(HBĐT) - Trên dãy Trường Sơn trùng điệp, bao đời nay, người Mường ở huyện Lạc Sơn cần mẫn lao động, xây dựng cuộc sống mới ngày một no ấm. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, khi mà một số giá trị bản sắc văn hóa mai một dần thì ở các xã vùng cao huyện Lạc Sơn vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống, phong tục tập quán đẹp của người Mường.

Huyện Lạc Sơn có 3 xã vùng cao, gồm: Tự Do, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn. Do vị trí nằm giữa những thung lũng xen kẽ của dãy Trường Sơn hùng vỹ nên vùng cao được ưu ái về cảnh sắc, quanh năm khí hậu mát lành. Ở vùng cao, khi gặp nhau, gặp khách xa hay gần, bà con vẫn lơ nón (hành động bỏ mũ, bỏ nón khỏi đầu, có nơi gọi là lợ nón, ngả nón - PV) để chào hỏi, đó là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong đối nhân, xử thế hằng ngày.

Lơ nón - phong tục đẹp của người vùng cao

Dù là thời điểm nào trong năm, "dấu hiệu” để nhận biết người vùng cao "chính hiệu” đó chính là nụ cười và cái lơ nón đặc trưng khi chào hỏi. Người vùng cao nơi này luôn dễ mến và thân thiện như vậy. Ông Bùi Văn Kin, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ngọc Lâu lý giải ngắn gọn: Chẳng biết phong tục đó có tự bao giờ, chỉ biết lúc còn là đứa trẻ thì lơ nón khi chào hỏi đã là một trong những bài học vỡ lòng của người Mường chúng tôi. Gặp người quen, người xa, người gần chúng tôi đều lơ nón chào hỏi. Điều này thể hiện sự tôn trọng, kính trọng lẫn nhau.


Người Mường ở các xã vùng cao huyện Lạc Sơn vẫn giữ được phong tục lơ nón khi chào hỏi nhau.

Theo ông Kin cho biết, động tác lơ nón khá đơn giản, khi gặp nhau, người Mường sẽ bỏ nón khỏi đầu để chào hỏi. Người trẻ tuổi, con cháu là những người phải lơ nón trước, người lớn cũng lơ nón để đáp lại. Đối với người Mường, trong các mối quan hệ xã hội thì mối quan hệ giữa thông gia được giữ ý hơn cả. Khi thông gia gặp gỡ, nói chuyện, họ chọn lọc câu chữ, chú ý từng lời ăn tiếng nói để thể hiện sự tôn kính lẫn nhau. "Đối với thông gia, người Mường quan niệm, nhà gái chia con, sẻ cái về nuôi dưỡng bố mẹ, còn nhà trai thì không chê con gái họ biết một, chưa biết mười mà cưu mang, bao bọc nên họ rất kính trọng. Do đó, việc lơ nón là phép lịch sự tối thiểu, lời ăn tiếng nói phải chuẩn chỉ, nhỏ nhẹ”, ông Kin lý giải.

Chia sẻ về phong tục này, cụ Bùi Văn Tẳm (80 tuổi), xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu cho biết, việc lơ nón khi chào hỏi không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn là thước đo đánh giá sự trưởng thành của mỗi người và phản ánh sự giáo dục con cái của bố mẹ. Trong đó, con dâu, con rể là những người phải nắm rõ về phong tục này. "Không chỉ khi gặp gỡ mới lơ nón mà chỉ cần đến đầu làng của nhà ngoại (nhà bố mẹ vợ) hay nhà nội (nhà bố mẹ chồng) thì con rể, con dâu đã phải lơ nón để thể hiện sự tôn trọng rồi ”, cụ Tẳm nhấn mạnh.

Người Mường trọng "lời chào” hơn "mâm cỗ”

Đi công tác ở các vùng quê trong tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nhận thấy những nét tương đồng trong văn hóa của người Dao, người Tày, người Thái và người Mường. Trong đó, điểm giống nhau nhất có lẽ là sự hiếu khách của gia chủ. Đối với người Mường ở vùng cao Lạc Sơn, sự hiếu khách được thể hiện ngay bằng cái bắt tay của chủ nhà khi khách đến chơi. Tiếp đó, chủ nhà trải chiếu ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà sàn mời khách ngồi chơi, uống nước. Trong khi uống nước, gia chủ thường thể hiện sự niềm nở bằng những câu hỏi mà khiến khách lạ cũng cảm thấy được trân trọng, ví như hỏi thăm sức khỏe, công việc, con cái.

Ông Bùi Văn Kin, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ngọc Lâu cho hay: Phong tục này đã có từ lâu đời. Khi khách đến chơi nhà, người Mường sẽ pha trà, rót chén rượu hoặc mang vò rượu cần ra mời khách. Mở đầu cuộc nói chuyện, người Mường chú trọng lời chào hỏi. Theo đó, chủ nhà hay hỏi khách những câu như: "Lâu ngày ông/bác/chú… đến chơi nhà, hỏi thăm dạo này gia đình, họ hàng, nhà trên, nhà dưới đều khỏe cả chứ?”. Đáp lại, khách sẽ cảm ơn lời hỏi thăm, đồng thời cũng hỏi thăm gia chủ với những câu hỏi tương tự. Sau hỏi thăm sức khỏe, tùy vào từng trường hợp, chủ nhà và khách sẽ hỏi nhau về kinh tế, mùa màng và các vấn đề khác. Thông qua những câu hỏi như vậy, giữa chủ và khách sẽ có được những thông tin, thấu hiểu về hoàn cảnh của nhau.

Theo ông Kin, tục chào hỏi còn được thể hiện rõ trong mâm cơm đãi khách của người Mường. Khi ngồi vào mâm cơm, tùy từng phong tục của từng vùng khác nhau mà khách hoặc chủ nhà sẽ là người mở lời trước. Đối với người Mường ở vùng cao Lạc Sơn thì người mở lời trước là khách. Theo đó, vị khách cảm ơn chủ nhà đã vất vả, tốn kém sắm nên mâm cơm ngon, chén rượu đầy để mời mình. Còn chủ nhà thì dù mâm cao, cỗ đầy đến đâu thì họ vẫn đáp lại đầy khiêm tốn, rằng: Lâu ngày khách đến chơi, đáng nhẽ gia đình phải sắm mâm cơm chu đáo, chén rượu ngọt để tiếp đãi nhưng do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên chỉ có mâm cơm đơn sơ, chén rượu nhạt và mong muốn vị khách sẽ thông cảm cho sự thiếu chu đáo này. Sau những lời chào hỏi đó, khách và chủ ăn cơm, uống rượu và chuyện trò vui vẻ.

Quả thật, ngồi ăn cơm với người Mường, khách xa sẽ cảm nhận được sự trân trọng, với tình cảm hết sức chân thành của chủ nhà đối với mình. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, dù những phong tục, tập quán trên không còn giữ được nguyên vẹn nhưng người Mường ở vùng cao Lạc Sơn vẫn răn dạy con cháu những phép đối nhân, xử thế căn bản hằng ngày. Những lời chào hỏi thân mật, chân thành không phải thể hiện sự câu nệ, khách sáo, mà là biểu hiện văn hóa đặc trưng trong nếp ăn, nếp ở của người Mường. Những phong tục truyền thống đó đã tạo nên nét đẹp ở vùng cao Lạc Sơn đang lưu giữ những giá trị văn hóa Mường đặc sắc.

Viết Đào


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục