Theo GS.TS.NSND Đình Quang, Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II (được tổ chức), sẽ tạo được sinh khí cho sân khấu nước nhà, đánh thức được niềm hứng khởi sáng tác cho các tác giả, nhất là khi mỗi vở diễn mới được hỗ trợ kinh phí để dàn dựng.

 

Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II do Bộ Công an và Bộ VH, TT&DL phối hợp tổ chức, một lần nữa, GS.TS.NSND Đình Quang lại được mời làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo với các thành viên là các nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình tên tuổi. Điều này càng góp phần tạo niềm tin cho các đơn vị tham gia về tính chuyên nghiệp, khách quan và chất lượng nghệ thuật  mà Liên hoan sẽ mang lại. Trước ngày Liên hoan khai màn, GS.TS. NSND Đình Quang đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về Liên hoan.

Giáo sư, Tiến sỹ, NSND Đình Quang.

PV: Thưa GS.TS.NSND Đình Quang! Là nhà hoạt động sân khấu, xin ông vui lòng cho biết, việc tổ chức Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của nền sân khấu nước nhà, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay?

NSND Đình Quang: Hoạt động sân khấu hiện nay khó khăn chủ yếu do 2 yếu tố: các đoàn không diễn được nhiều, nên không kích thích được người sáng tác kịch bản. Bên cạnh đó, quá nhiều hình thức giải trí len lỏi đến tận đầu giường mỗi gia đình, đã chiếm mất một phần lượng khán giả. Tuy nhiên, nhu cầu giao tiếp xã hội của con người sẽ mãi mãi là một nhu cầu không thể thiếu.

Trong bối cảnh đó, Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II (được tổ chức), sẽ tạo được sinh khí cho sân khấu nước nhà, đánh thức được niềm hứng khởi sáng tác cho các tác giả, nhất là khi mỗi vở diễn mới được hỗ trợ kinh phí để dàn dựng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho khán giả và nghệ sĩ có dịp được gặp gỡ, giao lưu.

Liên hoan còn mang ý nghĩa lớn: Xã hội còn nhiều nhiễu nhương, vì thế, khẩu hiệu sống theo pháp luật, sống có kỷ cương, chống lại tiêu cực xã hội đang là vấn đề được quan tâm. Kinh tế đất nước phát triển, đời sống khá hơn, nhưng an ninh trật tự xã hội còn nhiều điều đáng lo ngại, mà Công an lại là lực lượng quan trọng giúp người dân có cuộc sống yên bình và lành mạnh, do đó, nếu văn hóa của lực lượng Công an phát triển, sẽ giúp nhân dân cân bằng lại giữa đời sống kinh tế và tư tưởng.

Liên hoan càng thêm ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp cả nước hân hoan đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu sau Liên hoan, cả 19 vở diễn đều được tiếp tục biểu diễn phục vụ công chúng thì sẽ là một đóng góp không nhỏ của ngành Công an đối với sân khấu nước nhà.

PV: Có 17 đoàn nghệ thuật với 19 vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II. Điều này có thể nói lên điều gì, thưa ông?

NSND Đình Quang: Liên hoan lần này thu hút 17 đơn vị sân khấu tham gia, trong đó, có 11 đơn vị phía Bắc, 4 đơn vị miền Trung và 2 đơn vị phía Nam, đã cho thấy các đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan trải dài từ Bắc vào Nam. Trong 19 vở diễn, có 12 vở kịch nói, 3 vở chèo, 2 vở dân ca, 1 vở cải lương và 1 vở tuồng, điều đó cũng chứng tỏ rằng hình tượng người chiến sĩ Công an và vị thế chiến sĩ Công an trong lòng dân đã trở thành một nguồn cảm hứng sáng tạo cho mọi loại hình sân khấu. Như vậy, có thể nói, Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II cũng  như những ngày hội của giới sân khấu cả nước.

PV: Là người tâm huyết với sân khấu nước nhà, giáo sư chờ đợi điều gì ở Liên hoan sân khấu lần này?

NSND Đình Quang: Ở Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần đầu tiên năm 2005, hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân chiếm đa số ở các vở diễn, còn bản thân hình tượng người chiến sĩ Công an như hình tượng chủ thể của vở diễn còn hơi ít. Vì thế, tôi chờ đợi ở Liên hoan này, giữa 2 vế đó có gì thay đổi?

Viết về hình tượng người chiến sĩ trong Quân đội, các tác giả thường đều là nhà văn, người lính cầm bút, còn ở Liên hoan này, các cây bút trong lực lượng Công an chưa nhiều. Ngoài ra, đến nay, chưa có ngành nào tổ chức được Liên hoan sân khấu về chuyên đề như ngành Công an. Đặc biệt, đây lại là lần thứ 2 Liên hoan được tổ chức, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Bộ Công an với văn hóa nghệ thuật.

Tôi hy vọng, sau Liên hoan, với sự tác động của ngành Công an, cả 19 vở tham gia sẽ tiếp tục được biểu diễn, tạo được sức sống bền lâu cho các tác phẩm và kinh phí đầu tư cho Liên hoan càng có hiệu quả.

Một cảnh trong vở “Tiếng chuông chùa” của tác giả Hữu Ước. Ảnh: Thanh Hằng.

PV: Là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, ông tiên liệu sẽ có sự thống nhất từ đầu đến cuối trước các vở diễn, hay sẽ có sự tranh luận của các thành viên?

NSND Đình Quang: Hội đồng giám khảo cũng như một xã hội thu nhỏ, không thể chờ đợi luôn có sự đánh giá nhất trí trước các vở diễn. Hội đồng giám khảo sẽ trao đổi, phản bác lẫn nhau và quan điểm của từng người sẽ được thể hiện trong việc phiếu kín. Kết quả sẽ theo đa số, để đảm bảo cái chuẩn của nghệ thuật. Nhưng tôi tin, Hội đồng giám khảo của Liên hoan gồm toàn những người có chuyên môn sâu về sân khấu, nên cũng dễ gặp nhau về nhận thức nghệ thuật.

PV: Thưa ông! Một Liên hoan sân khấu đông vui với nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước tham gia, có mang lại cho ông, người tâm huyết với nền sân khấu Việt Nam, hy vọng gì không?

NSND Đình Quang: Liên hoan lần này, các vở kịch nói chiếm đa số, mà đều là những đơn vị mạnh như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Đoàn kịch CAND v.v…, vì thế, tôi hy vọng sẽ có được những vở diễn nổi trội thật sự. Còn những vở ở các thể loại khác, như tuồng, dân ca, cải lương, chèo thì ít hơn, và do đặc điểm loại hình nên cũng có những khó khăn riêng. Song, Hội đồng giám khảo sẽ căn cứ vào thuận lợi, khó khăn của từng loại hình để đánh giá, để tìm ra được những tác phẩm có chất lượng!

PV: Xin cảm ơn NSND Đình Quang!


                                                                                     Theo CAND          

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục