3 năm qua (2009-2012), tỉnh ta đã tổ chức trên 40 hội chợ, trong đó tập trung giới thiệu các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam.
Ảnh chụp tại Hội chợ thương mại Hòa Bình năm 2012.

3 năm qua (2009-2012), tỉnh ta đã tổ chức trên 40 hội chợ, trong đó tập trung giới thiệu các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh chụp tại Hội chợ thương mại Hòa Bình năm 2012.

(HBĐT) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Ba năm, một chặng đường, tuy chưa hẳn là dài nhưng cuộc vận động đã thực sự đi vào lòng dân. Thật vui vì từ vùng nông thôn đến nơi phố thị của Hòa Bình, hàng Việt đã và đang từng bước lên ngôi.

 

Còn nhớ cách đây dăm, bảy năm, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, bà con trong khu dân cư chúng tôi lại rục rịch tổ chức chuyến đi Lạng Sơn để mua sắm hàng hóa. Từ áo quần, chăn chiếu, giày dép đến xoong nồi, bát đĩa, rồi hàng điện tử, điện lạnh... đều được để dành để lên cửa khẩu mua hàng “Tàu”, vừa rẻ, sẵn, mẫu mã lại đẹp. Không chỉ ở khu dân cư, ở nhiều cơ quan, đơn vị cũng vậy; nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 20/10, các chị em phụ nữ thể hiện tinh thần “dân chủ” bằng việc góp ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan không tặng quà và cũng không tổ chức liên hoan, để dành tiền tổ chức cho chị em một chuyến xe đi cửa khẩu thăm quan mua sắm. Gần là cửa khẩu Lạng Sơn, xa hơn là cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, Lao Bảo - Quảng Trị... Mỗi chuyến đi như vậy, chị em không chỉ mua sắm cho gia đình mình mà còn gánh vác sự gửi gắm của bạn bè, người thân. Khi đi, chiếc xe thoáng rộng nhẹ nhõm bao nhiêu, khi về chật chội, nặng nề bấy nhiêu vì những thùng hàng “ngoại” có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan...

 

Đó là chuyện của mấy năm về trước, còn ở thời điểm hiện tại, tâm lý “sính hàng ngoại” của người dân đã có vẻ như chững lại. Nói vậy bởi trong dân cư, nhất là cư dân ở khu vực thành phố Hòa Bình đã không còn mặn mà với những  “tua” du lịch ở nơi cửa khẩu thăm quan, thưởng ngoạn thì ít, mua sắm thì nhiều như trước. Người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến những mặt hàng được sản xuất trong nước. Có thể đưa ra một minh chứng cụ thể là chiếc xe mô tô (loại phương tiện đi lại không thể thiếu trong mỗi gia đình ở thời điểm hiện tại). Nếu như trước kia phần lớn người dân chọn mua cho mình những chiếc xe được sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... nay, lượng mô tô lưu thông trên đường phố chủ yếu là hàng Việt Nam. Nhiều nhất vẫn là dòng xe Honda được sản xuất trong nước với các loại xe Future, Air Blade , Wave,  LEAD, PCX và gần đây là chiếc xe SH lịch lãm, sang trọng với giá cả chỉ bằng phần nửa xe nhập ngoại.  Đây là thứ tài sản có giá trị lớn nên phần đông người tiêu dùng khi mở hầu bao cũng đều phải cân nhắc chọn hàng rẻ, bền, đẹp là lẽ đương nhiên. Sự chuyển biến rõ nét trong thị hiếu người tiêu dùng vẫn là ở những mặt hàng thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng...

 

Chuẩn bị thêm ít bát đĩa, chiếc bình rộng miệng để cắm hoa đào và chiếc nồi nhôm để luộc bánh chưng cho ngày tết, chị Hà, người hàng xóm thân thiết của tôi dành một vài phút tư lự rồi quả quyết: không phải chọn lựa gì nhiều cứ chọn hàng Việt Nam chất lượng cao mà dùng, giá cả phải chăng mà lại an toàn. Hơn nữa, dùng hàng Việt Nam,  mình cũng đã góp phần cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nước nhà. Nói rồi chị liệt kê những thương hiệu cần tìm đến như: bát đĩa, bình hoa thì mua gốm sứ Bát Tràng hoặc Hải Dương, nồi nhôm Hải Phòng. Trong trí nhớ của tôi vài năm trước đây, những mặt hàng này thường bị xếp chìm nghỉm trong cả đống ngồn ngộn “hàng Tàu” nhưng nay đã khác, khi chúng tôi đến cửa hàng bán đồ gia dụng ở chợ Phương Lâm (TPHB), chị Nhâm, chủ cửa hàng và cũng là một người bạn cũ của chúng tôi niềm nở. Lâu rồi mới thấy các chị đi mua sắm đồ, các chị cứ chọn đi, em có đủ: hàng Thái, Trung Quốc, liên doanh nhưng dạo này khách  hay chọn hàng Việt Nam nên em cũng nhập nhiều hơn. 

 

Lâu rồi tôi mới dành cho mình một ngày chủ nhật để thư giãn bằng cách đi mua sắm quần áo, giày dép... cho cả gia đình. Dọc theo các đường phố chính của thành phố Hòa Bình, các cửa hàng, cửa hiệu thời trang đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Trong số các cửa hiệu mới khai trương có rất nhiều cửa hiệu chuyên kinh doanh các mặt hàng mang thương hiệu Việt với những cái tên như: “Thời trang phong cách Việt”,  “Thời trang công sở Việt Tiến”, “Thời trang N&M”, “Foci - thương hiệu Việt”… Trên thực tế, các mặt hàng mang thương hiệu Việt đã từng bước tìm được chỗ đứng trong thị hiếu của công chúng. Chị Sáng là một công chức, trong công việc hàng ngày ở công sở, chị có điều kiện gặp gỡ nhiều người có cùng sở thích về thời trang, lại nghe nhiều về cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chị quyết định mở cửa hàng kinh doanh thời trang Việt. Phải thuê người bán hàng, bản thân chỉ  tham gia lúc rảnh rỗi nhưng chị rất vui. Khi được hỏi về cái tên “Phong cách Việt”, chị tâm sự: mình rất tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé để tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu Việt, đó cũng là một cách tôn lên lòng tự hào dân tộc.

 

         

                             Ngày càng có thêm nhiều cửa hiệu thời trang

                     thương hiệu Việt đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

 

Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (theo khảo sát, đánh giá của Ban chỉ đạo CVĐ), lượng người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Có được kết quả này không thể không kể đến sự đóng góp tích cực MTTQ, các ban, ngành hữu quan của tỉnh và các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động. Ngành Công thương đã đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, tuyên truyền, giới thiệu cho người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm  hàng hóa, dịch vụ. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức được CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội vàng để nâng cao uy tín, thương hiệu  đối với người tiêu dùng. Vì thế, các doanh nghiệp đã không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa , triển khai nhiều đợt giảm giá khuyến mại kích thích sức mua để từ đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt. Theo Sở Công thương,  năm 2009 có 80 doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh; năm 2010 tiếp nhận 707 chương trình khuyến mại với 165 lượt doanh nghiệp tham gia, tổng giá trị khuyến mại trên 987 tỷ đồng; năm 2011 có 1.257 chương trình khuyến mại của 154  lượt doanh nghiệp; năm 2012 có trên 100 lượt doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại. Ngoài ra, trong 3 năm gần đây, Sở Công thương phối hợp với MTTQ tỉnh đã tổ chức hàng chục chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Đưa hàng Việt về vùng sâu, xa” phục vụ nhân dân.

 

Như đã nói ở trên, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước bởi vậy đã huy động được sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân.  Dẫu kết quả còn chưa được như ý muốn nhưng ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng ý thức rằng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một hành động thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

 

 

                                                                                       Thúy Hằng

 

 

 

Các tin khác


Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục