Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm vườn bưởi cho thu nhập cao của ông Trần Văn Hùng, xóm Tân Hương, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm vườn bưởi cho thu nhập cao của ông Trần Văn Hùng, xóm Tân Hương, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc.

(HBĐT) - Công cuộc xây dựng NTM nhằm kiến thiết nông thôn để cuộc sống của người dân nông thôn và bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn đang là niềm hy vọng của hàng vạn nông dân trong tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xây dựng NTM là cách làm khoa học, là bước đi hợp lý nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng về “tam nông” có hiệu quả thiết thực hơn. Từ đó thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, giảm khoảng cách giàu, nghèo giữa thành thị và nông thôn.

 

Từ những mô hình hiệu quả

 

Đến xã Sơn Thủy (Kim Bôi) vào thời điểm này, trong các khu vườn của xóm Khoang, xóm Lốc là những cây nhãn lồng, nhãn Hương Chi đang kết trái xum xuê, những ngôi nhà xây kiên cố thấp thoáng giữa các khu vườn, xen kẽ là những cột ăng ten cao vút. ông Bùi Văn Lực là đảng viên tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Sơn Thuỷ bằng việc phá bỏ vườn tạp trồng giống nhãn Hương Chi. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm 500 m2 vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, tham khảo qua sách báo về giống cây trồng này, ông tự rút ra kỹ thuật cho bản thân. Người có công, đất chẳng phụ, sau 3 năm trồng thử nghiệm, cây nhãn đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông mở rộng diện tích đến nay phát triển lên khoảng 2 ha với hàng ngàn gốc nhãn trong độ cho thu quả. Đến vụ thu hoạch, thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng về đặt mua tại vườn. Vụ nhãn năm 2013, gia đình ông Lực tiếp tục thắng lớn. Vườn nhãn Hương chi cho sản lượng khoảng 30 tấn, với giá bán 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế gia đình giỏi, ông Lực còn sẵn sàng giúp đỡ bà con về cây giống và truyền lại kiến thức, kinh nghiệm để bà con cùng học tập.

 

Rời Kim Bôi, chúng tôi đến thăm mô hình bưởi cho thu nhập cao của gia đình ông Trần Văn Hùng ở xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối, Tân Lạc. Vườn bưởi nhà ông Hùng có khoảng 140 cây với 2 loại bưởi đỏ và bưởi da xanh, trong đó có cây bưởi cho tới 600 quả. Thu nhập từ bưởi của gia đình ông đạt khoảng 400 triệu đồng/năm. Trong chuyến đi tham quan mô hình bưởi này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp nhân rộng giống bưởi đỏ và bưởi da xanh để xây dựng thương hiệu bưởi Tân Lạc tạo thành vùng sản xuất hàng hoá lớn

 

 Những mô hình hiệu quả là minh chứng sống động cho Nghị quyết tam nông ở tỉnh ta. Sự đổi thay nhiều nhất phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp. Điều đó không chỉ thể hiện ở sức bật từ những cánh đồng mà còn ở tư duy, nhận thức của người dân khi bà con đã tích cực đưa các giống cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ có những động thái tích cực, trong bức tranh sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình đáng khích lệ như huyện Lạc Thuỷ là điểm sáng trong phát triển kinh tế trang trại với 50 trang trại đạt tiêu chí mới thu nhập bình quân 550 triệu đồng/trang trại/năm. Huyện Cao Phong với 2 cây trồng chủ lực là cam và mía tím cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện Lương Sơn với mô hình sản xuất rau hữu cơ cho thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha/năm.

 

 

…Đến thành công trong xây dựng NTM

 

Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện quan tâm, đóng góp cho xây dựng hệ thống hạ tầng. Sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bằng nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tạo điểm nhấn cho bức tranh NTM ngày càng hoàn thiện tác động rõ rệt đến phát triển kinh tế nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng nông thôn, đồng thời khẳng định sử dụng các nguồn đầu tư cho nông thôn của tỉnh đúng và trúng, mang lại hiệu quả thiết thực, hợp với ý Đảng, lòng dân. Hệ thống GTNT có bước phát triển góp phần tích cực trong việc phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, chương trình cứng hoá đường GTNT đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương; đường trục xã và trục thôn được cứng hoá đạt chuẩn và coi như đạt chuẩn chiếm hơn 50%. Trong 3 năm 2011-2013, tổng kinh phí đầu tư cho giao thông trong tỉnh đạt trên 657 tỉ đồng đã có 16 xã đạt tiêu chí về giao thông. Hệ thống thủy lợi ở khu vực nông thôn cũng được ưu tiên đầu tư nâng cấp, làm mới đảm bảo tưới cho trên 70% diện tích sản xuất. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa, đáp ứng trên 45% tổng diện tích đất nông nghiệp, riêng khâu làm đất cho sản xuất lúa đáp ứng 88% diện tích. Hệ thống điện lưới được đầu tư phát triển mạnh, đến nay, 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện an toàn và ổn định là 98%. Lưới điện được mở rộng đã tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp - nông thôn phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng khác như chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá xã được đầu tư mạnh, góp phần cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn.

 

Các thành phần kinh tế tiếp tục nở rộ, đặc biệt kinh tế trang trại và kinh tế tập thể đã tạo những điểm nhấn quan trọng. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tại các xã trên địa bàn tỉnh chiếm 76%; hàng năm có trên 12.000 lượt người được tham gia học nghề trong đó gần 80% số lao động qua đào tạo nghề hàng năm có việc làm ngay tại các cơ sở sản xuất, XKLĐ và tự tạo việc làm ngay tại địa phương. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần đại đa số nông dân được cải thiện rõ rệt, ANTT - ATXH được giữ vững. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng thêm khoảng 2,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm khoảng 3,5%/năm. Hết năm 2013 thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,73%.

 

 

Phát triển tam nông bền vững

 

Nghị quyết Tam nông đã khẳng định ý nghĩa to lớn và yêu cầu bức thiết của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn mới, trong đó xác định xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng, bền vững, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao. Hiện tỉnh ta đang đẩy nhanh thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất.

 

Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn tỉnh ta xác định tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Sản xuất gắn với chế biến và nhu cầu thị trường, tập trung vào các vùng sản xuất chuyên canh. Vận động nhân dân mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, hiệu quả thấp sang đầu tư tập trung theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Triển khai thực hiện xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và đưa vào vận hành. Phát triển mạnh chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, tập trung cải tạo con giống theo hướng Sind hóa, nạc hóa. Mở rộng diện tích nuôi thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản. Quản lý chặt chẽ vật tư phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; làm tốt công tác thú y, phòng - chống dịch bệnh, BVTV, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và diện tích cây trồng, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng sâu, xa. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hạn chế dần và tiến tới xóa bỏ quan niệm sản xuất nhỏ lẻ manh mún và không theo kế hoạch cụ thể. Thu thập thông tin, tuyển chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao nhân rộng cho nhân dân thực hiện

 

Bức tranh NTM ở tỉnh ta đang ngày càng hiện rõ nét. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận chung sức của người nông dân, phong trào xây dựng NTM chắc chắn sẽ chuyển biến mạnh mẽ, để người dân vùng nông thôn luôn có được một cuộc sống tốt và chất lượng, tạo nền tảng để phát triển tam nông bền vững.

 

 

                                                                   Đinh Thắng

 

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục