Từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh Bùi Văn Minh,  xóm Hồng Vân, xã Bắc Phong (Cao Phong) đầu tư mua trâu  cùng trồng trọt phát triển kinh tế gia đình.

Từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh Bùi Văn Minh, xóm Hồng Vân, xã Bắc Phong (Cao Phong) đầu tư mua trâu cùng trồng trọt phát triển kinh tế gia đình.

(HBĐT) - Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã giúp cho các hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo đã góp phần giải “cơn khát” vốn của nhiều hộ trên địa bàn tỉnh, là cơ hội để hộ cận nghèo có vốn phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững.

 

Không ít hộ cận nghèo vận dụng đồng vốn vay có hiệu quả. Gia đình anh Bùi Văn Minh ở xóm Hồng Vân, xã Bắc Phong (Cao Phong) là một ví dụ. Năm 2013, khi đang khó khăn về nguồn vốn phát triển kinh tế, gia đình anh được tiếp cận chương trình tín dụng hộ cận nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện vay 17 triệu đồng để mua 1 con trâu. Ngoài chăn nuôi, gia đình anh còn trồng mía và cam bước đầu cho thu hoạch. Bên cạnh đó, gia đình được vay 8 triệu đồng từ chương trình NS&VSMT xây dựng bể chứa nước và công trình vệ sinh. Anh Minh tâm sự: Gia đình chỉ mong tín dụng chính sách cho hộ cận nghèo được tiếp tục mức cho vay cao hơn để chúng tôi có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

 

Chương trình cho vay hộ cận nghèo ngay từ khi mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Do NHCSXH tỉnh có sẵn các điểm giao dịch ở cấp xã nên khâu khảo sát, giải ngân cho vay rất thuận lợi. Qua rà soát, khách hàng đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả. Công tác triển khai cho vay được tiến hành chặt chẽ, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch điều tra, khảo sát số hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay của người dân để xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp. Ngân hàng cũng tích cực tham mưu với chính quyền địa phương phân bổ chỉ tiêu, điều chuyển vốn giữa 2 chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo để bảo đảm nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp với UBND các xã, tổ chức hội, đoàn thể củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; bảo đảm giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân.

 

Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt gần 56 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo đạt trên 350 tỷ đồng với 15.656 hộ còn dư nợ. Từ ngày 5/6/2015, mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo giảm còn 0,66%/tháng, giảm 0,06%/ tháng đối với mức lãi suất hộ cận nghèo trước đây, mức vay tối đa được nâng lên 50 triệu đồng/hộ.

 

Đồng chí Vũ Đình Đoài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh. Với phương thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì đôi khi chỉ sau một đợt dịch bệnh, thiên tai, có người đau ốm hoặc con cái đi học là hộ vừa thoát khỏi diện nghèo không còn vốn để đầu tư SX-KD. Đến khi đáo hạn, nếu ngân hàng thu hết cả nợ gốc lẫn lãi, đối tượng này sẽ không còn nguồn để tái đầu tư nên rất dễ tái nghèo.

 

Theo kết quả điều tra đa chiều mới đây, toàn tỉnh còn 24.586 hộ cận nghèo. Để đồng vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp định hướng, hướng dẫn hộ vay cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với địa phương và nhu cầu thị trường. Các hội, đoàn thể, ban giảm nghèo, tổ tiết kiệm và vay vốn cần tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; kịp thời bình xét cho những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới phát huy hiệu quả giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

 

 

                                                                    Đinh Thắng

 

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục