(HBĐT) - Qua hàng nghìn năm, người Mường đã lao động, học tập và sáng tạo cho mình, cho đất nước nền văn hóa Hòa Bình lâu đời, rực rỡ, đặc sắc và nổi tiếng. Trong nền văn hóa ấy - không gian văn hóa chiêng Mường với hàng vạn chiếc chiêng được trình tấu, trình diễn độc đáo. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy âm nhạc - không gian văn hóa chiêng Mường của tỉnh được coi trọng nhằm góp phần củng cố sự trường tồn của dân tộc. Trong Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016 - một lần nữa giá trị của chiêng Mường được tôn vinh trong ngày hội lớn của tỉnh nhà.

 

Chiêng Mường - Vật báu hồn thiêng

 

Từ xa xưa, trong quá trình lao động cần cù, người Việt - Mường cổ đã sáng tạo ra những chiếc chiêng quý báu và một số cách trình tấu chiêng Mường phục vụ cho cuộc sống của mình. Trước kia, chỉ có đàn ông mới đánh chiêng. Sau này, người Việt và Mường tách ra làm 2 nhưng giá trị của Chiêng Mường vẫn được lưu giữ.

 

Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị chiêng Mường được tỉnh quan tâm. ảnh: Lớp truyền dạy đánh chiêng và hát dân ca Mường ở xã Phú Minh (Kỳ Sơn).

 

Người Mường coi chiêng là vật báu. Một dàn chiêng có từ 4, 5, 7, 9 chiếc. Bộ hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ (chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé), ngoài ý nghĩa âm nhạc còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Chiêng Mường gắn bó với vòng đời của 1 con người, bản làng, cộng đồng. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, trẻ em khát sữa cũng dùng tiếng chiêng để gọi mẹ về. Lên 14- 15 tuổi, trẻ đã biết theo cha mẹ, ông bà đi đánh chiêng để xem và học đánh. Đến khi kết hôn, nhà trai, nhà gái đều đánh chiêng để chúc mừng. Trong lao động, sản xuất, người Mường đều dùng chiêng để thúc giục khi làng, bản có việc hay trừ ma, đuổi tà. Đến lúc người già mất đi, tiếng chiêng tiễn người quá cố về với tổ tiên. Từ thế kỷ thứ XIV đến thế kỷ XIX, người Mường đưa trình tấu chiêng lên tầm nghệ thuật, khoa học hơn, tổ chức chiêng khá hoàn chỉnh. Lúc này, người đánh chiêng là phụ nữ ăn mặc đẹp biểu diễn trong phường bùa những ngày đầu xuân. Người Mường cũng sáng tác nhiều bài chiêng hơn như: Đi đường, Trầm khầm, Bông trắng bông vàng… Người Mường có 30 lễ, hội lớn nhỏ thì có tới 26 lễ hội dùng âm nhạc chiêng, văn hóa chiêng đủ thấy được văn hóa chiêng có ý nghĩa lớn đối với tâm linh, tâm hồn dân tộc.

 

Chiêng Mường hướng về ngày hội lớn

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, có tới trên 50 bài chiêng nhưng khi nghiên cứu bài bản hơn, tổng hợp lại có nhiều bài chiêng trùng nhau. Tổng kết người Mường có khoảng hơn 30 bài chiêng. Qua khảo sát gần đây, người Mường Hòa Bình có trên 1 vạn chiếc chiêng. Khối lượng đồ sộ khó dân tộc nào có được. Tương ứng với hàng vạn chiếc chiêng là có hàng vạn người tấu chiêng, trong đó chủ yếu là nghệ nhân nữ. Hầu như nhân dân ở các làng, xã, huyện, thành phố ở Hòa Bình đều lưu giữ chiêng, trình tấu chiêng nên chiêng Mường có tính phổ biến, toàn dân, phổ thông. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá chiêng Mường và trình tấu chiêng Mường thật độc đáo, hiếm có.

 

Phát huy sức mạnh không gian văn hóa chiêng Mường, từ cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các nhà chuyên môn và nhân dân đã khôi phục và tổ chức được một số lễ hội chính trị, văn hóa, xã hội lớn. Trong đó có những cuộc trình tấu, trình diễn chiêng hoành tráng từ 250- 500 chiếc chiêng trở lên và hàng nghìn nghệ sỹ, nghệ nhân tham gia biểu diễn. Điển hình là các sự kiện Ngày hội lớn của tỉnh và khu vực tổ chức tại trung tâm thành phố Hoà Bình có gắn kết với nghệ thuật trình tấu chiêng Mường, thu hút được người dân ý thức với nghệ thuật chiêng là niềm tự hào, đam mê và tạo khí thế thi đua trong cộng đồng. Tiêu biểu năm 2007 có Ngày hội văn hoá dân tộc Mường toàn quốc lần thứ nhất với màn trình diễn chiêng của 500 nghệ nhân. Năm 2011, Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Lễ hội Văn hóa cồng chiêng tỉnh lần  thứ I có màn trình tấu cồng chiêng “Vật báu - hồn thiêng” với sự tham gia của 1.400 diễn viên, nghệ nhân được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục màn cồng chiêng lớn nhất.

 

Năm nay, trong chương trình Lễ kỷ niệm có Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2 với chủ đề “âm sắc Chiêng Mường”. Bên cạnh đó là chương trình diễu hành đường phố và màn trình tấu lập kỷ lục Guinness Việt Nam lần thứ 2 có chủ đề “Bốn Mường hội tụ” với sự tham gia của 2.000 nghệ nhân. Đặc biệt, trong Lễ kỷ niệm, cùng với Mo Mường, nghệ thuật Chiêng Mường sẽ được công nhận di sản phi vật thể quốc gia. Điều này đã góp phần nâng cao sức mạnh, vị thế của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình nói riêng và của cả nước nói chung. Chiêng dân tộc Mường đang từng bước được tôn vinh và phát triển, trở thành dấu ấn, bản sắc văn hóa độc đáo riêng biệt, gây được dấu ấn với du khách gần xa.

 

                                                             

 

                                                           Hương Lan

 

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục