Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 70 điểm bưu điện văn hóa xã. Có một thời, bưu điện văn hóa xã là điểm đến lý tưởng cho người dân tiếp cận thông tin qua sách, báo, trao đổi thông tin điện tín. Hiện nay, các điểm bưu điện văn hóa xã đã qua đi cái thời “vàng son”, lâm vào hoàn cảnh bi đát, nhiều nhân viên làm việc tại các điểm bưu điện văn hóa xã với mức lương rất thấp, đời sống chật vật, khó khăn.

 

Hoạt động cầm chừng

Giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2002, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông chủ trương đầu tư xây dựng các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) trong toàn quốc, với mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở cơ sở. Qua cập nhật các thông tin tại các điểm BĐVHX giúp người dân làm quen với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Ban đầu, mỗi điểm BĐVHX được xây dựng với kinh phí khoảng 55 triệu đồng và 1,2 triệu đồng tiền trang bị sách báo. Doanh thu ban đầu của các điểm BĐVHX có lãi, giải quyết tốt việc làm và nâng cao thu nhập cho NLĐ.

Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát mới nhất của ngành bưu chính tỉnh Kon Tum cho thấy, toàn tỉnh có đến 65/70 điểm BĐVHX - chiếm tỉ lệ trên 90% hoạt động cầm chừng. Qua gần 10 năm đưa vào sử dụng, hầu hết các điểm BĐVHX này xuống cấp, nhưng ngành chức năng không có nguồn kinh phí sửa chữa. Chủng loại sách, báo tại các điểm BĐVHX cũ kỹ và không theo kịp với xu thế phát triển, nguồn kinh phí đầu tư mua sách báo hằng năm ở mỗi điểm BĐVHX chỉ vẻn vẹn 500.000 đồng. Kinh doanh không có lãi nên đời sống của NLĐ gặp khó khăn; bình quân mức thu nhập hằng tháng của mỗi nhân viên BĐVHX khoảng 650.000 đồng. Để bảo đảm cuộc sống, nhiều người phải chạy đôn chạy đáo phát bưu phẩm, bán card điện thoại di động, cho thuê bao Internet...., nhưng thu nhập hằng tháng cũng chỉ trên 700.000 đồng.

Chị Lê Thị Huyền - nhân viên điểm BĐVHX Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum - than vãn: “Mức thu nhập hiện nay của nhân viên quá thấp. Thu nhập không đủ để nuôi sống bản thân, không giúp gì được cho gia đình, nhiều lúc muốn buông xuôi”. Giải thích về tình cảnh bi đát này, chị Huyền cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, mạng lưới ĐTDĐ phát triển mạnh nên không còn người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy, hoạt động của điểm BĐVHX chẳng còn gì cả, ngoài việc đưa thư báo cho các cơ quan, công sở”.

Bưu điện văn hoá phường Nguyễn Trãi, TP.Kon Tum.
Bưu điện văn hoá phường Nguyễn Trãi, TP.Kon Tum.

Cần tiếp sức

Ngành bưu chính viễn thông đang loay hoay tìm giải pháp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như bán bảo hiểm, bán các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân vùng xa; song giải pháp này chỉ là bài toán tạm thời, vì kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại các điểm BĐVHX sẽ không đạt được lợi thế so với các cửa hàng thương mại. 

Ông Nguyễn Hữu Đông - Giám đốc Bưu điện tỉnh Kon Tum - cho rằng: “Các điểm BĐVHX đã được xây dựng gần 10 năm nay, hầu hết đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Mạng lưới viễn thông đã phủ sóng đến tận vùng sâu, nên người dân không đến sử dụng dịch vụ điện thoại tại điểm BĐVHX, dẫn đến đời sống nhân viên gặp khó khăn. Sách báo tại các điểm này người dân cũng không đến đọc, dẫn đến hư hỏng”.

Ông Nguyễn Hữu Đông đề nghị: “Nhằm góp phần nâng cao đời sống cho nhân viên làm việc tại các điểm BĐVHX, đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ một phần kinh phí hoặc đưa điểm BĐVHX vào phục vụ chương trình 134; tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm BĐVHX hoạt động như một thiết chế văn hoá ở cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí”.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum thiếu các điểm sinh hoạt văn hóa, nhiều nơi người dân sử dụng nhà rông, lớp mẫu giáo... dùng để hội họp; trong khi đó, BĐVHX phát huy hiệu quả sử dụng kém. Do vậy, các ngành chức năng nên tận dụng các điểm BĐVHX làm nơi sinh hoạt cộng đồng, đưa các nơi này trở thành nơi cung cấp thông tin qua mạng Internet, tài liệu hướng dẫn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi cây trồng... Khi nào BĐVHX góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa thì lúc đó nó mới tồn tại đúng nghĩa.

 

                                                                                 Theo Bao LD

 

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục