Mới đây, việc đơn vị sản xuất phim Ròm tự đăng ký và gửi tham dự Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan tại Hàn Quốc trong khi chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến phim tại Việt Nam gây xôn xao dư luận. Chuyện các nhà sản xuất cứ đến khi bị phát hiện phim phạm luật mới xin rút phim dự thi diễn ra lâu nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.


Phim Việt Nam cứ sai rồi mới

Một cảnh trong phim Ròm.

Làm ngược quy trình

Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra thông báo về việc bộ phim Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) vi phạm Luật Điện ảnh. Cụ thể, khi chưa có giấy phép phổ biến phim, đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) đã gửi tác phẩm này tới LHP Quốc tế Busan lần 24 diễn ra từ ngày 3 đến 12-10. Một tuần sau khi gửi, HK Film mới đưa tác phẩm Ròm trình duyệt với Cục Điện ảnh và có buổi chiếu thẩm định. Phía Cục Điện ảnh khẳng định, công ty này cùng lúc vướng nhiều sai phạm. Đầu tiên, căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, phim Ròm chưa có giấy phép phổ biến phim đã tự đăng ký và gửi tham dự LHP Quốc tế Busan là vi phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, cơ quan quản lý đề nghị công ty giải trình về việc người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất phim mà không thực hiện giám định kịch bản theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19 tháng 9 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh; trong đó có thủ tục cấp giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Sau các buổi làm việc với Cục Điện ảnh, đơn vị sản xuất phim Ròm đã cam kết rút phim khỏi LHP Quốc tế Busan 2019 dưới mọi hình thức, đồng thời sẽ trình duyệt để được cấp giấy phép phổ biến bộ phim. Trước đó, LHP này dự kiến công chiếu phim Ròm vào ngày 4-10 và có thêm những buổi chiếu khác trong khuôn khổ sự kiện.

Ròm được đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy phát triển từ một phim ngắn, nội dung xoay quanh cuộc sống của những cậu bé bụi đời, bán vé số trên đường phố TP Hồ Chí Minh. Ngày 23-9, đơn vị sản xuất phim Ròm đã gửi thư tới Ban tổ chức LHP Busan xin rút nhưng tính đến hết sáng ngày 30-9, tất cả thông tin về phim này vẫn niêm yết đầy đủ, công khai trên trang web của LHP. Cục Điện ảnh tiếp tục nhắc nhở ê-kíp, yêu cầu liên hệ với Ban tổ chức để gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, đoàn phim Ròm vẫn tham dự, phổ biến phim tại LHP Busan. Ngày 8-10, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, điều này là vi phạm pháp luật cần phải xử nghiêm, ngay cả khi bộ phim đoạt giải.

Còn nhiều sai phạm nghiêm trọng

Trao đổi về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, quy định của nhiều LHP quốc tế trong đó có LHP Quốc tế Busan là sẽ tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua Cục Điện ảnh. Do vậy, để bảo đảm đúng luật, các nhà sản xuất cần chủ động liên hệ với Cục để được hướng dẫn và tiến hành mọi thủ tục cần thiết. Vài năm trở lại đây, nhiều bộ phim của các đạo diễn Việt kiều hoặc người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất, diễn xuất như phim "Song Lang” (đạo diễn Leon Quang Lê) hay loạt phim của đạo diễn Victor Vũ đều tuân thủ chặt chẽ các quy định về Luật Điện ảnh. Điều đáng mừng là các phim này khi gửi dự thi hoặc ra thị trường đều đoạt giải thưởng, doanh thu cao. Tuy nhiên, ngược lại, không ít trường hợp các đơn vị có phim vi phạm Luật Điện ảnh vẫn cho rằng họ đang bị gây khó dễ.

Việc các đơn vị sản xuất phim phạm luật đã rõ ràng, từng bước cũng đã có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả. Song, sâu xa hơn, đây lại mới chỉ là một trong nhiều vấn đề nan giải cần được kiểm soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tế sôi động của điện ảnh nước nhà thời kỳ hội nhập. Nếu so sánh về mức độ vi phạm mà các nhà làm phim đang mắc phải thì trường hợp phim Ròm vẫn còn nhẹ. Có một loại vi phạm khác nghiêm trọng, phổ biến hơn, đó là khi thẩm định kịch bản, nhà sản xuất phim luôn cam kết "nói không” với ngôn ngữ, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm; khi trình duyệt xin cấp phép phổ biến phim họ cũng giao nộp bản đó, thậm chí hội đồng duyệt phim có chỉnh sửa vẫn chấp nhận cắt, bỏ… Nhưng tất cả bản phim dự thi, công chiếu ở nước ngoài và đưa đi khai thác qua những hình thức khác lại là bản chưa qua kiểm duyệt. Khi những đơn vị quản lý như Cục Điện ảnh hoặc khán giả phát hiện ra thì "việc đã rồi”. Đây chính là một trong những điểm bất cập của khâu hậu kiểm lỏng lẻo mà các đơn vị quản lý chưa có cơ chế, cách thức kiểm soát chặt chẽ; vì thế rất cần có một đội ngũ chuyên môn chịu trách nhiệm. Không giải quyết triệt để, rất có thể nhiều bộ phim chứa tình tiết nhạy cảm, phản cảm khi đã qua chỉnh sửa để được cấp phép phổ biến sẽ tái diễn tình trạng trên.

Các chuyên gia điện ảnh lưu ý, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số dẫn đến việc khai thác, phổ biến phim trên in-tơ-nét, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân, Luật Điện ảnh cũng đang bộc lộ các bất cập, hạn chế bởi chưa cập nhật các nội dung mới này. Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, diễn biến tiêu cực, phức tạp, luật cũng chưa có chế tài xử lý. Sau hơn mười năm thay đổi phương thức thương mại cùng nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, các chính sách quản lý còn gây hạn chế trong việc hợp tác quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh. Cùng với đó, các dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn do chưa đồng bộ với các quy định khác, làm phát sinh thêm nhiều giấy phép, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Đó là những điều cần được điều chỉnh, cập nhật trong Luật Điện ảnh (sửa đổi).


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục