc sách báo... Gặp Nguyễn Văn Quân, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh bên máy tập thể hình, Quân cười và nói: "Vì chưa có gia đình, cho nên ngày nào sau giờ làm việc em cũng đến điểm văn hóa chơi thể thao. Bọn em tới đây giải tỏa mệt mỏi sau một ngày làm việc và giao lưu, với bạn bè. Từ nhà văn hóa này, chín đôi đã thành vợ, thành chồng đấy. Em cũng đang hy vọng và tìm kiếm cơ hội...".

Nhằm giúp các cặp vợ chồng công nhân trẻ nói riêng và công nhân ở xa nói chung vợi bớt nỗi lo chỗ ở, năm 2005, công ty xây dựng hai dãy nhà tập thể với tiện nghi khép kín cho công nhân ở miễn phí. Chúng tôi tới thăm căn phòng nhỏ, đầy ấm cúng của cặp vợ chồng Nguyễn Văn Dũng quê ở Vĩnh Phúc, tổ trưởng dây chuyền 8, và Nguyễn Thị Kỷ Luật, quê ở Bắc Giang, công nhân dây chuyền 7. Ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, Luật tâm sự: "Chúng em từ tỉnh xa tới, công ty lo chỗ ở miễn phí, khi lấy nhau, công đoàn đứng ra tổ chức đám cưới. Mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn được các đoàn thể tặng giường, tủ lạnh, ti-vi, bàn ghế, giường đệm, chăn, màn, không thiếu thứ gì. Không chỉ chúng em thấy hạnh phúc mà bố mẹ, họ hàng hai bên khi được mời xuống tham dự đám cưới đều cảm động. Biết tin em chuẩn bị sinh cháu, các anh chị trong ban chấp hành CÐ cũng xuống động viên, tặng quà... Còn Dũng thì cho biết: "Trong khi người lao động đang có xu hướng trở về quê làm việc, tiết kiệm chi phí, thì vợ chồng em quyết định sẽ gắn bó lâu dài với công ty".

Do có những chính sách đãi ngộ tốt, cho nên số lượng công nhân trong công ty ổn định, không biến động lớn như những doanh nghiệp may khác. Trưởng thành từ một công nhân xuất sắc của La-do-da, cũng là một trong số nhiều công nhân gắn bó với DN từ những ngày đầu, anh Bùi Ðắc Hòa, quản đốc phân xưởng cho biết: "Tôi gắn bó với La-do-da từ năm 1993. So với mặt bằng chung của công nhân trong khu vực, mức lương của chúng tôi luôn cao hơn và đời sống ổn định hơn nhiều".

Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc công ty, Ban chấp hành CÐ công ty chủ động phát động các phong trào thi đua, sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thiết kế nhiều sản phẩm mới ra thị trường. Trong vòng năm năm trở lại đây, NLÐ trong công ty đã có 42 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại lợi nhuận hơn một tỷ đồng. Qua các hội thi thợ giỏi; Hội thi bàn tay vàng nghề may da, đã có 261 công nhân đạt danh hiệu "Bàn tay vàng ngành may da". Giám đốc công ty Ðinh Quang Bào khẳng định: "Trong quá trình phát triển, để DN tồn tại và đứng vững trên thương trường, chúng tôi luôn coi trọng phối hợp các tổ chức, đoàn thể như: công đoàn, thanh niên, phụ nữ đẩy mạnh các phong trào thi đua. Ðặc biệt, chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của NLÐ, nhất là công nhân từ tỉnh xa tới làm việc". Do đặc thù công việc sử dụng nhiều lao động nữ, chiếm gần 70%, công ty đặc biệt quan tâm đến đời sống công nhân nữ. Những năm gần đây, lao động nữ được hỗ trợ thêm 5% tổng thu nhập, trợ cấp tiền nuôi con nhỏ 100 nghìn đồng/tháng đến khi con hai tuổi, xây dựng chế độ thưởng chuyên cần 50 nghìn đồng/người/tháng; bù giá điện, trợ cấp tiền xăng xe từ 60 nghìn đến 140 nghìn đồng/người/tháng cho công nhân ở xa. Ðối với công nhân học nghề, công nhân mới tuyển dụng năm tháng, trợ giá từ 20 đến 50%. Bảo đảm mức thu nhập tối thiểu cho công nhân mới tuyển dụng đạt 2.650 nghìn đồng/tháng. Hiện nay, công ty đang xây dựng một khu tập thể trên diện tích hơn 3.000 m2, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Nếu các phòng chuyên môn chú trọng công tác nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, thì công đoàn lại nhanh nhạy trong việc chăm lo sức khỏe cho NLÐ. Trong khi giá cả đang tăng cao thì bữa trưa trong nhà ăn công ty vẫn bảo đảm chất lượng với định mức 13 nghìn đồng/suất. Công nhân làm tăng ca được bồi dưỡng thêm hoa quả và sinh tố. Sở dĩ có chế độ đãi ngộ đặc biệt do công ty có cả một khu VAC rộng hơn 10 nghìn m2, cung cấp rau, thức ăn sạch bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe cho công nhân. Nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLÐ, hằng tháng, CÐ đều có phiếu thăm dò ý kiến công nhân, gặp gỡ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân năng suất thấp, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp giúp đỡ, nâng cao thu nhập, ổn định tư tưởng, từ đó giúp NLÐ yên tâm lao động, cống hiến, hăng say công việc. Ðặc biệt, sau ba năm xây dựng Quỹ tấm lòng vàng, đến nay CÐ công ty đã trợ cấp, thăm hỏi 89 trường hợp công nhân đau ốm, nằm viện, đám hiếu từ một đến mười triệu đồng, với tổng số tiền 416 triệu đồng. Trò chuyện với NLÐ ở nơi này, chúng tôi nhận thấy, khái niệm công nhân nghỉ việc tự phát, đình công rất xa lạ. Khi được hỏi về vấn đề "tế nhị" này, công nhân chuyền 3, Hoàng Thị Toan (Hưng Yên) cho biết: "Chưa bao giờ có chuyện đình công. Những chính sách chế độ chưa phù hợp, đều được lãnh đạo công ty điều chỉnh kịp thời. Ðiển hình như đầu tháng tư, Ban giám đốc thông báo điều chỉnh giờ làm trước nửa tiếng. Ðối với những công nhân ở xa, nếu làm việc vào 7 giờ 30 phút, chúng em phải đưa con tới trường từ 6 giờ 30 phút, ảnh hưởng tới sức khỏe các cháu. Khi BCH CÐ họp, bọn em nêu nguyện vọng được làm theo giờ cũ. Sau đó, Ban giám đốc chấp thuận quay lại giờ làm việc cũ".

 

                                                            Theo Nhan Dan

 

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục