"Tháng Năm nhớ Bác" là chủ đề chương trình diễn ra từ ngày 4 đến 31-5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một điểm nhấn của chương trình là những câu chuyện về Bác Hồ do chính đồng bào các dân tộc thiểu số kể với khách tham quan.


Ðồng bào dân tộc thiểu số kể chuyện Bác Hồ

Sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn tiết mục ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình "Tháng Năm nhớ Bác" nằm trong hàng loạt hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bốn năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động triển lãm, trưng bày, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, chương trình sẽ giới thiệu đến khách tham quan về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là sự quan tâm và những tình cảm của Người đối với đồng bào các dân tộc cũng như tình cảm của đồng bào với Bác Hồ, đồng thời giúp tìm hiểu thêm các giá trị văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam ở các vùng, miền đất nước. Hiện tại, dịch Covid-19 tại nước ta đang được kiểm soát tốt, nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt, do đó các hoạt động trong chương trình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức theo quy mô vừa phải, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tham gia Chương trình "Tháng Năm nhớ Bác" có hơn 80 người là các trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào, đại diện cho 12 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bao gồm các dân tộc: Tày (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); H’Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Ðăng (Kon Tum); Ê Ðê (Ðắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng)… Ðến với chương trình, du khách sẽ được thăm các triển lãm, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại không gian trưng bày "Bác Hồ và cộng đồng dân tộc" của khu Triển lãm Làng. Qua đó, giúp khách tham quan có thể tìm hiểu một cách đầy đủ và khái quát về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người.

Ðáng chú ý là những không gian trưng bày này được các cán bộ trong Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hướng dẫn và cùng đồng bào các dân tộc thiết kế, trang trí các không gian nhà sàn, nhà rông theo quan điểm và cách nhìn nhận phù hợp văn hóa của từng dân tộc, thể hiện được sự tôn kính và tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số với Bác Hồ. Trong đó, tập trung tuyên truyền làm theo lời Bác, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, tăng gia sản xuất, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức nhiều hoạt động trình diễn, sinh hoạt gắn với không gian sống và chủ thể văn hóa tại mỗi làng. Trong khuôn khổ chương trình, bên cạnh những hoạt động hằng ngày, nếu điều kiện cho phép, vào dịp cuối tuần tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian, thao tác nghề thủ công; dân ca dân vũ, trò chơi dân gian… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch.

Một trong những điểm nhấn được ban tổ chức đưa vào chương trình lần này khá thú vị và hấp dẫn là các buổi giao lưu, gặp gỡ và nghe đồng bào các dân tộc thiểu số kể chuyện về Bác Hồ. Những câu chuyện đầy ý nghĩa được kể lại một cách chân thực, mộc mạc sẽ cho thấy những tình cảm của đồng bào với Bác Hồ và sự lan tỏa tinh thần học tập và làm theo lời dạy của Người. Hoạt động kể chuyện về Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số phía bắc sẽ diễn ra tại không gian nhà sàn đồng bào dân tộc Tày cùng những sự kiện gắn với thời gian Người trở về nước hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, xây dựng lực lượng để chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945.

Trong khi đó, cụm các dân tộc thiểu số khu vực miền trung - Tây Nguyên tập trung tại không gian ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô - những người con mang họ Hồ, cùng đọc cho nhau nghe những câu chuyện, bài học từ cuộc đời của Người. Tại chùa Khmer Nam Bộ, du khách được nghe đồng bào các dân tộc khu vực Nam Bộ kể về những tình cảm Bác Hồ dành cho đồng bào miền nam và mong muốn cháy bỏng của nhân dân miền nam được gặp Bác Hồ trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Ngoài những câu chuyện trước đây, còn có cả những câu chuyện hôm nay để đồng bào cùng nhắc nhau học tập đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hành trong đời sống hằng ngày.

Nếu đến cuối tháng 5, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có thể sẽ tổ chức một chương trình ca múa nhạc "Quà tháng Năm dâng Người" của sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và chương trình dân vũ "Muôn vàn yêu thương" do đồng bào các dân tộc thiểu số tại Làng biểu diễn.


Theo Báo Nhân Dân

 

 


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục