NSƯT Ngọc Giàu và nghệ sĩ Tâm Tâm trong vở Tấm lòng của biển

NSƯT Ngọc Giàu và nghệ sĩ Tâm Tâm trong vở Tấm lòng của biển

Theo các nhà chuyên môn, để đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim thì cần phải tạo chuẩn mực cho cải lương nhằm tìm kiếm danh ca. Bên cạnh đó, tự thân mỗi nghệ sĩ trẻ phải nhiệt tình, dồn sức cho con đường nghệ thuật

Danh ca thường để đời với bài ca cổ hoặc những vai tuồng bất hủ. Điều đó có nghĩa ngoài tài năng thiên bẩm, họ cũng nhờ soạn giả đo ni đóng giày cho từng nhân vật, sáng tác được bài ca cổ hay, đúng sở trường mà làm nên tên tuổi, khẳng định nghệ danh. Nhưng trên hết, nghệ sĩ không thể thiếu lòng đam mê nghề, thậm chí sống chết với nghề, trước khi đòi hỏi có sự nâng đỡ.

Khác biệt nhờ sáng tạo

NSƯT Minh Vương kể lại: “Năm 1964, tôi đoạt giải Khôi Nguyên vọng cổ, cuộc thi do báo giới Sài Gòn tổ chức. Sau đó, tôi về Công ty Kim Chung làm diễn viên chuyên nghiệp. Ngày đầu tiên vào rạp Đại Đồng xem các nghệ sĩ tập tuồng, nghệ sĩ Lệ Thủy đề nghị tôi tham gia diễn vai con của chị. Do tự ái, tôi từ chối. Liền sau đó, tôi bị thầy là nhạc sĩ Bảy Trạch giáo huấn. Theo ông, nghệ sĩ trẻ mới vô nghề, đã chấp nhận theo nghề hát thì vai gì cũng đóng để học hỏi kinh nghiệm”. Ngày nay, không ít trường hợp nghệ sĩ trẻ khi đoạt giải thưởng cao đã vội lắc đầu hoặc đòi hỏi phải sửa lại kịch bản, viết thêm bài ca mới nhận vai.                                              

Theo lời đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu, ngày nay, việc dựng cải lương khó hơn thế hệ vàng trước đây, vì nghệ sĩ cứ nghĩ mình là ngôi sao nên việc chịu thâm nhập tính cách nhân vật của họ hết sức hạn chế. Hiện tượng thiếu thế hệ vàng cho sân khấu cải lương hôm nay một phần chính là thái độ thờ ơ của nhiều nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật.                                       

Bên cạnh việc cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nghệ sĩ trẻ còn cần đầu tư sáng tạo để tìm kiếm nét riêng cho bản thân. Bởi chỉ có nét riêng tạo sự khác biệt mới giúp giọng ca của họ đi vào lòng khán giả.                                                                                        

Những suất diễn của Sân khấu Vàng sau này, nơi 2 nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy tập hợp hầu hết danh ca cùng thời, dù biểu diễn trích đoạn cũ vẫn đông người xem. Và không ít khán giả đã thốt lên rằng: “Vào nghe ca cũng đáng đồng tiền bát gạo. Trên thực tế, không một danh ca nào bị lẫn vào nhau. Chỉ cần nghe một câu nói lối đã nhận biết đó là chất giọng của nghệ sĩ nào.

NSƯT Bạch Tuyết từng nói: “Tôi chưa phải là một danh ca nhưng tôi vẫn thích nghiên cứu cách ca rất riêng của mình. Chính tôi thẩm định lại hiệu quả của câu vọng cổ mình thể hiện, rồi qua nhận xét của những người đi trước, tôi biết mình cần phát huy điểm nào và loại bỏ những hạn chế nào”. Còn với NSƯT Lệ Thủy thì “Xem trọng phong cách riêng là cách để giữ được ưu thế của mình. Tôi được nhận xét có làn hơi kim pha thổ, chính vì thế vai tuồng nào, bài ca nào cần sự mộc mạc, dung dị là đúng chất giọng của tôi”.                                                      

Bệ phóng cho nghệ sĩ trẻ
Để có được thế hệ vàng, những danh ca tên tuổi lừng lẫy từng là “bảo chứng” cho các phòng vé sân khấu như từng có, thiết nghĩ các cơ quan Nhà nước, giới chuyên môn cần đầu tư bệ phóng để nghệ sĩ trẻ phát huy khả năng.          

Quan trọng nhất là nhanh chóng cải tổ các nhà hát, rạp hát, nâng cấp hiệu quả việc quản lý nghệ thuật biểu diễn, trả lại cho cải lương những chuẩn mực nhất định. Chính những yếu tố tích cực đó sẽ tác động đến thái độ làm nghề của nghệ sĩ, cho họ cơ sở để củng cố niềm tin.

Soạn giả Hoàng Song Việt, người 10 năm qua vẫn duy trì hoạt động biểu diễn cho 40 diễn viên trẻ đã từng đoạt HCV các cuộc thi tuyển chọn diễn viên, từ giải Trần Hữu Trang cho đến Chuông vàng, Bông lúa vàng, nói: “Bây giờ diễn mỗi suất phải thanh toán tiền rạp 10 triệu đồng. Dù bán 10 vé chúng tôi vẫn mở màn. Nhóm Thắp sáng niềm tin đã bền bỉ làm sáng đèn hàng suất hát trong sự hy vọng, chưa bao giờ nản lòng. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để làm tốt hơn những chuẩn mực của nghề. Nhưng rồi sẽ về đâu nếu cứ tiếp tục thắp sáng niềm tin theo kiểu tự bơi như hiện nay?”.                                               

Sắp tới, Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức mùa giải Trần Hữu Trang 2011, công việc chọn lựa những tài năng trẻ cho sân khấu chuyên nghiệp đã được khởi động. Không giấu được niềm vui, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: “Năm nay, Đài Truyền hình TPHCM sẽ vào cuộc với chúng tôi, hứa hẹn tạo được hiệu quả khi cuộc thi được tổ chức sơ tuyển tại nhiều địa phương và vòng bán kết, chung kết sẽ được HTV truyền hình trực tiếp. Hướng đi mới này sẽ tạo được hiệu ứng để các diễn viên trẻ tham gia có thêm cơ hội phấn đấu theo con đường chuyên nghiệp”.                                     

Lúc này không cần phân tích lỗi tại ai, vấn đề quan trọng và thiết thực nhất là phải tìm lối đi đúng hướng cho những tài năng trẻ. “Họ không được học bên cánh gà thì phải được học ở nhà trường” - NSND Huỳnh Nga chia sẻ, “chứ để họ tự bơi, tự tìm hướng đi sẽ là điều thiếu sót của chúng ta đối với sân khấu cải lương”. 
 
                                                                       Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục