(HBĐT) - Tôi lướt xe trên cung đường uốn lượn, bây giờ là tháng 11, hai bên đường, những bông hoa dã quỳ đã nở vàng, tôi lập tức bị màu vàng rực rỡ đong đưa mời gọi. Dừng xe, lôi máy ảnh ra, chẳng cần cài lại các thông số tôi đã chụp liền mấy kiểu. Đang mải mê xem lại ảnh, tôi chợt giật mình bởi một lời mời chào: - Anh ơi! Mua gì cho em đi.  

Giọng nói cất lên trong trẻo làm tôi ngỡ ngàng. Ngay bên kia đường là một cô gái nhỏ nhắn, rất trẻ, tuổi chừng mười tám, đôi mươi. Cô bé đứng bên sạp hàng nho nhỏ. Nói là sạp hàng chứ thực ra là một tấm gỗ dài chừng sải tay, hai đầu được kê trên mấy viên gạch, trên đó bày mấy nải chuối rừng, một ít bắp ngô, những củ khoai lang, mấy bó ngọn su su.

- Thế em còn bán gì nữa để anh mua? Tôi hỏi là hỏi thế thôi, chứ bông đùa là phần nhiều.
- Dạ, nếu anh tới sớm hơn khoảng vài tháng trước thì đúng mùa măng rừng anh ạ. Cô gái thật thà.

 Lúc này, tôi mới có dịp nhìn kỹ em thêm. Khuôn mặt khá xinh cộng với nụ cười rạng rỡ, nụ cười ấy khiến cho tôi có một sự so sánh ngầm, không biết nụ cười này hay sắc vàng hoa dã quỳ kia đẹp hơn.
- Anh ơi! Thế anh mua gì nào?
- Có chứ. Nhưng anh mua rồi lại muốn được chính tay em nấu có được không nhỉ?
- Nghĩa là sao? Em không hiểu.

  Nghe cô gái hỏi lại tôi bỗng phá lên cười. Cô ngượng ngùng, má đỏ ửng lên nhìn đến là duyên.
- Thì anh mua tất chỗ này rồi anh theo về nhà em và em sẽ nấu cho anh ăn. 
- Anh cứ đùa em thế. Cô gái đã lấy lại được vẻ tự nhiên, cười cười lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý.
- Anh nói thật.

 Đúng là tôi nói thật. Từ một câu bông đùa đã cho tôi một ý định muốn ở nhờ nhà cô gái ấy, bởi tôi cũng đang phân vân chưa biết đêm nay sẽ nghỉ ở đâu. Tôi vốn quen sống nay đây mai đó, thường tá túc ở một nhà dân, bất đắc dĩ mới thuê phòng nghỉ trọ, tôi thích cái không khí gia đình và muốn khám phá đời sống các vùng quê khác nhau.

      Tôi chỉnh lại các thông số máy ảnh thật kỹ càng và lại bắt đầu chụp ảnh. Chọn một khoảng cách thích hợp nhất, trong ống kính khuôn mặt cô gái hiện lên, những bông hoa dã quỳ đằng sau như làm nền cho người đẹp. Thấy tôi chụp hình, cô gái liếc mắt, che miệng cười, hàng răng trắng như ánh lên sau đôi môi hồng. Tôi thật sự hài lòng với những bức ảnh vừa chụp được. 
- Này, em cười còn rực rỡ hơn hoa dã quỳ đấy.
- Em không tin đâu. Đấy là ở trong ảnh thôi, do anh khéo chụp đấy chứ.

                                                               ***

      Tôi đã theo Đan về nhà em, ngôi nhà ngói nhỏ xinh ngay dưới chân núi. Tôi sửng sốt thốt lên khi thấy vây bọc lấy ngôi nhà là hàng rào bằng hoa dã quỳ vàng rực rỡ. Trời đã cuối chiều mà như vẫn có nắng, nắng hoa làm sáng lên cả một vùng. Tôi nâng máy ảnh, chọn các góc khác nhau bấm máy chụp. Đan kiên nhẫn đứng chờ tôi rồi em khẽ khàng:

- Nào, mình vào nhà thôi anh.

      Tôi theo sau Đan, trộm ngắm thân hình con gái mềm mại. Lần đầu tiên tôi nhận ra mình có một thói xấu mà trước đây chưa từng có. Con gái xưa nay đối với tôi là một điều quá bình thường, hoặc là tôi chưa hề quan tâm đến. Với tôi, nhiếp ảnh và những vùng đất xa xôi là những điều tôi khát khao chinh phục. Vậy mà hôm nay, Đan đã làm tôi chới với, thật sự đó là một cảm giác lạ lẫm, êm say và dịu ngọt. Đó là điều gì tôi chẳng biết, nhưng từ khi gặp Đan bên những bông hoa dã quỳ trên núi, tôi đã như bị thôi miên. Tôi lẽo đẽo theo Đan về đây mà chẳng cần biết em có đồng ý hay không, tôi đã lì lợm thế đấy.

              Bố mẹ Đan muộn con nên ngoài 30 họ mới sinh được duy nhất mình em. Đan đang học THPT, ngoài giờ đi học em hay giúp mẹ bán hàng ven đường. Đan nói, sau này khi thi đại học em sẽ chọn khoa du lịch, tốt nghiệp em sẽ về vùng đất này làm hướng dẫn viên. Tôi hỏi, sao em không muốn đến những vùng đất mới, khám phá những điều kỳ thú ở phương xa. Em bảo em không muốn xa mẹ cha, không muốn xa vùng đất nơi em sinh ra và lớn lên, em tự hào về nơi này. Em yêu nơi này và em muốn truyền tình cảm ấy cho du khách. Rồi em kể tôi nghe về sự tích hoa dã quỳ. Đó là một câu chuyện tình yêu cảm động. Ở một vùng núi xa xôi nọ có chàng trai và cô gái xinh đẹp yêu nhau thắm thiết, họ trở thành chồng vợ và sống rất hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, có con trai người tộc trưởng cũng chót mê đắm cô gái nhưng không lấy được nên sinh lòng thù hận. Một lần, người chồng vào rừng đi săn, ở nhà người vợ đợi mãi không thấy chồng về bèn đi tìm. Rồi nàng gặp một cảnh tượng hãi hùng, chồng mình bị con trai tộc trưởng và một nhóm người trói chặt, dùng mũi tên, ngọn giáo đâm vào cơ thể. Không ngần ngại, nàng lao vào che chắn cho chồng. Vì quá tức giận và ghen tị với tình yêu của nàng dành cho chồng, con trai tộc trưởng bắn mũi tên quyết giết chết tình địch. Thật không ngờ, mũi tên đã lấy đi tính mạng của cô gái. Hai vợ chồng chết mà không chịu rời xa nhau. Về sau, chính nơi ấy mọc lên một loài cây nở hoa vàng rực rỡ, cái rực rỡ ấy như là biểu hiện cho tình yêu mãnh liệt, thủy chung của hai người, loài hoa ấy mang tên dã quỳ.

        Đan kể xong câu chuyện và im lặng vẻ buồn buồn. Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Đan, lòng trào dâng cảm giác muốn được che chở cho em. Tôi như đang chìm đắm vào câu chuyện mà em vừa kể. Lần đầu tiên tôi tin vào những điều chỉ có trong những truyện cổ ngày xưa. Tôi đang mơ ước về một tình yêu giản dị, nồng thắm và thủy chung. Tôi bỗng thấy Đan đẹp hơn. Vẻ đẹp ấy có sự mê hoặc kỳ lạ, vẻ đẹp như trộn lẫn với sự rực rỡ và hoang dại của loài hoa dã quỳ, lại mỏng manh, trong lành như sương núi.

                                                              ***

       Tôi rời xóm núi vào một buổi sáng nắng lên rạng rỡ, nắng chiếu vào những giọt sương còn đọng trên cánh hoa dã quỳ long lanh như những viên ngọc. Đan tiễn tôi ra ngõ, trao tôi một bó hoa vàng rực, khẽ cười, nụ cười hơi buồn làm tôi không nỡ bước đi.

- Anh sẽ còn quay lại nơi đây chứ?
- Nhất định rồi, bởi vì anh đã yêu loài hoa dã quỳ xóm núi.
      Rời xóm núi mà lòng ngổn ngang bao cảm xúc. Nhất định tôi sẽ quay lại nơi đây. Phải rồi, nhất định tôi sẽ quay lại nơi đây để gặp Đan, người con gái mang vẻ đẹp của loài hoa dã quỳ. Lần này về nhà tôi sẽ chẳng phải lảng tránh câu hỏi quen thuộc của mẹ nữa. Mà ngược lại tôi sẽ hào hứng kể cho mẹ nghe về xóm núi, về Đan và về loài hoa dã quỳ.

Truyện ngắn của Lê Minh Hải

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục