Lãnh đạo TP Hà Nội trong buổi lễ hoàn thành bức tranh thêu khổ lớn Ước nguyện ngàn năm Thăng Long

Lãnh đạo TP Hà Nội trong buổi lễ hoàn thành bức tranh thêu khổ lớn Ước nguyện ngàn năm Thăng Long

UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 2693/UBND-VHKG đồng ý thực hiện dự án "Không gian nghệ thuật XQ" tại khu vực Hậu Lâu thuộc Khu di tích Thành cổ Hà Nội từ ngày 1-4 đến 30-10-2010.

 
Không gian nghệ thuật này sẽ góp phần tôn vinh Khu di tích Thành cổ Hà Nội, tạo một điểm đến cho nhân dân và du khách được tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, chuẩn bị cho lễ hội hoa cùng nghi lễ đón và trưng bày bức tranh thêu tay Ước nguyện ngàn năm Thăng Long lớn nhất Việt Nam do các nghệ nhân XQ thực hiện trong ba năm qua, dâng tặng Thủ đô nhân dịp Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Với tổng mức đầu tư lên tới 20 tỷ đồng trên một khuôn viên rộng một héc-ta, những người thực hiện dự án "Không gian nghệ thuật XQ" mong muốn tạo dựng một không gian hòa quyện của nghệ thuật sắp đặt hoa cảnh, tranh thêu tay nghệ thuật và trưng bày các hiện vật văn hóa dân tộc, góp phần tôn vinh và làm đẹp không gian di tích Thành cổ Hà Nội. Bên những cổ vật lần đầu được trưng bày tại đây cùng các tác phẩm tranh thêu tay đặc sắc và những bộ y lễ truyền thống của ba miền đất nước, là một vườn lan rừng hội tụ nhiều chủng loại, được sắp đặt và giới thiệu theo các chủ đề hướng về cội nguồn, hướng về Thăng Long - Hà Nội. Ông Võ Văn Quân, Chủ tịch HÐQT Công ty XQ Việt Nam, cho biết: Lãnh đạo công ty và các họa sĩ, nghệ nhân XQ mong muốn tạo nên một bảo tàng sống động ngoài trời về tranh và hoa cùng một không gian trình diễn lễ hội để đón nhận và trưng bày tác phẩm tranh Ước nguyện ngàn năm Thăng Long trong dịp Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với sự tham gia của hàng nghìn nghệ nhân, thợ thêu trong cả nước. Bức tranh kỷ lục này là tấm lòng của những người con phương nam hướng về Thủ đô thân yêu và đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo thành phố. Khởi công với lễ hội Sắc thu Thăng Long - Hà Nội năm 2006 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phác thảo bức tranh được chuyển vào thêu tại Ðà Lạt. Sau ba năm miệt mài thêu của chín nghệ nhân hàng đầu XQ, bức tranh đã hoàn thành vào cuối năm 2009, sẽ được các nghệ nhân, thợ thêu cùng Hội những người bạn của nghệ nhân thêu XQ, rước từ TP Ðà Lạt qua TP Hồ Chí Minh,  các tỉnh, thành phố miền trung để trưng bày và trao tặng Thủ đô Hà Nội vào tháng 10 tới.

Theo ý tưởng của dự án, trong Không gian nghệ thuật XQ tại khu vực di tích Hậu Lâu của Thành cổ Hà Nội, du khách không những thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật mà còn được đắm mình trong không gian của thi ca và âm nhạc dân tộc với các làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, thưởng thức hương vị và tìm hiểu phương thức pha trà truyền thống của người Việt Nam cùng chương trình Vũ khúc dâng trà giữa khu vườn hoa và phong lan, qua đó hiểu được một phần các giá trị văn hóa, lòng mến khách, nghệ thuật truyền thống và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Du khách còn được ngắm nhìn các nghệ nhân thêu tay tài hoa trong trang phục áo dài duyên dáng, dịu dàng và cần mẫn ngồi thêu tranh. Các hướng dẫn viên cũng chính là những nghệ nhân sẽ trực tiếp giới thiệu về nghề thêu tay và sẵn sàng giải đáp nếu khách muốn tìm hiểu về nghệ thuật tinh xảo này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội, từ ngày 22-4, Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã bàn giao khuôn viên trước Hậu Lâu của Thành cổ Hà Nội để Công ty XQ Việt Nam đầu tư thực hiện dự án trong sáu tháng, bao gồm: khu vực cổng bảo vệ, khu đất trống bên phải cổng bảo vệ, sân trước nhà Hậu Lâu công chúa, nhà Hậu Lâu và khu đất nhà dựng tạm trước nhà khung sắt. Dự án được triển khai làm hai giai đoạn, giai đoạn một diễn ra từ nay đến hết tháng 7, nhằm tôn tạo khuôn viên trước Hậu Lâu để tổ chức Lễ hội Hoa cùng cuộc thi bàn tay vàng "Ðóa sen ngàn năm" và trưng bày các tác phẩm sáng tạo của người phụ nữ làm nghề thêu, cải tạo vườn hoa, đồng thời sắp đặt, bố trí khuôn viên bảo tàng hoa và vườn phong lan Tri kỷ hữu. Giai đoạn hai từ ngày 1-10 đến hết tháng 10, đầu tư tổ chức tạo dựng không gian lễ hội "Các nghệ nhân thêu phương nam dâng tặng Ðại lễ tác phẩm Ước nguyện ngàn năm Thăng Long". Nghi lễ sẽ được tổ chức trang trọng và thành kính với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh và thành phố Hà Nội. Theo hai giai đoạn triển khai này, nhà đầu tư đang triển khai chỉnh trang nhà bảo vệ cũ bên cạnh khu Hậu Lâu thành khu đón khách theo kiểu kiến trúc truyền thống và dựa trên kết cấu có sẵn của khu nhà tạm bằng sắt trong khu vực Hậu Lâu tạo dựng một số thiết kế mô phỏng nhà truyền thống dân tộc phù hợp cảnh quan, vừa bảo vệ và tôn vinh được các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Thành cổ Hà Nội. Ðây là nơi trưng bày các tác phẩm tranh thêu tay nghệ thuật hai mặt đặc sắc về chân dung, phong cảnh, tranh hoa và tranh cổ vật cùng các tác phẩm y lễ truyền thống. Trên cơ sở sẵn có của khu vườn cây Hậu Lâu, một bảo tàng hoa ngoài trời theo nghệ thuật sắp đặt sẽ hình thành với hàng nghìn cội hoa phong lan rừng nhiều chủng loại được gắn trên những gốc cây gỗ cũ căm xe. Ðan xen giữa vườn lan rừng là các cây cảnh, tượng đá độc đáo được lựa chọn và đưa từ Ðà Lạt ra, bố trí theo các chủ đề nghệ thuật phong phú, tạo sự hòa quyện giữa nghệ thuật và thiên nhiên. Bên cạnh đó là nhà trưng bày bảo tàng hoa theo kiến trúc dân tộc và khu thưởng thức, mời trà miễn phí của nghệ nhân thêu XQ phục vụ du khách.

CÓ thể nói, Không gian nghệ thuật XQ khi khai trương là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong Năm du lịch quốc gia Hà Nội - 2010 hướng tới Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, góp phần giữ gìn, phát huy một ngành nghề thủ công mang tính nghệ thuật và quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc.

                                                                                       Theo ND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục