(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, dân số hơn 85 vạn người. Có 6 dân tộc chủ yếu là Mường, Thái, Kinh, Dao, Tày, Mông (các dân tộc thiểu số chiếm gần 73%, trong đó, dân tộc Mường trên 63%). Giai đoạn 2000 - 2020, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì, phát triển, trở thành phong trào xã hội rộng lớn, có sức sống mạnh mẽ, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đảm bảo ANTT, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.



Xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của Nhân dân.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành một giải pháp quan trọng để vận động Nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ; xây dựng làng, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Từ khi phong trào được phát động đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, được các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện tham gia thực hiện. Phong trào được triển khai thông qua nhiều phong trào cụ thể, thiết thực.

"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư" là cuộc vận động được triển khai hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư, với nhiều hoạt động đền ơn - đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện như: xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ gia đình chính sách dịp lễ, Tết... Hàng năm, 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào ngày 18/11, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Tổ chức cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" đã huy động ủng hộ trên 14 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.055 căn nhà "Đại đoàn kết" cho các gia đình nghèo; tặng quà cho trên 10.000 lượt người, tặng hàng chục nghìn con trâu, bò, cây giống cho hộ nghèo, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng; phát động ủng hộ quỹ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc được 1 tỷ đồng; ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa 2,5 tỷ đồng... Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.420 khu dân cư, 7.304 hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. 

Phong trào xây dựng "Làng, bản, tổ dân phố văn hóa” đã có những tác động tích cực trong việc cải thiện đời sống KT-XH, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị tỉnh. Phong trào đã thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình; thực hiện có hiệu quả nhiều dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, nước sạch nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng NTM. Nhiều mô hình đem lại thu nhập cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế tại địa phương. Tiêu biểu như: tiểu khu 5, thị trấn Cao Phong  (Cao Phong) với mô hình trồng cam, quýt, mía và dịch vụ..., tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập bình quân lên 35 triệu đồng/người/năm; tổ dân phố số 1, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) có 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/ năm... Việc xây dựng thiết chế nhà văn hóa cơ sở luôn được quan tâm, với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp về kinh phí, ngày công của Nhân dân đã từng bước hoàn thành việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Xây dựng mối quan hệ gắn bó hàng xóm, láng giềng trở thành phong tục tốt đẹp trong đời sống văn hoá khu dân cư. Các mục tiêu "xóa đói giảm nghèo”, "giải quyết việc làm”, "đền ơn - đáp nghĩa”, phong trào nhân đạo, từ thiện đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để những người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Kết quả, năm 2000, toàn tỉnh có 343/1.577 "Làng văn hóa” đạt 21,75%; năm 2010 có 1.412/2.066 "Làng văn hoá”, đạt 68,3%; đến năm 2019, toàn tỉnh có 1.264/1.482 "Làng văn hóa” đạt 85,2%. 

Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" được xác định là một nội dung quan trọng, mang yếu tố quyết định đến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của T.Ư và của tỉnh. Tỷ lệ "Gia đình văn hóa” 3 năm, 5 năm liền tiêu biểu xuất sắc được cơ sở bình chọn, vinh danh trong sổ vàng truyền thống của khu dân cư ngày càng tăng. Năm 2000, toàn tỉnh có 78.505/152.835 hộ "Gia đình văn hóa”, bằng 51,36%; năm 2010 có 149.847/186.465 hộ đạt danh hiệu, bằng 80,36%; năm 2019, có 179.922/214.465 hộ "Gia đình văn hóa”, bằng 83,8%. Toàn tỉnh hiện có 89.679 hộ "Gia đình văn hóa” 3 năm liền tiêu biểu xuất sắc; 55.081 hộ "Gia đình văn hóa” 5 năm liên tục trở lên được biểu dương, khen thưởng. 

Cùng với đó, phong trào "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” hàng năm được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp Công đoàn tổ chức phát động gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký thi đua. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; xây dựng cơ quan "Xanh, sạch, đẹp”... Năm 2000, toàn tỉnh có 227/459 "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” bằng 49,45%; năm 2010 có 1.069/1.269 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu, bằng 84,2%; đến năm 2019, có 1.443/1.570 "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, bằng 91,9%.

       
V.H

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục