Ở độ tuổi 84 nhưng ông Bàn Văn Chiêu, xóm Dưỡng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc)  vẫn tâm huyết với việc dạy chữ cho đồng bào Dao trên địa bàn.

Ở độ tuổi 84 nhưng ông Bàn Văn Chiêu, xóm Dưỡng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) vẫn tâm huyết với việc dạy chữ cho đồng bào Dao trên địa bàn.

(HBĐT) - Với 7 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống ở 11 huyện, thành phố, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số : Thái, Dao, Mông, Tày... đã góp phần làm cho nền văn hóa tỉnh ta thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. ở huyện vùng cao Đà Bắc, trong khi chữ Hán - Nôm dân tộc Dao có nguy cơ bị mai một thì năm 2008, lớp truyền dạy chữ Hán - Nôm dân tộc Dao đầu tiên được mở tại xóm Dưỡng, xã Vầy Nưa thu hút đông đảo người dân tham gia. Điều đáng quý là trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các lớp dạy chữ Dao ở Đà Bắc vẫn tiếp tục được duy trì.

 

Nửa đầu tháng 5/2016, vượt qua con đường đèo dốc ngoằn ngoèo dài gần 20 km, chúng tôi đến chi trường mầm non xóm Dưỡng, xã Vầy Nưa. Xe vừa tắt máy, chúng tôi đã nghe rõ tiếng đọc đồng thanh phát ra từ căn nhà nhỏ ấy. Những âm thanh văng vẳng làm sôi động cả bản làng yên ả, thanh bình. Hôm nay là ngày khai giảng lớp dạy chữ Hán - Nôm Dao thứ 2 ở xóm Dưỡng. Lớp được mở trong thời gian 3 năm, mỗi tuần học một ngày vào chủ nhật. Lớp có 22 học viên là người dân tộc Dao sinh sống ở các xóm Dưỡng, Mó Nẻ, Thín, Lau Bai, Trà Quy. Người cao niên nhất đã 43 tuổi, học viên nhỏ nhất mới vừa tròn 10 tuổi. Có người là cán bộ xóm, nông dân, học sinh nhưng tất cả họ đều có chung một mong muốn hiểu thêm truyền thống, gìn giữ chữ viết dân tộc mình.  

Tham dự lễ khai giảng, Trưởng xóm Dưỡng Bàn Văn Khánh cho biết: Xóm Dưỡng có 76 hộ, 377 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao nhưng số người biết đọc, viết được chữ Dao khá ít, nhất là lớp trẻ. Khi biết tại xóm mở lớp dạy chữ viết Hán - Nôm Dao thứ 2, nhiều người đã đăng ký và quyết tâm theo học để sau này truyền dạy lại cho bà con trong xóm và con cháu hiểu về nguồn cội dân tộc. Tham gia lớp học, các học viên tự nguyện đóng  50.000 đồng/tháng để hỗ trợ giáo viên và đảm bảo các chi phí sinh hoạt khác. Đồng bào ở đây coi việc học là quan trọng nên rất đam mê. Lớp học được tổ chức quy củ, có thầy giáo, lớp trưởng, lớp phó, kiểm tra, điểm danh nghiêm túc.  

Các lớp dạy chữ Hán - Nôm Dao ở Đà Bắc có 4 thầy giáo gồm ông Bàn Văn Chiêu, 84 tuổi, Bàn Văn Thân 76 tuổi, Bàn Thanh Sơn, 64 tuổi và Đặng Văn Hải, 51 tuổi đều là người dân xóm Dưỡng. Thầy dạy chữ Dao cao niên nhất, ông Bàn Văn Chiêu tâm sự: Chúng tôi ấp ủ ý tưởng mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Dao cho bà con từ lâu nhưng do kinh phí eo hẹp nên rất khó thực hiện. Được Trung tâm cộng đồng bền vững Hà Nội tập huấn kỹ năng sư phạm và hỗ trợ biên soạn giáo án; Trung tâm học tập cộng đồng xã hỗ trợ 500.000 đồng và nhất là tinh thần nhiệt tình, tự nguyện của học viên trên địa bàn, chúng tôi quyết định mở lớp và tham gia giảng dạy. Lớp đầu tiên được mở tại xóm Dưỡng vào năm 2008 có 120 học viên là người tham gia. Theo nguyện vọng của bà con dân tộc Dao trong huyện, từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã thay nhau đến các xã Tu Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Tân Pheo, Đoàn Kết mở được 8 lớp khác với trên 250 học viên tham gia.  

Để có tài liệu mở lớp, các thầy giáo không chuyên đã sưu tâm và lưu giữ được một số sách Hán - Nôm Dao. Nội dung sách phần lớn liên quan đến tri thức dân gian, đạo đức, thiên văn, sách thuốc, dân ca và phong tục tập quán...ông Bàn Văn Chiêu cho biết thêm: Trong cuộc sống hiện nay, nhiều luồng văn hóa khác nhau đã du nhập đến các làng, bản người Dao. Bọn trẻ được học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ mà lại quên không học, không nói tiếng dân tộc mình là điều khiến chúng tôi rất trăn trở. Chữ Dao có nguy cơ mai một thì lớp dạy chữ được mở trở thành niềm vui cả cộng đồng người Dao nơi đây.Học chữ Hán - Nôm đã khó, để hiểu, dịch nghĩa, phiên âm sang tiếng dân tộc Dao còn khó hơn đòi hỏi người học phải chịu khó, ham mê mới có thể thành công. Chúng tôi mở lớp, không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hoá người Dao góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác.  

Anh Bàn Văn Thanh, 42 tuổi, học viên lớn tuổi nhất cho biết: Trước đây tôi  chỉ biết nói chứ không biết viết tiếng Dao, được theo học tôi càng thấy chữ của người Dao mình rất hay. Tôi sẽ cố gắng học hỏi để sau này còn truyền dạy cho con cháu. Nhờ học chữ Dao mà ANCT-TTATXH ở vùng đồng bào Dao sinh sống luôn ổn định. Không có người Dao nghiện ma tuý hoặc tham gia các tệ nạn xã hội khác.  

Thực tế trên cho thấy, chữ Hán - Nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Những người nắm giữ loại hình di sản quý giá này trong cộng đồng người Dao như các ông Bàn Văn Chiêu, Bàn Văn Thân, Bàn Thanh Sơn, Đặng Văn Hải rất cần được động viên, khuyến khích truyền bá những tri thức được lưu giữ bằng loại văn tự này cho các thế hệ kế tiếp nhằm tránh khỏi sự mai một, đồng thời khuyến khích con em dân tộc Dao yêu thích văn hóa của cha ông trong việc học tập, lưu giữ những tri thức do ông cha truyền lại. Bên cạnh đó, chính quyền cũng như các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cần quan tâm hỗ trợ thỏa đáng để việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ, dạy chữ của người Dao đạt hiệu quả cao, làm cơ sở cho việc lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị của di sản quý báu này.  

                                                                 Đức Phượng

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục