Các chuyên gia cho biết, tháng 11 thường là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, bước vào chu kỳ đỉnh dịch. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp phòng bệnh.


Theo diễn biến dịch tễ hàng năm, hiện đang là thời điểm ghi nhận số mắc cao tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả bệnh nhân người lớn và trẻ em, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là người dân trong diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền sốt xuất huyết là rất quan trọng.

Nhiều ca SXH biến chứng nặng

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho hay, tình hình SXH năm nay tăng đột biến hơn so với năm ngoái, đặc biệt từ tháng 8 và tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển.

Từ tháng 10 đến nay, số ca nặng phải nhập viện tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai trung bình 10-20 ca/ngày và số ca khám điều trị ngoại trú từ 30-50 ca/ngày. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tử vong.

Cũng theo PGS. Cường, so với vụ dịch SXH năm 2017 ở Hà Nội (đỉnh điểm là tháng 8) thì năm nay SXH xảy ra muộn hơn, số lượng không nhiều bằng năm 2017. Tuy nhiên, SXH năm nay có một số điểm cần lưu ý, chẳng hạn dịch tập trung lúc đầu ở khu vực ngoại thành (như Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên…) sau đó lan sang các quận nội thành (như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa,…).

"Đặc biệt, là dịch năm nay có một số bất thường như tỉ lệ người già mắc nhiều hơn, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốc, chảy máu nặng, tổn thương nội tạng như viêm não- màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận, xảy thai hoặc thai lưu trên phụ nữ có thai. Điều này đòi hỏi phải hết sức lưu ý trong thời gian tới khi tháng 11 được coi là đỉnh điểm của vụ dịch và nhiều các bệnh nhân nặng biến chứng hay xảy ra"- chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thông tin.

Chú ý các dấu hiệu điển hình

Hiện đang là thời điểm SXH bước vào chu kỳ đỉnh dịch, do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi người dân có triệu chứng sốt cao đột ngột cần nghĩ đến bệnh này để điều trị kịp thời. SXH không loại trừ một ai, triệu chứng của SXH là sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, chán ăn...

Giai đoạn sốt kéo dài từ 3-7 ngày. Từ ngày thứ 4 trở đi có thể xuất hiện các biến chứng nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết (nữ giới). Một số trường hợp thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu và có thể dẫn tới sốc giảm thể tích, hoặc có thể suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm não- màng não,…

PGS. Cường tư vấn, cách xử trí trong những ngày đầu chỉ điều trị triệu chứng bằng cách chườm mát, uống thuốc hạ sốt (paracetamol 500mg ở người lớn cứ 4 tiếng uống 1 viên nếu sốt trên 38,5 độ), bù dịch bằng đường uống (orerol, nước hoa quả, nước canh,…). Chỉ truyền dịch (muối đằng trương hoặc Ringer lactate) khi bệnh nhân không ăn uống được và phải được theo dõi tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng

Đây là biện pháp phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh được ngành y tế liên tục khuyến cáo. Theo BS. Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hàng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng nhấn mạnh, SXH do vi rút Dengue lây truyền bởi muỗi Aedes aegypti, là một loại muỗi vằn sống ở thành thị đốt truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Do vậy các biện pháp phòng bệnh hiện nay là không đặc hiệu bao gồm nằm màn, mặc quần áo tránh muỗi đốt, bôi kem chống côn trùng cắn, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo môi trường, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi ở những vật đựng nước ở trong nhà hay quanh nhà.

Nếu có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị SXH hay không. Đây là một xét nghiệm đơn giản, nhanh phát hiện sớm SXH để bác sĩ có thể chẩn đoán và xử trí kịp thời.


Theo Báo SKĐS


Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục