(HBĐT) - Cafe Xưa đặc sánh "chất cũ” bắt đầu ngay từ cái tên "Cửa hàng mậu dịch số 61”, "Quầy giải khát”… cho đến những vật dụng chưa phải là quá cổ nhưng chắc chắn cũng rất ít xuất hiện trong cuộc sống hiện đại hôm nay như: bàn là than củi, quạt con cóc, bếp dầu, tivi đen trắng, chiếc xe đạp mipha… Bao trùm lên toàn bộ không gian quán là màu ve vàng cổ kính, nền lát gạch bông và tiếng nhạc không lời du dương. Với khoảng hơn 1.000 hiện vật tái hiện cuộc sống từ thời chiến tranh cho đến bao cấp, đổi mới, Cafe Xưa, số 61, Nguyễn Biểu, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) như một nốt nhạc lạ giữa không gian phố thị ồn ào, hiện đại.


 

Một góc của quán cafe Xưa đặc sánh "chất cũ”.

 

Bước chân vào cửa quán, ngay trước mắt chúng tôi là những chiếc xe đạp "thần thánh”: Favorite, Phượng Hoàng, Eska, Thống Nhất… mà gia đình nào cũng đã từng sở hữu ít nhất một chiếc. Thật thú vị là trên gác - ba - ga chiếc xe đạp Thống Nhất, anh chủ quán đam mê đồ cổ đã "thửa” được một chiếc thùng kem, kèm theo chiếc còi tay giờ đã thành của hiếm. Cả tuổi thơ của chúng tôi ùa về với ký ức chạy theo những chiếc xe đạp bán kem khắp đường làng và hò reo "kem mút, kem mút!”

Bước chân vào trong quán, phía bên phải là "Quầy giải khát” tái hiện không gian quán nước xưa với giá đồ uống được niêm yết tính bằng "đồng”, tên đồ uống mộc mạc như: nước chanh, nước cam… bàn ghế ngồi uống nước được "chế” lại từ những chiếc máy khâu cũ. Đặc biệt, cốc uống nước là những chiếc ca sắt tráng men in hình bông hoa, con vật… vốn là vật dụng yêu thích của trẻ nhỏ trong mỗi gia đình.

Thích thú ngắm nghía những đồ vật cổ của Cafe Xưa, anh Nguyễn Anh Tuấn, xóm 9, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) chia sẻ: Quán Cafe Xưa cho tôi cảm giác như ở nhà mình với những vật dụng cực kỳ thân quen, gần gũi, gợi lại rất nhiều cảm xúc về tuổi thơ, về ký ức những ngày đã qua. Tôi thường hay đưa các con đến đây chơi để giới thiệu, giải thích cho các con về những vật dụng trong gia đình giờ ít được sử dụng, về cuộc sống của bố mẹ, ông bà ngày xưa.

Đúng như anh Tuấn chia sẻ, Cafe Xưa giành hẳn một nửa diện tích để bài trí bàn ghế, đồ đạc như một ngôi nhà xưa với bộ bàn ghế sa - lông gỗ cũ có kiểu dáng đơn giản, sập gụ, tủ chè. Đồ đạc được bày biện "trong nhà” cũng chuẩn chất xưa với những tờ công trái được đóng khung treo lên tường, chiếc máy đánh chữ, đài băng cối - đĩa than, chiếc đèn bão, máy chơi điện tử cầm tay... Trung tâm "ngôi nhà” là lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, bên dưới là chân dung Bác Hồ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Duy Tiến, chủ quán Cafe Xưa chia sẻ: Bản thân tôi là một người đặc biệt yêu thích sưu tầm đồ cổ. Sau một thời gian sưu tầm, lượng đồ cổ tôi sở hữu khá nhiều. Xuất phát từ ý tưởng muốn có một địa điểm để trưng bày, chia sẻ, giao lưu về đồ cổ, tôi đã xây dựng và đưa vào hoạt động quán Cafe Xưa từ tháng 11/2018. Sau khi quán đi vào hoạt động, thật hạnh phúc là có nhiều khách đến quán uống nước sau đó đã mang những đồ cổ mà mình có đến tặng hoặc gửi để trưng bày ở quán. Quán đã trở thành điểm gặp gỡ của những người đam mê, yêu thích đồ cổ. Cùng với việc lượng khách tăng thì số lượng bạn trẻ đến quán, tìm hiểu về cuộc sống xưa ngày càng đông.

Bên cạnh những đồ vật gia đình, điểm nhấn đặc biệt của Cafe Xưa là bộ sưu tầm gồm hơn 20 chiếc máy ảnh cơ, hơn 100 chiếc đồng hồ, chủ yếu là đồng hồ Nga. Quán còn gây ấn tượng với khách bởi phòng đọc sách, truyện với hơn 500 đầu sách, truyện, trong đó có nhiều cuốn sách, bộ truyện tranh nổi tiếng xuất bản từ những năm 1980. Quán còn chuẩn bị sẵn cho khách những bộ cờ tướng, cờ vua, cá ngựa, ô ăn quan… để khách có thể trải nghiệm, giải trí. Ngoài ra, bắt nhịp với xu hướng "check in” của giới trẻ, Cafe Xưa giành toàn bộ không gian sân để trang trí thay đổi theo chủ đề, chủ điểm các mùa hoặc dịp lễ, Tết. Giữa sự ồn ào, hối hả của phố thị, Cafe Xưa là điểm đến khá ấn tượng, thú vị với những ai đam mê đồ cổ, ngược dòng ký ức muốn tìm về tuổi thơ.

Dương Liễu


Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục