(HBĐT) - Theo truyền thuyết của người Mường thì sáo ôi (ôống ôi) đã được vua Dần, một nhân vật thần thoại trong trường ca sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” làm nên từ trước khi xảy ra nạn hồng thủy.

 

Chuyện kể rằng: “Vua Dần lấy nàng Ngần, nàng Ngà làm vợ đã sinh hạ được hai người con là Tu Dịt, Tu Dàng. Một đêm không ngủ được, trằn trọc, thao thức mãi vua mới hỏi nàng Ngần, nàng Ngà:

 

- Thương nhiều, thương lắm em ơi! Đứa rớ (nhân tình) với thằng chồng ai người thương hơn?

 

- Thương đứa rớ được cái vòng đồng, thương thằng chồng được gióng que củi nặng.

 

Lời chửi, tiếng mắng không lìa lỗ tai.

 

Tức giận khi nghe lời tiếng ấy, vua Dần đùng đùng bỏ nhà ra đi. Khi đến con suối nhỏ trong mát, vua ngồi nghỉ. Đang mung lung suy nghĩ về gia cảnh, vợ con nên đi hay về, về hay đi... thì trong không gian vẳng lên tiếng róc rách của suối ngàn, tiếng vi vu, rì rào của gió núi càng làm cho vua Dần xốn xang cõi lòng. Cạnh con suối có một khóm nứa tép, vua liền chặt lấy một gióng nứa làm ôống thổi bắt chước tiếng suối reo, gió thổi cho đỡ buồn, đỡ thương, đỡ bồn chồn trong dạ. Lúc đầu, vua khoét một lỗ rồi hai lỗ vào thân ống nứa, đưa lên môi thổi vẫn chưa giống tiếng non ngàn... chỉ thành tiếng ôi...! ơi…! Của tiếng lòng bâng khuâng với cảnh ngộ.

 

(Trích trong cuốn “Đẻ đất,  đẻ nước” và phong tục, đạo lý, nhân văn Mường  - Nxb Văn hóa dân tộc 2015).

 

Những năm gần đây, trong dân gian Mường cũng truyền cho nhau nghe câu chuyện về sự tích ra đời của cây sáo ôi (ôống ôi): Cách ngày nay hàng ngàn năm, có một chàng trai tên là Côi đi vào rừng lấy củ chẳng may ngã xuống vực sâu. Mệt lả ngủ thiếp đi, trong mơ Côi nghe tiếng từ một đoạn nứa tép phát ra tiếng vi vu rất lạ. Khi tỉnh giấc, Côi dùng vỏ ốc khoét lỗ vào thân ống nứa, đưa lên miệng thổi, ống nứa phát ra những âm thanh như than, như gọi người thân. Nhiều người vây quanh nghe Côi thổi ống nứa phát ra tiếng than, tiếng gọi người thân thương đã đặt tên cho ống nứa ấy là ống sáo ôi (ôống ôi) và suốt ngàn năm qua đến thời đương đại, người Mường vẫn nâng niu, trân trọng và sử dụng cây sáo ôi thần diệu. Sáo ôi, người Mường gọi là ống ôi, ông ôi, ống than thở, ống gọi bạn, gọi tình, gọi người yêu đương thương nhớ. Tiếng sáo ôi là “tiếng lòng” thân thương trìu mến đối với những đứa con do mình dứt ruột sinh ra.

 

Cây sáo ôi của người Mường là loại sáo dọc có 4 lỗ, 2 lỗ có khoảng cách thưa, 2 lỗ cách nhau dầy hơn được tạo nên từ một ống nứa tép. Đường kính gần 2,5 cm, dài 70 cm. Sáo ôi, một nhạc cụ thuộc bộ hơi được tổ chức, kết cấu trong dàn nhạc dân tộc (cò ke, ống kháo). Nhưng phổ biến là sử dụng để độc tấu hoặc đệm cho hát, cho kể chuyện và những đoạn múa, điệu múa solo hoặc đuo giàu tính nội tâm tự sự.

 

Người Thái có cây pí thiu, người Kinh có cây tiêu và nhiều dân tộc ở Việt Nam cũng có những cây sáo dọc và cũng được khám phá, chế tạo ra từ hàng nghìn năm trước. Từ chất liệu tre, nứa, hình dáng, cấu trúc, tính năng và giá trị sử dụng của cây sáo dọc của các dân tộc anh em cũng tương đồng với cây sáo ôi (ôống ôi) của người Mường.

 

Nhiều chàng trai đã ngồi bên dòng suối, dưới ánh trăng hoặc tựa lưng vào cột nhà sàn suốt đêm thâu và từ hơi thở của lòng mình thổi qua ôống ôi trầm bổng, nỉ non vẫy gọi người thương, bạn tình đến với mình.

 

Cũng gần một trăm năm qua, các đội nghệ thuật không chuyên, đoàn nghệ thuật dân tộc, đoàn nghệ thuật du lịch của tỉnh Hòa Bình đã sử dụng cây sáo ôi tạo nên linh hồn cho các tác phẩm múa quạt của những nàng dâu. Những đoạn múa solo, đuo của kịch múa út Lót Hồ Liêu...

 

Từ câu chuyện: Người lính hải quân là người Mường, khi ra đảo chiến đấu bảo vệ đất nước đã mang theo chiếc sáo ôi để những lúc nghỉ ngơi lại thổi lên “tiếng lòng” mình hướng về quê hương đất Mường, nhớ thương vợ con ở nhà. Khi được về nghỉ phép mấy ngày, anh lính đảo lại mang chiếc sáo ôi về thổi lên lời ru:

“Con nên thì nở mặt cha/ Không nên xấu hổ nhuốc nha bạn cười”.

 

Theo yêu cầu của Bộ CHQS tỉnh và từ cảm xúc, sự tâm đắc về câu chuyện chiếc sáo ôi và anh lính đảo, nghệ sĩ An Thâu đã dựng nên tác phẩm múa: “Tiếng sáo ôi linh hồn của múa”.

 

Trang trí của tác phẩm múa chỉ có một chiếc nôi màu cánh dán. Treo ở trên chiếc nôi là mấy quả còn lung linh sắc màu vàng, xanh, đỏ. Chung quanh vành nôi nổi lên một số hoa văn, họa tiết, phỏng theo những hoa văn họa tiết đã được may thêu trên cạp váy phụ nữ Mường từ hàng nghìn năm trước.

 

Tốp nhạc múa được tổ chức kết cấu với một chiếc sáo ôi, một cây đàn bầu, 1 chiếc nhị và 3 chiếc chiêng.

 

Nhân vật người lính đảo về phép thăm gia đình cũng là người cha của đứa bé nằm trong nôi. Anh ngồi trên chiếc ghế mây phía sau chiếc nôi thổi ôống ôi: Lời thương, nỗi nhớ, tiếng lòng của người lính đảo, của người cha với gia đình, vợ con.

 

Người mẹ ngồi xếp mái, hai tay ôm và nghiêng người, đặt má lên vành chiếc nôi. Các cô gái Mường ôm trong lòng mỗi cô một dải khăn hồng nâng niu, trìu mến như ôm một đứa trẻ ở trong lòng vừa múa những hình tượng, những nhịp múa ru con.

 

Tiếng sáo ôi và tiếng đàn bầu ngân nga, trầm bổng thổi hồn vào nhịp múa tạo nên một lớp múa trữ tình của một gia đình quê núi.

 

Các cô gái vòng xuống phía sau tạo nên một đội hình vòng cung. Các cô ngồi xuống giang rộng những tấm khăn, chao đi, chao lại và đung đưa, tượng trưng như những chiếc võng.

 

Người mẹ, tay trái ôm con, tay phải giang ra múa, vỗ về, vuốt ve và âu yếu đứa con nhỏ. Anh lính đảo, bố của đứa con cũng chạy đến, vừa thổi sáo ôi, vừa bước những bước chân như bơi, như lướt trên mặt nước. Người mẹ ngửa bàn tay nâng đứa con về phía trước rồi chao đi, chao lại sang hai bên thân mình, vừa âu yếu vừa như nựng, như đùa với con. Người bố chùng chân, thấp người xuống và cũng nghiêng ngả theo nhịp điệu, dáng vẻ của người vợ ru con.

 

Các cô gái ào lên vây xung quanh và múa cùng vợ chồng người lính đảo. Tác phẩm kết bằng một hình tượng lớn, đa hình, nhiều hướng. Một số cô gái ngồi xuống, giang tấm khăn ra đung đưa như những chiếc võng, một cô quỳ, một cô đứng, tay trái ôm một đầu tấm khăn vào lòng, tay phải dựng một đầu tấm khăn còn lại lên cao.

 

Người lính đảo, bố của đứa bé, quỳ chân trái xuống, duỗi thẳng chân phải, tay trái ôm người vợ và đứa con vào lòng, tay phải chĩa thẳng chiếc sáo ôi lên trời.

 

Tiếng sáo ôi hòa cùng tiếng đàn bầu chậm lại du dương, ấm áp rồi như truyền “hồn thiêng” vào hình tượng múa, vút lên cao với niềm tin hy vọng.

 

                                                  

                                                       NSưT Bùi Chí Thanh (TTV)

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục