Thiếu nữ Mường duyên dáng ngày hội xuân.

Thiếu nữ Mường duyên dáng ngày hội xuân.

(HBĐT) - Ra giêng ngày rộng, tháng dài cũng là lúc người người, nhà nhà vùng Mường Kỳ Sơn tưng bừng mở hội xuân. Hội xuân nơi đây được tổ chức thường niên tại các xã, cụm xã có đông cư dân Mường sinh sống, có năm tổ chức ở xã Dân Hạ, năm lại ở xã Phú Minh, xã Yên Quang...

 

Với cụ Nguyễn Thị Mải, 83 tuổi ở xã Phúc Tiến, hội xuân luôn là món ăn tinh thần của lớp lớp trẻ, già. Vào ngày ấy, cụ cùng con trai, gái, các dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại tập trung cả về địa điểm tổ chức lễ hội. Ngắm cô cháu gái xúng xính với trang phục thiếu nữ Mường, tất bật chuẩn bị tham gia tiết mục văn nghệ biểu diễn tại hội xuân, nét mặt cụ thêm phần rạng rỡ. Các tiết mục trình tấu cồng chiêng của chị em phụ nữ Mường từ Mông Hóa, Phúc Tiến, Hợp Thịnh, Hợp Thành... cũng để lại cho cụ nhiều ấn tượng. Cụ kể: Trước kia, đời sống kinh tế khó khăn, cồng chiêng đôi lúc vắng bóng trong sinh hoạt lễ hội cộng đồng. Giờ, bà con đã có ý thức bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Người già giàu kinh nghiệm say sưa truyền dạy cho con, cháu. biết nhiều dạy cho chưa biết nên dần dà, càng có nhiều người biết, yêu thích cồng chiêng.

 

Hoạt động tổ chức lễ hội cũng là dịp để phát huy giá trị văn hóa này. Vào dịp hội xuân hàng năm, trình tấu cồng chiêng của các Mường trong huyện luôn là chương trình mở màn. Hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều tham gia trình tấu. Bên cạnh bài chiêng (làn điệu pùa) truyền thống thường được sử dụng trong các dịp lễ, hội, đơn vị dự thi còn trình diễn bài chiêng nâng cao, phát triển theo sự sáng tạo của các nghệ nhân. Kết hợp các bài chiêng là những làn điệu dân ca Mường sử dụng lời hát cổ hoặc đặt lời mới theo làn điệu dân ca như hát ví, hát đang, hát rằng thường...

 

Các đôi trai, gái Mường trên, Mường dưới còn thi gói bánh tréo kheo vào mỗi dịp hội xuân. Trên sân khấu lớn, với sự chứng kiến của cả nghìn người, cặp trai gái từng đội chung sức, trổ tài nhào bột, gói bánh, làm ra những cặp bánh vừa có kết cấu đẹp, vững chắc, thể hiện đôi bàn tay nhanh, khéo của trai, gái Mường ta. Một phần thi mang ý nghĩa tôn vinh nét văn hóa truyền thống là thi trang phục Cô gái Mường duyên dáng cũng được người người cổ vũ, có ấn tượng tốt. Ngoài trình diễn trang phục đẹp, thí sinh đoạt giải còn là người am hiểu kiến thức văn hóa Mường. Chị Bùi Thị Xuân  - cán bộ văn hóa xã Mông Hóa vui vẻ cho biết: Trước mỗi hội xuân, các xã đã chuẩn bị công phu ở tất cả các nội dung, hầu hết tham gia đầy đủ các phần thi từ trình tấu cồng chiêng, gói bánh, cử đại diện làm thí sinh cô gái Mường duyên dáng. Niềm vui lớn nhất mà các đơn vị có được ở mỗi lần tổ chức hội xuân là mọi người về xem hội xuân ngày đông thêm, các hoạt động lễ hội, vui chơi của hội xuân được bà con hết mình hưởng ứng. 

 

Đúng với nghĩa vốn có của hội xuân, hàng nghìn người dân các Mường nô nức đổ về vào ngày này khiến không khí hội vô cùng náo nhiệt. Công việc đồng áng, mùa màng, những lo toan tạm gác lại nhường chỗ cho tâm thế thoải mái, hoà mình vào các hoạt động giao lưu văn hóa, vui chơi cộng đồng. Trong những ngày mở hội không thể thiếu các trò chơi dân gian. Không kể già, trẻ, gái, trai, bất cứ người nào đến đây đều có thể tham gia với tinh thần của vận động viên thượng võ. Bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo là những hoạt động thể thao mỗi hội xuân thường có. Theo ông Đinh Ngọc Lương, Phó phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn, hội xuân với các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc riêng có nơi đây đã thu hút đông đảo cộng đồng tham gia, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng món ăn tinh thần lành mạnh, bổ ích của người dân. Đồng thời có tác dụng khích lệ, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 

                                                                              Bùi Minh

 

 

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục