(HBĐT) - Tháng giêng năm 2004, một số người dân xã Nam Sơn (Tân Lạc) trong khi đi làm nương ở lưng chừng núi đã phát hiện một cửa hang nhỏ. Chui qua cửa hang, họ vô cùng sửng sốt khi bên trong là động đá tuyệt đẹp. Đến năm 2007, động Nam Sơn (động Tớn) chính thức được công nhận di tích danh thắng quốc gia.

 

Bị thu hút bởi những lời trầm trồ thán phục của nhiều người về một tuyệt tác tạo hóa ban tặng cho xứ sở vùng cao này, chúng tôi đã vượt chặng đường quanh co đèo, dốc tìm đến động Nam Sơn. Từ UBND xã đến địa phận xóm Tớn chừng 15 phút đi xe máy, sau đó mất gần 40 phút leo bộ men theo triền núi có đường xếp đá của người dân đi nương, chúng tôi được “mục sở thị” động di tích. Đồng chí Bùi Thanh Truyền, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Nam Sơn vừa đi, vừa tâm sự: Khi nhân dân báo có động thiên nhiên đẹp, ai nấy đều ngạc nhiên. Ngay sau đó, cấp ủy, chính quyền xã vào cuộc, tuyên truyền gắn với quản lý, bảo vệ, không để bất cứ ai tự ý ra, vào, có ý định phá hoại tài nguyên. Hiện tại, danh thắng đã được tỉnh, huyện đầu tư đường đi phía trong hang động và hệ  thống điện.

Và rồi trước mắt là động Nam Sơn hiển hiện với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú khiến chúng tôi sững sờ. Cửa động hơi chếch lên khiến ánh sáng tự nhiên lọt vào tận phía trong, tạo cho không gian mờ mờ, ảo ảo tăng thêm vẻ huyền bí làm chúng tôi phấn chấn, muốn bước thật nhanh vào trong cho thỏa chí tò mò. Từ cửa động, theo lối nhỏ thấp dần là vô số dải nhũ rủ xuống vách vòm trần, không gian tạo nên cảm giác khoáng đạt, không khí trong lành, mát mẻ. Bước thêm đoạn nữa là lòng nền động có mô đá lớn, xung quanh mô đá óng ánh như dát vàng, dát bạc. Đặc biệt là khi ánh đèn chiếu vào, khối đá tỏa hào quang lung linh, đẹp mắt. Đi sâu chút nữa, dưới vòm động cao rộng màu thạch nhũ là những hình tượng sống động, ngộ nghĩnh. Nổi bật là hình quả phật thủ đồ sộ bám trên vách động, phía dưới là hình con hổ, con voi, sư tử cùng muôn loài chim muông, cỏ cây hoa lá như tụ hội về đây khoe sắc, thi tài. Bên vách phía tay trái, một chùm nhũ buông thõng tựa những mũi tên khổng lồ. Đầu nhũ đá ngưng đọng các giọt nước lung linh, phản chiếu ánh lửa đèn lấp lánh. Chúng tôi ngước lên vòm trần bắt gặp nhiều dải nhũ thanh mảnh, mềm mại buông rủ với những đường cong gợi cảm. Đặt chân vào tận góc trong cùng của ngăn động, chúng tôi thả hồn ngắm nghía bốn bề là vô vàn măng đá, nhũ đá, cột đá, rèm đá dủ xuống hang nước hấp dẫn đến mê hoặc, lại có chỗ cột đá đối xứng theo kiểu “dưới mọc lên, trên mọc xuống” tuyệt đẹp.

Giữa lòng thạch đá là hồ nước trong suốt tới đáy phơi bày nhũ đá, măng đá to nhỏ, cao thấo tạo múi xù xì mọc lên đối xứng cùng hàng triệu măng đá, nhũ đá phía vòm động.

Ngạc nhiên là nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, ở đây xuất hiện hồ nước rộng tới gần 1.000 m2, nước đầy ăm ắp và trong vắt quanh năm. Theo những người dân đã từng “thám hiểm” thì hồ nước này chỗ sâu nhất chừng 7 m, chỗ sâu ít nhất trên 2 m. Đặc biệt, đi vào sâu trong hang động khoảng 40 m, đường nước tràn hồ có một điểm được gọi là vị trí thắt cổ chai, nếu thoảng nghe giống như có tiếng nước chảy, tiếng gió thổi mạnh vào phía trong hang. Dường như nhờ đường nước này mà trong động có những ngày rất đông người ra, vào nhưng không ai có cảm giác thiếu ô xi hay khó thở, mệt mỏi.

Tiếp tục hành trình thám hiểm hang động tại ngăn giữa, ngoài vô số cây măng đá lô nhô, dải nhũ thanh mảnh buông xuống đủ các sắc màu thạch nhũ, trước mặt chúng tôi ẩn hiện các tượng Phật uy nghiêm, trần mặc vừa như bí hiểm, vừa bao dung đức độ. Kế đó là ông bụt râu tóc bạc phơ, nét mặt rạng ngời như đang chờ cứu độ chúng sinh. Càng du ngoạn vào trong, không khí càng mát mẻ, lòng động tua tủa, nhấp nhô rừng bụt mọc. Ngạc nhiên thay, dưới lòng nền có đoạn như bãi san hô vươn trải, lớp nọ nối lớp kia, lại có đoạn giống những thửa ruộng bậc thang thành bờ, thành thửa tựa như rồng uốn lượn.

Vào đến ngăn trong, chúng tôi thêm phần choáng ngợp bởi ngăn này giống như cung phòng đặc sắc có hồ nước trong suốt, phơi bày mọi nhũ đá, măng đá ở tận đáy hồ. Từ dưới lòng nước trong suốt mọc lên đủ loại cột đá, măng đá, cao thấp trông chẳng khác nào đàn thiên nga đang đùa giỡn, chao liệng trên mặt hồ. Đi qua hồ nước bước sâu thêm, động còn có hồ nước nhỏ, mực nước chỉ cao chừng bắp chân song lại có vẻ đẹp riêng. Trên mặt hồ có nhũ đá với hình thù như những con rồng đang uốn mình phun nước.

Một chuyên gia nghiên cứu về động ở khu vực miền Bắc là ông Thái Duy Quế đã từng thốt lên rằng, tôi đã khảo sát rất nhiều nhưng quả thực động Nam Sơn có vẻ đẹp độc đáo. Nói về lý do tên gọi động Nam Sơn hay động Tớn, đồng chí Bùi Thanh Truyền, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã cho biết: Tớn theo tiếng người   Mường ở đây là rớn, một loài    cây gần gũi với đồng bào dân  tộc. Đã có ý tưởng đặt tên cho      động là động Sơn Thủy với ý nghĩa là hồ nước trong núi nhưng sau cùng, xã chọn tên gọi động Tớn hay còn gọi là động Nam Sơn. Đây cũng là cách gợi sự tò mò cho du khách.

Vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ hiếm hang động nào ở miền Bắc có thể sánh bì nhưng cho đến giờ động Nam Sơn vẫn đang “ngủ yên”. Đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã còn nhiều trăn trở: Để động Nam Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, xã mong muốn được đầu tư đường giao thông. Có nhiều đoàn khách trong, ngoài nước muốn khám phá danh thắng nhưng do việc đi lại hiểm trở, thêm vào đó, UBND huyện vẫn chưa giao và thành lập Bản quản lý nên chưa đi vào khai thác. Trong tương lai, khi này được “đánh thức” sẽ quảng bá cho du lịch của huyện nhiều hơn, đồng thời góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân bằng việc giải quyết công ăn việc làm, tăng cường tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc sản vùng miền như tỏi, rau su su, quýt bản địa.

 

                                                                                     Bùi Minh

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục