Mẹ Lê Thị Có, người gây xúc động nhiều cho họa sĩ Ái Việt.

Mẹ Lê Thị Có, người gây xúc động nhiều cho họa sĩ Ái Việt.

Quan niệm mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng là một câu chuyện nên họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ các mẹ "mỗi người một kiểu", không lầm lẫn mẹ nào với mẹ nào. "Cô sẽ cố gắng đưa hình ảnh cây đước, cây mấm - loại cây đặc trưng của vùng đất này, vào tranh vẽ các bà mẹ ở Cà Mau" - người họa sĩ "chuyên" họa mẹ Việt Nam Anh hùng bộc bạch.

 

Nghỉ ngơi sau một thời gian lặn lội khắp các tỉnh miền Trung, miền Bắc, những ngày qua, họa sĩ Đặng Ái Việt tiếp tục Hành trình nét thời gian ở các địa phương miền sông nước Tây Nam Bộ (ĐBSCL). Tất bật, hối hả như chạy đua với thời gian. Trước chuyến về Bến Tre, Trà Vinh vào những ngày cuối tháng 2 này, họa sĩ Ái Việt đã đến Cà Mau - mảnh đất thiêng liêng nằm ở cực Nam của Tổ quốc. PV Báo CAND là những người được chứng kiến và hỏi han việc đầy tâm huyết của bà...

Xuất phát từ Tiền Giang trên chiếc Chaly cũ kỹ vào lúc tờ mờ sáng, vượt qua 253km, đến khoảng 19h, họa sĩ Đặng Ái Việt đã đến đất mũi Cà Mau. Đây là hành trình dài kỉ lục của riêng bà về cả thời gian lẫn quãng đường đi (trước đó, chuyến đi khoảng 200km trong vòng một ngày từ Hà Nội về Tĩnh Gia, Thanh Hoá được bà xem là kỷ lục).

Tỉnh Cà Mau hiện tại còn 66 Mẹ Việt Nam Anh hùng đang được chăm sóc, phụng dưỡng, trong đó có một số mẹ đã già yếu, sức khỏe kém. Để thể hiện được thần sắc của các mẹ qua các bức tranh, họa sĩ Ái Việt "ưu tiên" chọn những mẹ còn đủ sức khỏe, còn ngồi được để vẽ. "Vẽ được 2/3 trong tổng số 66 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Cà Mau là xem như thành công. Những mẹ còn lại, nếu có điều kiện tôi sẽ đến thăm hỏi và chúc sức khỏe họ", họa sĩ Ái Việt chia sẻ.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau và chính quyền địa phương, hành trình tại Cà Mau của họa sĩ Ái Việt diễn ra khá suôn sẻ, nhanh chóng. Bà đã hoàn thành chân dung của 6/9 bà mẹ ở TP Cà Mau và bắt đầu di chuyển xuống các huyện, xã trong tỉnh.

Họa sĩ Ái Việt cho biết, bà mẹ mù Lê Thị Có (ấp Gành Hòa, xã Hòa Tân, TP Cà Mau) đã gây cho bà rất nhiều cảm xúc. Và bà dành một khoảng khá dài trong nhật ký hành trình để ghi lại những cảm xúc này: "Đường cao như đê. Nhà mẹ ở cách mặt đường chừng 15m. Nhà thấp theo kiểu 3 gian. Vào nhà là vào phía sau như một nhà phụ, cũng khá lớn. Mẹ đang nằm trên võng, mặc bộ đồ trắng, tóc trắng như một bà tiên… Mẹ bị mù nhưng còn lanh lợi, nghe có khách, mẹ ngồi dậy lần mò hỏi thăm. Hỏi thăm tên tuổi, mẹ có hơi quên nhưng nghe tinh tường. Vừa vẽ vừa nghe mẹ kể chuyện. Hồi đó mẹ công tác ở Hội Phụ nữ xã Hòa Tân, ba cũng công tác ở xã. Ổng chết nhẹ nhàng lắm. Ổng đang làm việc bỗng hô nhức đầu, té xỉu, dìu về nhà thì mất. Mẹ cũng tự dưng không thấy đường.

Mẹ nói nhanh, chuyện này bắt qua chuyện khác. Không phải mẹ lẫn mà hình như mẹ muốn kể tất cả câu chuyện dài mà mẹ đã trải qua.

Mẹ 10 lần sinh, nuôi lớn 6 người, hi sinh 3. Các con mẹ là vậy. Đứa nào hi sinh thì thôi, đứa còn lại dù sứt tay gãy cán gì cũng làm việc cho dân.

15h30', cậu Xê con mẹ về nhìn tranh thốt lên: "Giống quá, giống má quá!". Nhưng rồi cậu ngập ngừng: "Em góp ý, chị cho má em sáng mắt lên, đừng để mù!".

Mình không nói, hiểu tấm lòng của người con hiếu thảo, chỉ nói trong lòng, xin lỗi cậu…".

Hôm theo chân bà để ghi lại được những khoảnh khắc đáng nhớ khi bà hoàn thành tác phẩm thứ 300 của mình ở phường 6, TP Cà Mau, chúng tôi kịp ghi lại nhật ký của bà. Bà viết: "Sau khi tiếp nhận giấy giới thiệu xong, lãnh đạo cho một cậu thanh niên đưa đi đến nhà mẹ. Địa bàn phường 6 tương đối rộng, nhà mẹ Khấu Thị Các ở bên kia sông, không có cầu qua phải đi đò ngang và gửi xe Chaly lại. Cô lái đò nói, cứ đếm 8 căn nhà là tới nhà mẹ Các. Đường khó đi, không đi xe đạp được vì lộ bê tông 5 tấc bề ngang bể lổm chổm. Nhà này cách nhà kia khá xa, cách 8 căn nhưng cũng không dưới 1km. Mang vác bao nhiêu thứ nặng ơi là nặng".

Chụp ảnh lưu niệm với mẹ Các.

Mẹ Các tuy đã 82 tuổi nhưng còn rất khỏe và đẹp lão. Tại nhà mẹ, họa sĩ Ái Việt vừa vẽ chân dung bà, vừa tranh thủ trả lời những câu hỏi phỏng vấn của chúng tôi. Điện thoại bà thỉnh thoảng reo lên, một vài tờ báo ở Sài Gòn xin được gặp mặt và phỏng vấn bà. Trong phút giải lao, bà bỏ nhỏ, phóng viên Báo CAND là người được ưu tiên, được tiếp xúc, ghi lại những khoảnh khắc sớm nhất của bà ở Cà Mau.

Hơn 11h trưa, tác phẩm đã hoàn thành. Vì bà vẽ bằng mực nước nên độ chân thật của tác phẩm khá cao, trông rất giống với người thật. Trong lúc chia tay, bà ôm hôn mẹ Các và chúc mẹ sức khoẻ. Mẹ Các rưng rưng nước mắt, dặn chúng tôi, có dịp nhất định phải về ghé thăm mẹ lần nữa.

Chúng tôi từ giã mẹ Các tiếp tục cuốc bộ ra nơi gửi xe để đến vẽ mẹ Nguyễn Thị Đua ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Mẹ Đua sinh năm 1949, là một trong những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước. Mẹ quê ở huyện Cái Nước, có 1 con trai duy nhất hi sinh vào năm 1989 ở chiến trường Tây Nam. Mẹ ở Trung tâm đã 12 năm nay và vừa đi dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long về.

Sau khi đi ăn cơm bụi ở một quán ven đường, bà không nghỉ trưa mà tiếp tục hoàn chỉnh bức tranh của mẹ Các.

Khoảng 13h20', bà bắt đầu vẽ chân dung của mẹ Đua. Để đảm bảo tính chân thực, bà yêu cầu được vẽ mẹ tại căn phòng hàng ngày mẹ sinh sống. Mẹ Đua hiền từ, ít nói và cũng là mẹ thứ 300 được họa sĩ Ái Việt vẽ. Tranh mẹ không vẽ màu mà vẽ trắng đen nên thời gian hoàn thành cũng khá nhanh. Khoảng 15h, bức tranh về mẹ Đua đã hoàn thành.

Trong buổi trò chuyện, họa sĩ Ái Việt ít nói về bản thân mình. Bà chỉ kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm vui buồn trong cuộc hành trình. Bà nói, sẽ cố gắng vẽ nhanh nhất có thể vì có mẹ tuổi cao sức yếu, sợ mình đến không kịp thì thật đáng hối tiếc. Quan niệm mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng là một câu chuyện nên bà vẽ các mẹ "mỗi người một kiểu", không lầm lẫn mẹ nào với mẹ nào.

"Cô sẽ chú trọng khai thác hậu cảnh. Sẽ cố gắng đưa hình ảnh cây đước, cây mấm - loại cây đặc trưng của vùng đất này, vào tranh vẽ các bà mẹ ở Cà Mau" - họa sĩ Ái Việt bộc bạch như thế khi bà tiếp tục hành trình về huyện Đầm Dơi bằng tấm lòng đáng kính…

 

                                                                                       Theo CAND

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục