Ông là một trong số ít thi sĩ lớn sống hết với thơ, trang trọng đặt thơ cao hơn chính bản thân mình, bất chấp hoàn cảnh

 

Tháng 9-2005, tôi đến thăm Hoàng Cầm trên căn gác nhà ông. Lão thi sĩ vừa bị ngã gãy chân, phải nằm nghiêng nghiêng tiếp khách. Thực ra thì “nằm nghiêng nghiêng” là cái tư thế thường xuyên của ông từ những năm còn khỏe mạnh.



Nhà thơ Hoàng Cầm bên sông Đuống năm 1996. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN


Nhiều lần tới thăm, tôi vẫn thấy ông nghiêng nghiêng theo cái thế nằm quen thuộc ấy, gợi nhớ hình ảnh rất huyền ảo trong bài thơ Bên kia sông Đuống tuyệt vời:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến
            trường kỳ...


Tôi từng được nghe ông giải thích rằng đó còn là cái thế chông chênh mà vĩnh hằng của những bãi cát ven bờ sông Đuống quê hương ông. Hình ảnh ấy không bao giờ mờ phai trong ký ức ông, mà kỳ lạ thay, nó lại như là biểu tượng của chính cuộc đời ông vậy. Số phận ông là số phận nghiêng nghiêng.

Và, trong cái thế “nằm nghiêng nghiêng”, ông “kháng chiến trường kỳ” chống lại chính số phận...


Lá diêu bông

Hoàng Cầm

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẫn thờ đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ

Chị bảo:

- Đứa nào tìm được lá Diêu Bông

Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy lá

Chị chau mày

- Đâu phải lá Diêu Bông!

Mùa đông sau Em tìm thấy lá

Chị lắc đầu

trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị

Em tìm thấy lá

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

    Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời!...

    ới Diêu bông!

Chàng trai tài hoa và đa tình của xứ Kinh Bắc ấy sinh năm 1922, đã đậu tú tài toàn phần năm 1940; từng làm thơ, viết văn, soạn kịch, dịch sách trước khi tham gia lực lượng Thanh niên Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh; từng là sáng lập viên Đội Văn nghệ tuyên truyền thuộc chiến khu Việt Bắc (1947), Trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1952); hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành khóa 1 (1957)... Vóc dáng ông lồng lộng một thời.


Rồi tai nạn ập đến. Bị cơn bão “Nhân văn Giai phẩm” xô ngã (năm 1958), ông đã cố gượng dậy nhưng số phận bắt ông mang cái dáng “nghiêng nghiêng” từ đó.

Từ năm 1959, ông phải chịu kỷ luật “khai trừ khỏi Ban Chấp hành hội..., không được ấn hành tác phẩm..., lương chính bị cắt mất 65%..., lao động chân tay bắt buộc trong 3 năm..., sau đó được tự giác tìm một nơi nào đó lao động chân tay để có thêm tiền bồi dưỡng...” (Tự thuật của Hoàng Cầm – sách Hoàng Cầm – tác phẩm thơ - NXB Hội Nhà văn, 2003, trang 193).

Và liên tiếp những nỗi đau đời tư, vợ mất, con gái mất... Năm 1982, lại đột ngột gặp tai nạn nghề nghiệp với tập thơ Về Kinh Bắc...


Trong tình cảnh ấy, ông đã “không mang trong lòng nỗi oán hận hoặc trách móc, hờn giận ai. Đôi lúc, chỉ nghĩ về chính số phận mình, có cay đắng, có xót xa.

Nhưng vì “đã mang lấy nghiệp vào thân” như Nguyễn Du nói, cái nghiệp thơ... Hào quang tỏa ra từ tâm linh và từ những câu chữ kỳ diệu đã đem đến cho mình không ít giờ phút say sưa, ngay trong cuộc sống bình nhật cũng không ít hạnh ngộ đẹp. Tôi được gặp nhiều người rất trong sáng, yêu thương mình hết lòng. Dân tộc là thế đấy...” (Tự thuật của Hoàng Cầm – sách đã dẫn).


Âm thầm với cách thế ứng xử của mình, ông lặng lẽ viết Về Kinh Bắc (1959 – 1960) rất đậm “chất” Hoàng Cầm, một tác phẩm đặc sắc của nền thơ Việt Nam, đã được chép tay và truyền khẩu rộng rãi từ trước khi được in thành sách, một hiện tượng hiếm có.
 
Từ 1988, sau khi được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và quyền được công bố tác phẩm, Hoàng Cầm đã cho tái bản và xuất bản hàng loạt sách, trong đó có những tập thơ ông sáng tác liên tục từ 1958 tới những năm đầu thiên niên kỷ mới, như Mưa Thuận Thành, Đến từ hư không...


Danh mục tác phẩm của Hoàng Cầm, kể từ những kịch thơ Hận Nam Quan (1942), Kiều Loan (1942) đến nay, kể cả thơ, văn và kịch đã có hàng chục đầu sách, một số lượng không phải tác giả nổi tiếng nào cũng có được. Quan trọng hơn, chất lượng tác phẩm đã nâng Hoàng Cầm lên ngôi vị những nhà thơ hàng đầu của nền thơ hiện đại Việt Nam.

Ông là một trong số không nhiều thi sĩ lớn sống hết với thơ, trang trọng đặt thơ cao hơn chính bản thân mình, bất chấp hoàn cảnh, cứ nghiêng nghiêng mà sáng tác trường kỳ....


Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa người đi về phía rạng đông:

bỏ lại sau lưng hoàng hôn ráng đỏ

gậy nghiêng mình chào những sớm  mai xanh...

(Đi về phía rạng đông -
thơ Hoàng Cầm, 2002)

Đêm 6-5-2010

Vĩnh biệt thi sĩ Hoàng Cầm!

Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả của những bài thơ nổi tiếng Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông... đã qua đời vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 6-5 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), do bệnh nặng, hưởng thọ 89 tuổi.


Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922, tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.  Quê gốc của Hoàng Cầm ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Thân sinh ông dạy học và làm thuốc bắc ở Bắc Giang.

Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn chương, dịch sách. Từ đó, ông lấy bút danh Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc.


Năm 1944, ông bắt đầu tham gia Thanh niên Cứu quốc tại quê nhà. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương, hoạt động một thời gian rồi giải thể.


Tháng 8-1947, ông tham gia Vệ quốc quân, tham gia thành lập đội Văn nghệ tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên.

Năm 1952, ông được cử làm trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ cho bộ đội các mặt trận.


Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản.

Tháng 4-1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành. Không lâu sau đó, do vụ “Nhân văn giai phẩm”, ông phải rút khỏi Hội Nhà văn (năm 1958).


Ông về hưu non ở tuổi 48, sống tại căn hộ trong hẻm ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội).


Đầu năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Ông có nhiều tác phẩm kịch thơ, truyện thơ, truyện ngắn, truyện vừa, đặc biệt là thơ (3 tập thơ của ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật là Bên kia sông Đuống, xuất bản năm 1993; Lá diêu bông, xuất bản năm 1993; tập thơ tình 99 tình khúc, xuất bản năm 1955).

Các tác phẩm nổi tiếng của ông về kịch thơ: Hận Nam quan, Kiều Loan, về thơ: Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống. Bài thơ Bên kia sông Đuống được chọn đưa vào giảng dạy trong giáo trình THPT.


Ngoài bút danh Hoàng Cầm, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.

“... Bao giờ về bên kia sông Đuống/ Anh lại tìm em/ Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trảy hội non sông/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” (Bên kia sông Đuống). Bây giờ ông đã về bên kia sông Đuống!

 

                                                                                            Theo NLĐ

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục