"Việt Nam nên có một chính sách thuế khoan sức dân thay vì thu ở mức cao. Nhà nước cũng nên xem lại mức chi tiêu của mình...", đây là ý kiến của TS Lê Đăng Doanh trong cuộc trao đổi với Báo Lao Động về câu chuyện thuế, phí.

Cần một chính sách thuế khoan sức dân

TS Lê Đăng Doanh.

TS Lê Đăng Doanh - một trong các tác giả của “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: Từ bất ổn tới con đường tái cơ cấu” - trao đổi với Báo Lao Động về câu chuyện thuế, phí, được cho là cao hơn nhiều các nước trong khu vực; về những vấn đề thời sự nhất hiện nay là thuế thu nhập cá nhân, cắt giảm tập đoàn kinh tế và sở hữu chéo ngân hàng.

Thuế quá cao, người dân sẽ không làm gì

Thưa TS, sau khi vấn đề thuế, phí ở Việt Nam được công bố trong báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trong buổi họp báo Chính phủ cho rằng, thông tin mức thu thuế, phí tại Việt Nam gấp 1,4 - 3 lần các nước trong khu vực là “chưa chính xác”. Đang có cách đánh giá khác nhau hay cách hiểu khác nhau liên quan đến chuyện thuế, phí, thưa ông?

- Theo kết quả nghiên cứu được công bố trong báo cáo thì mức thu thuế và phí của Việt Nam cao nhất so với các nước xung quanh ta: VAT cao hơn, rồi một loạt thuế nhập khẩu cũng cao. Việc đánh thuế như vậy sẽ khiến cho giá cả hàng hóa rất cao từ các loại hàng hóa lắp ráp như ôtô, cho đến giá thuốc... trong khi lại làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Tôi không biết Thứ trưởng Bộ Tài chính dẫn một số loại thuế và phí khác là những loại nào, nhưng rõ ràng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam là rất cao. Đặc biệt là giá đất, hiện rất cao và có nguyên do chính là do thuế cao. Điều này dẫn đến thực tế là người dân sẽ không có khả năng mua được. Bộ Tài chính nên giải thích rõ, cụ thể như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu ôtô, thuế đất... có cao không và tại sao phải đẩy cao đến như vậy.

Tháng 10 tới đây, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi sẽ được đưa ra QH, những báo cáo chính thức cho thấy, chỉ sau 3 năm thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, hơn 15 triệu mã số thuế đã được cấp. Tốc độ thu, hay “tăng trưởng” hằng năm tăng khá nhanh. Dường như có tư tưởng tận thu trong chính sách thuế này, thưa TS?

- Thuế TNCN thời gian qua đã có thảo luận rất nhiều lần. Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói sẽ lắng nghe và đến thời điểm này tờ trình đưa ra đã có sự điều chỉnh, nâng mức khởi điểm chịu thuế. Vấn đề còn vướng mắc đó là mức độ lũy tiến nhanh và xem xét mức độ đó có phù hợp với khả năng và sức chịu đựng của người dân hay không. “Định luật Laffer” - mang tên một nhà kinh tế học người Canada - cho rằng: Có thể thu được nhiều thuế, khi mức thuế thấp ở mức xã hội chấp nhận. Nếu mức thuế thu tới 100% thì người dân sẽ không làm gì cả, bởi càng làm, càng khiến mức thuế lên cao. Và thực tế cho thấy: Thuế càng cao người ta càng trốn thuế, lách thuế. Thụy Điển là một ví dụ. Mức thuế thu nhập lũy tiến ở Thụy Điển có lúc đã lên tới 65% khiến trong suốt một thời kỳ, người dân Thụy Điển không làm gì cả, một gia đình có hai vợ chồng thì có tình trạng chỉ một người đi làm để tránh bị đưa vào nhóm đóng thuế tới 65%. Sau đó, Thụy Điển đã phải giảm thuế TNCN xuống tới mức tối đa là 50%.

Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên có một chính sách thuế khoan sức dân thay vì thu ở mức cao. Nhà nước cũng nên xem lại mức chi tiêu của mình. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về thu chi ngân sách từ nay đến cuối năm trong đó có quy định về việc tiệc tùng, chiêu đãi, đi nước ngoài phải xem xét lại chặt chẽ. Tôi thấy đây là việc làm tích cực và nên xem xét áp dụng cho các năm sau.

Tăng trưởng không thể dựa chủ yếu vào việc bán tài nguyên

Công tác thu ngân sách vượt dự toán, ngoài thuế, phí cao thì nguồn thu chủ yếu là từ nguồn dầu mỏ? Ở đây có thể hiểu là bán tài nguyên,thưa TS?

- Nguồn thu từ việc bán nhà, bán dầu mỏ, hay than đá chính là thu từ việc bán tài nguyên, và thuế thu từ đất cũng vậy. Đây là những tài nguyên không tái sinh. Nếu bán đi rồi thì sẽ cạn kiệt và không thể bán mãi được. Sau này con cháu chúng ta sẽ không có gì để đem bán nữa. Cho nên với cách đó thì nguồn thu ngân sách của Việt Nam là không bền vững. Một nền kinh tế có nguồn thu bền vững là có thể thu được mãi, thu từ sản xuất, từ việc bán được hàng hóa và trên cơ sở năng suất lao động cao, hiệu quả cao thì mới ổn định.

Trong báo cáo, có một đề tựa với 3 từ được để trong ngoặc kép là “kiểu Việt Nam”, thậm chí tăng trưởng “kiểu Việt Nam”. Thưa TS, thế nào là tăng trưởng “kiểu Việt Nam”?

- Tăng trưởng “kiểu Việt Nam” là chúng ta tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu là khai thác tài nguyên và nhờ vào tiền vốn đầu tư quá nhiều. Trong khi trong thực tế thì không thể tăng mãi đầu tư được, vì vốn là hữu hạn và tài nguyên thì không vô tận. Kiểu tăng trưởng này thực tế là thiếu bền vững. Cho nên trong báo cáo có nói đến việc tăng trưởng phải dựa vào việc nâng cao năng suất lao động, dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào hợp lý hóa quản lý.

Báo cáo có nói tới tình trạng lạm phát, ở VN khi chi tiêu vượt quá khả năng thu ngân sách thì thâm hụt từ nguồn nào thưa tiến sĩ ?

- Trong vấn đề lạm phát của VN hiện nay, rõ ràng có nhiều khía cạnh cần mổ xẻ. Chúng ta cứ nói do phụ thuộc nhập khẩu nên lạm phát cao, nhưng Singapore thậm chí nhập khẩu cả nước uống, vì sao họ lạm phát vẫn thấp hơn mình? Tôi cho rằng nguyên nhân chính là gánh nặng đầu tư công hiện khá cao. Mình tiết kiệm thì chỉ được hơn 20% nhưng đầu tư tới hơn 30%, thu ít mà chi nhiều dẫn tới khoản chênh lệch đó phải tìm tiền từ nguồn khác. Khi tình trạng các khoản chi tiêu Chính phủ không được đáp ứng bởi tiền thuế hoặc các khoản thu khác, mà được tài trợ bằng cách làm tăng cung tiền thì chắc chắn nền kinh tế sẽ phải trải qua lạm phát cao.

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng dẫn đến nhiều hệ lụy

Vấn đề thời sự trong 3 ngày qua là vấn đề “sở hữu chéo giữa các ngân hàng”. Báo cáo cũng nói tới thực tế này và “ngân hàng trở thành sân sau của các tập đoàn kinh tế, kể cả nhà nước lẫn tư nhân, ở mức báo động”. Điều này có thể hiểu thế nào? Thưa ông.

- Thông qua sở hữu chéo, cổ đông của ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B thông qua một công ty đầu tư tài chính của mình để góp vốn vào ngân hàng A và cổ đông của ngân hàng B cũng sử dụng công ty đầu tư tài chính của mình để vay ngược lại ngân hàng A. Chính điều này đã tạo ra luồng vốn tưởng là góp “tiền tươi, thóc thật” nhưng thực chất là vốn vay lẫn nhau. Điều này tạo nên lượng “vốn ảo” trong hệ thống ngân hàng thương mại mà quy mô thực của nó chưa được làm rõ.

Sở hữu chéo cũng cho phép ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B (mà ngân hàng A có sở hữu) cho vay, qua đó giảm được mức nợ xấu phải khai báo và không phải trích dự phòng rủi ro tương ứng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước khó nắm được chính xác số nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Còn nhiều những hệ lụy khác nữa như họ có thể liên kết với nhau để thao túng tiền tệ, lãi suất, tỉ giá, song các điều này cũng đã đủ để làm an toàn của hệ thống ngân hàng và chất lượng tín dụng của nước ta bị giảm sút đáng kể.

- Xin trân trọng cảm ơn TS.

 

                                                             Theo Báo Laodong

 

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục