Công ty TNHH Mai Thái chi nhánh tại xã Thanh Lương (Lương Sơn) đang tồn kho gần 4 triệu viên gạch nung các loại, buộc phải bán chịu để giảm bớt áp lực hàng tồn.

Công ty TNHH Mai Thái chi nhánh tại xã Thanh Lương (Lương Sơn) đang tồn kho gần 4 triệu viên gạch nung các loại, buộc phải bán chịu để giảm bớt áp lực hàng tồn.

Bài 1:

“Cơn bĩ cực” của cộng đồng doanh nghiệp

(HBĐT) - Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã có 487 doanh nghiệp (DN) tiến hành giải thể, trong đó, 209 DN giải thể tự nguyện, 194 DN vi phạm Luật DN, 84 DN chuyển đổi loại hình DN. Riêng năm 2012, dự kiến có 110 DN giải thể, tăng 104% so với năm 2011 và tăng 3 lần so với thời điểm năm 2006. Đó là những con số báo động, cho thấy cộng đồng DN hoạt động trên địa bàn tỉnh đang lâm vào “cơn bĩ cực” nặng nề.

 

“Ngộp thở” vì nợ chồng lên nợ  

Tiền thân là Xí nghiệp gạch Hòa Bình, Công ty CP Hương Sơn (Mông Hóa, Kỳ Sơn) bắt đầu SX-KD từ năm 2004. Gần chục năm hoạt động, sản phẩm gạch đất sét nung của Công ty đã tạo được chỗ đứng khá vững trên thị trường, mang lại doanh thu đều đặn trên 30 tỷ đồng mỗi năm. Là DN gạo cội trong lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, chắc chắn chưa bao giờ Công ty Hương Sơn lâm vào tình trạng khốn đốn như hiện nay.  

Ông Nguyễn Quốc Trí, Giám đốc Công ty cho biết: Trong hai năm 2010 và 2011, Công ty liên tục làm ăn thua lỗ do sản phẩm làm ra tiêu thụ kém. Có thời điểm vì quá khó khăn, công ty buộc phải tắt lò, ngừng SX. Bước sang năm 2012, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu như năm 2011, Công ty lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng thì riêng 9 tháng năm 2012 đã lỗ trên 1 tỷ đồng. Hiện, Công ty vay ngân hàng trên 20,8 tỷ đồng, số tiền lãi phải trả ngân hàng đã lên gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Ngoài nợ ngân hàng, Công ty còn nợ các khoản nộp NSNN, nợ lương công nhân, nợ BHXH... Nợ chồng lên nợ. Bản thân Công ty lại là chủ nợ của hơn 100 khách hàng mua chịu với tổng dư nợ tính sơ sơ cũng trên 4 tỷ đồng. ông Nguyễn Quốc Trí chua chát kể: Mặc dù Công ty đang nợ chồng chất nhưng vẫn phải bán chịu cho khách hàng miễn sao tiêu thụ được sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho.  

Qua tìm hiểu được biết, nhiều DN khai thác, sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng phải bất đắc dĩ lựa chọn phương án bán chịu như Công ty CP Hương Sơn nhằm giảm bớt áp lực hàng tồn kho, thậm chí chấp nhận hạ giá thành sản phẩm, bán lỗ để bù lại phần nào chi phí SX. Theo báo cáo tình hình SX-KD của các DN nhóm này, tại thời điểm cuối tháng 9/2012, nhiều DN có lượng hàng tồn kho lớn. Điển hình là Công ty CP Hương Sơn tồn trên 7 triệu viên gạch các loại, Công ty TNHH MTV An Thái tồn trên 5 triệu viên gạch, Công ty TNHH Mai Thái chi nhánh tại xã Thanh Lương (huyện Lương Sơn) tồn gần 4 triệu viên gạch, Công ty TNHH BMC Hòa Bình tồn kho khoảng 30.000 m3 đá khai thác, Công ty CP Sản xuất VLXD&KS Hòa Bình tồn vài trăm tấn cao lanh, Công ty CP Xi măng Sông Đà tồn kho trên 2.500 tấn xi măng, Công ty TNHH Xi  măng Trung Sơn tồn kho trên 38.000 tấn xi măng, clinke... Đáng lo ngại là cùng với áp lực tiêu thụ sản phẩm, hàng loạt DN đã phải “kêu cứu” vì bị “kẹt” giữa nhiều khó khăn khác.  

“Chưa năm nào khó khăn như năm nay”  

Tại TPHB, theo phòng Kinh tế TPHB, trong 9 tháng năm 2012 có trên 60% DN có mức đóng góp lớn vào hoạt động SX-KD của TP phải giảm công suất hoạt động đến mức tối đa. Đặc biệt, một số DN phải ngừng SX như Công ty CP Xuất nhập khẩu Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Bia Hòa Bình, Công ty TNHH Sanda Hòa Bình... Ngay cả những DN lớn có bề dày gần 20 năm hoạt động như Công ty CP Xi măng Sông Đà cũng không thoát khỏi “vũng lầy” do lạm phát và khủng hoảng kinh tế tạo ra.  

Ông Đào Quang Dũng, Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Đà cho biết: Đối với Công ty, khó khăn bắt đầu nặng nề từ năm 2010 nhưng chưa năm nào khó khăn như năm nay. Cùng với sự tăng giá chóng mặt của các nguyên vật liệu đầu vào, chi phí SX bị đội lên nhiều so với trước. Thêm vào đó, công nghệ SX xi măng lò đứng mà DN sử dụng đã không còn phù hợp, trở thành áp lực lớn. Đến đầu năm nay, Công ty buộc phải dừng hẳn dây chuyền SX clinker, giảm số lượng lao động, duy trì SX cầm chừng ở mức dưới 30% công suất. Kế hoạch năm nay Công ty SX khoảng 100.000 tấn xi măng nhưng 9 tháng năm nay chỉ SX được khoảng 25.000 tấn. Với đà này, dự kiến sản lượng năm nay chỉ đạt 30% kế hoạch. Do SX trì trệ kéo dài, sản phẩm không tiêu thụ được, doanh thu không có nên những khoản chi phí cố định như lương CB-CNV, đóng BHXH... trở thành khoản lỗ khiến DN đã khó càng thêm khó. Chính vì vậy, thời gian tới, Công ty tiếp tục đơn phương cắt giảm hợp đồng lao động, từ 250 lao động hiện nay sẽ chỉ duy trì khoảng 100 lao động.

Để xác định khó khăn cụ thể của DN, vừa qua, Sở Công thương đã làm việc trực tiếp với các DN hoạt động trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh. Kết quả là có 65,78% DN được khảo sát có tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời có lượng sản phẩm tồn kho cao. Các DN này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất VLXD, xây dựng công trình. Có 13,15% DN SX-KD thua lỗ, trong đó có những DN lỗ cao, phải SX cầm chừng. Có 10,52% DN tạm ngừng hoạt động do làm ăn thua lỗ kéo dài, trong đó có những DN đã thực hiện thủ tục giải thể chuyển sang hình thức hộ kinh doanh... Nhìn chung, các DN hoạt động có lãi chủ yếu là DN thuộc lĩnh vực may công nghiệp, còn lại đa số DN đều gặp nhiều khó khăn trong SX-KD.  

Ông Đinh Văn Vượng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, tổ trưởng tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho SX-KD cho DN trên địa bàn tỉnh trao đổi: Chung quy lại, khó khăn hiện nay của DN tập trung vào hai nút thắt quan trọng nhất là đầu vào và đầu ra. Về vấn đề đầu vào, hàng loạt DN kêu thiếu vốn hoạt động nhưng khả năng hấp thụ vốn ngân hàng lại hạn chế, lãi suất ngân hàng cao khiến DN khó tiếp cận. Trong khi đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm lại chưa được khơi thông, sản phẩm làm ra tiêu thụ kém dẫn tới SX đình trệ kéo dài. Ngoài hai khó khăn mấu chốt trên, DN còn phải chịu áp lực từ những yếu tố bất lợi khác, ví dụ như: nguồn điện cung ứng cho SX không ổn định, phí BVMT tăng, giá tính thuế tài nguyên đối với sản phẩm không còn phù hợp với thực tế... Khó khăn đè nặng khiến nhiều DN lâm vào “cơn bĩ cực” nặng nề.  

“Cơn bĩ cực” và những con số đáng báo động  

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, đến cuối tháng 10/2012, toàn tỉnh có 2.063 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Trong 10 tháng năm 2012 có khoảng 1.380 DN có hoạt động SX-KD, đạt trên 60% tổng số DN đã đăng ký. Hầu hết các DN có quy mô nhỏ và vừa, đăng ký hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp, thăm dò khai thác khoáng sản và thương mại dịch vụ (chiếm gần 90%). Trong những tháng đầu năm 2012, do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ lạm phát và khủng hoảng kinh tế, hàng loạt DN đã rơi vào tình trạng SX-KD kém hiệu quả, thậm chí trì trệ, ngừng hoạt động. Tính đến tháng 8/2012, trên địa bàn tỉnh đã có 749 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng hoạt động do khó khăn, chiếm 35,4% tổng số DN. Trong đó, số DN trong 3 năm liền (2008-2010) không nộp báo cáo tài chính 55 DN, số DN không gửi báo cáo tài chính năm 2010 là 380 DN, số DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký 259 DN, số DN đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh 58 DN. Đặc biệt có tới 498 DN SX-KD thua lỗ, chiếm 47,7% tổng số DN, giá trị lỗ khoảng trên 230 tỷ đồng, trong đó, trên 70 DN thông báo số lỗ trên 1 tỷ đồng. Do chìm sâu vào tình trạng SX trì trệ, nợ nần chồng chất nên nhiều DN đã không thể trụ vững trên thị trường. Dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 110 DN giải thể, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2006. Như vậy, từ năm 2006 - 2012 đã có 487 DN tiến hành giải thể gồm 209 DN giải thể tự nguyện, 194 DN vi phạm Luật DN, 84 DN chuyển đổi loại hình DN... Đây là những con số đáng báo động và chắc chắn sẽ chưa dừng lại, nếu các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN không được triển khai một cách hữu hiệu, kịp thời.

(Còn nữa)

                                                                                      Thu Trang

 

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục