Nhà thơ Đỗ Trung Quân thì dí dỏm đùa mà rất thật khi gọi bộ phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" là "Trung Quốc nói tiếng Việt"! Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nêu quan điểm: "Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, tôi sẽ cấm chiếu bộ phim này trên toàn cõi Việt Nam, bất kể trên truyền hình hay rạp".

 

Từng được tung hô như món quà mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng bộ phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" (Công ty Trường Thành hợp tác với EASTV Hồng Kông sản xuất), đã trở thành một nỗi đau của phim Việt, khi bị cho là "đánh mất lòng tự tôn dân tộc" và bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia không cho chiếu trong dịp Đại lễ. Chuyện tưởng chỉ dừng ở đấy, nhưng một lần nữa, bộ phim vốn gây phản ứng dữ dội nhất này tiếp tục khiến dư luận bốc hỏa, khi được biết sẽ chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào 30/6/2011.

Vì sao bộ phim bị phản ứng dữ dội như vậy? GS. Sử học Lê Văn Lan, thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia, cũng là người được nhà sản xuất nhờ làm cố vấn và tu chỉnh kịch bản từ đầu, nhận xét: Không như công văn của Bộ VH, TT&DL gửi Đài Truyền hình Việt Nam ngày 15/3/2011, rằng phim này "về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng", thực tế, bộ phim không thể hiện được tính xác thực của lịch sử Việt Nam, khi thể hiện mờ nhạt tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta.

Phần nói về cuộc kháng chiến chống Tống lần I của Lê Hoàn trong bộ phim hoàn toàn sai lệch với lịch sử Việt Nam, thậm chí, phủ nhận truyền thống oai hùng của dân tộc. Các nhân vật lịch sử trong phim đều bị làm sai lệch rất nguy hại cho việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc. Trong lịch sử, Lê Hoàn là anh hùng dân tộc, nhưng trong phim, ông hiện lên như một ông vua ăn chơi xa hoa, không quan tâm đến những lời can gián, thậm chí trừng phạt cả Lý Công Uẩn vì đã dám can ngăn. Lê Hoàn còn được xây dựng như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì lại để cho giặc cỏ bắt được.

Dương Vân Nga trong chính sử là người thông tuệ, sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cam go của đất nước, còn trên phim là một hình tượng ủy mị, sướt mướt, thậm chí đã treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong lịch sử, Đào Cam Mộc là quan văn, nhưng trên phim lại là một ông tướng võ biền, nhưng khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, để cho vua bị giặc cỏ bắt sống…

Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" - những cảnh trí, trang phục không mang hồn Việt.

Nhà sử học nhấn mạnh: Vì thế, tôi kiên quyết phản đối việc chiếu bộ phim này ở các rạp và trên sóng Đài Truyền hình quốc gia cũng như các đài truyền hình địa phương. Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi, không thể tự hào về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại "Tàu" như thế này!

Không chỉ mâu thuẫn với truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc, bộ phim còn không có tính lịch sử và văn hóa Việt Nam. Từ việc dàn dựng, cảnh trí, trang phục, diễn xuất, ngôn ngữ đều đậm đặc văn hóa, lịch sử Trung Hoa! Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, phim lịch sử dù sai một chi tiết là đã không thể được, mà bộ phim này lại có quá nhiều chi tiết sai về phục trang, khung cảnh.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân thì dí dỏm đùa mà rất thật khi gọi bộ phim là "Trung Quốc nói tiếng Việt"! Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nêu quan điểm: "Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, tôi sẽ cấm chiếu bộ phim này trên toàn cõi Việt Nam, bất kể trên truyền hình hay rạp".

Hội đồng duyệt phim Quốc gia đã không cho phép chiếu trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cho thấy nội dung phim không ổn. Hơn nữa, phim cũng từng gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận chỉ ngay sau trailer phát sóng. Hơn nữa, sau 3 lần sửa, thì liệu bộ phim có còn là một tác phẩm nghệ thuật? Đó là chưa nói, dù có sửa đến gần hết, thì làm sao thay đổi được cảnh trí, trang phục, xe ngựa vv… 

Khi một bộ phim làm về lịch sử Việt Nam mà lại mất tính lịch sử và văn hóa Việt Nam thì khác gì là sự giễu cợt lịch sử dân tộc? Người ta có quyền đặt câu hỏi: Việc cố tình tìm mọi cách để có thể công chiếu "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" theo kiểu "cố đấm ăn xôi" là vì khán giả, hay thực sự chỉ vì lợi ích kinh tế của một số người, hay thậm chí, có những ẩn ý phía sau nữa? Nếu vì khán giả, thì thái độ không hoan nghênh của công chúng ngay từ khi phim chuẩn bị ra mắt, đã là câu trả lời rõ nhất.

Còn vì những ẩn ý khác, thì là một đại họa cho nền văn hóa Việt Nam. Bởi vì, dù là tư nhân hay Nhà nước và dù đầu tư hàng trăm hay hàng ngàn tỷ đồng, cũng phải tôn trọng lịch sử và văn hóa dân tộc, bởi đó là niềm tự hào, tự tôn của người Việt cả ngàn năm qua. Nếu không, khi cái gốc bị đánh mất thì hậu họa là khôn lường. Xin hãy nhớ lời Bác Hồ căn dặn: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", chứ đừng nên đem lịch sử nước khác áp vào làm lịch sử nước mình, dù trong tác phẩm nghệ thuật. 

Sau nhiều ngày VTV im lặng trước phản ứng của dư luận, chiều 8/6, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc VTV đã cho PV Báo CAND biết: VTV sẽ chưa phát sóng bộ phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" vào 30/6/2011 như lịch chiếu, mà có thể sẽ phát vào dịp khác. Còn với phim "Huyền sử Thiên Đô", VTV đang tiếp tục đàm phán với nhà sản xuất để có thể tiếp tục chiếu phim, thay vì dừng lại ở tập 20 như kế hoạch.

                                                              Theo CAND Online


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục