Một buổi sáng ngày 8/3 thật ấn tượng với nhiều nữ cán bộ chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an Thành phố Hà Nội - khi họ được làm khán giả dõi theo vở kịch tái hiện về cuộc sống chiến đấu của chính họ, những người lính hình sự, những bông "Hoa thép" giữa thời bình.

Như hầu hết những đồng đội của mình, Trung tá Kim Sen (nghệ sỹ Thúy Hiền thể hiện) đã chọn nghề Công an làm cái nghiệp, chọn con đường tranh đấu không khoan nhượng với tội phạm, với cái ác làm lẽ sống trong đời. Vì nhiệm vụ, vì sự bình yên của nhân dân, chị coi nhẹ hiểm nguy, sẵn sàng dấn thân.

Nhưng cũng giống tất cả phụ nữ ở đời, chị còn là một người đàn bà trong gia đình. Chị đang làm mẹ của cậu con trai ham chơi vừa bước vào tuổi lớn (nghệ sỹ Chí Công), làm vợ của người chồng tài hoa mà lận đận nên sinh ra nát rượu, bất đắc chí (nghệ sỹ Nguyễn Hải), làm con của người mẹ già yếu đau bệnh tật (nghệ sỹ Ngọc Bích). Gánh nặng trên vai chị, vì thế có sức đè nén gấp đôi, gấp ba những đồng đội khác.

Trung tá hình sự Kim Sen, lẩn khuất bên trong vẻ ngoài cứng rắn, lúc nào cũng ngập tràn công việc là một trái tim đàn bà mềm yếu, dễ xúc cảm, dễ mủi lòng. Chị luôn vào trận, luôn phá án bằng chính con người thật của mình, một nữ điều tra viên hình sự kiên định, sáng suốt và nhân ái, vị tha.

Nhà viết kịch - Đại tá Phan Gia Liên có lợi thế hơn nhiều tác giả sân khấu khác khi khắc họa hình tượng người chiến sỹ Công an. Đơn giản, đấy là một phần cuộc sống của bà. Bà thấu hiểu đến tận cùng những góc khuất trong mỗi chiến công của đồng đội, thấm thía và tỉ mẩn chạm vào được từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, lắng đọng nhất trong mỗi vụ án vừa được phá.

Nhưng nhà viết kịch Phan Gia Liên lại không quá câu nệ vào tư liệu. Chất liệu từ đời thực chỉ là cái cớ để bà hình dung, tưởng tượng, đắp da đắp thịt, thổi hồn cho các nhân vật và qua đó, hướng đến mục đích cao xa hơn: Giúp công chúng, trăm nghìn người dân thường chăm chú theo dõi các vở kịch của bà vẫn được Đoàn kịch Công an nhân dân hay các nhà hát khác trình diễn hơn 10 năm qua, hiểu thêm, cảm thông thêm và yêu tin thêm những người lính Công an.

Cảnh trong vở diễn "Hoa thép". Ảnh: Thanh Huyền.

Trung tá Kim Sen, nhân vật xuyên suốt trong vở kịch "Hoa thép" vừa công diễn vào sáng qua, ngày 8/3 cho những khán giả đặc biệt, các nữ điều tra viên và trinh sát hình sự, các cán bộ nữ của cơ quan Bộ Công an, cũng là một con người độc đáo, đầy thân phận.

Ở một góc khuất nào đó, Kim Sen thiếu may mắn vì không nhận được sự hỗ trợ từ chồng, từ con, những người thân yêu nhất. Dẫu rằng, chồng con chị cũng chỉ khao khát những điều thật bình dị, nhỏ bé và lẽ ra là đương nhiên: Một bữa cơm ấm cúng góp mặt đông đủ cả nhà, một bữa cơm mà người vợ, người mẹ không bị bứt ra và giằng đi bởi những cuộc điện thoại bất tận vì công việc.

Nhưng cái ác vẫn rình rập, nhiều kẻ tội phạm nguy hiểm vẫn nhởn nhơ hưởng lạc và gieo giắc tai họa ngay giữa đời thường. Thành phố cần những người như Kim Sen cùng đồng đội. Mỗi giờ khắc thanh bình mà người dân đang được tận hưởng cần sự chịu đựng thầm lặng của chị và đồng đội.

Chị nén lòng, cầu mong chồng con thể tất. Và rồi khi cần cứu lấy người chồng bạc nhược và đứa con trai bồng bột, nhẹ dạ khỏi bàn tay tàn độc của tên trùm ma túy đang giữ làm con tin, chị tự nguyện nhận lấy sự hy sinh. Chị giành cho mình cái chết, để cái ác phải đền tội, và hơn hết, giúp cậu con trai có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh bước tiếp trong đời. Tình yêu của người mẹ - một người mẹ làm Công an - đã buộc phải thể hiện ở khúc quanh nghiệt ngã nhất của số phận.

Là sỹ quan Công an, nhưng mang trái tim phụ nữ và sự mẫn cảm, tinh tế của một người viết kịch, Đại tá Phan Gia Liên đã thành công khi xây dựng hình tượng nữ Trung tá Cảnh sát hình sự rất đời, rất người.

Công việc của Kim Sen, cuộc sống và những nỗi đau không thể sẻ chia của chị khiến công chúng tin vào một con người như thế đang hiện hữu ở bên đời. Rất nhiều người đã rưng rưng, thấy mình cay cay sống mũi. Và do vậy, vở diễn dài, nhưng vẫn níu giữ được người xem ngồi lại bên ghế đến phút cuối cùng.

Ê kíp dựng vở đã tung tẩy, khéo léo sắp đặt cao trào tạo nên sự hấp dẫn và hưng phấn cho công chúng. Đứng ở vị trí cố vấn nghệ thuật - nhưng dấu ấn của NSND Lê Hùng vẫn đậm nét. NSND Lê Hùng cùng đạo diễn Khương Đức Thuận đã biết cách đùa đúng lúc, tếu táo đúng lúc và sắc lẻm trong nhiều tình tiết kịch.

Ngoài các nghệ sỹ Đoàn kịch CAND, vở diễn còn có sự tham gia của các học viên Học viện An ninh trong các màn võ thuật, làm tăng thêm sự chân thực và hiệu ứng thẩm mỹ. Tất cả, đã tạo nên một "Hoa thép" giàu hành động kịch nhưng đầy nội tâm và chứa chan cảm xúc

 

                                                                                     Theo CAND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục