(HBĐT) - Lần đầu được đến với đất nước Lào tươi đẹp, thật có biết bao cảm nhận mới, thiêng liêng và đáng trân trọng. Truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, những nét tương đồng, các di tích lịch sử, danh thắng…đều tạo được dấu ấn đẹp đẽ trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng điều đáng nhớ đầu tiên và chắc chắn sẽ lưu mãi trong lòng chính là tình cảm chân thành của người dân các bộ tộc Lào, những người bạn mới. Nét hồn hậu, thân thiện, bình dị đã chiếm lĩnh được tình cảm của mỗi thành viên. Cao hơn, toát lên là sự thủy chung son sắt khi các bạn nhắc đến tình hữu nghị Việt - Lào từng được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước gây dựng, bồi đắp…

 

Nhiều cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Lào(KPL) từng đến công tác, học tập tại Việt Nam.

  Ảnh: Đoàn công tác Cục Báo chí (Bộ TT&TT) với các đồng nghiệp Lào tại trụ sở KPL ỏ thủ đô Viên-Chăn.

Gặp anh Khăm Sinh (56 tuổi) trong chiều muộn ở thành phố Luông – Pha - băng, khi đến điểm tập thể thao của một người bạn. Thấy có người Việt Nam đến chơi, cả nhóm dừng ngay ván bi-sắt đang hồi quyết liệt để cùng đến trò chuyện. Anh từng đến học tiếng Việt tại tỉnh Hà Bắc vào năm 1974 khi 14 tuổi và hiện đang là một phó ngành liên quan đến kinh tế - luật pháp ở tỉnh này. Gương mặt dãi dầu, từng trải nhưng lại toát lên ánh nhìn tinh nhanh, vui tươi khi nói đến Việt Nam. Anh vẫn nói được tiếng Việt nhưng chỉ thể hiện được các câu có 2-3 tiếng khi bộc lộ các cảm xúc đặc biệt như “nhớ quá”, “bạn tốt”, “cô giáo tốt”….Cho nên muốn nghe anh bộc lộ hết tâm tư của mình lại phải qua một “phiên dịch” là cựu sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội (hiện đang công tác tại Sở TT- VH & DL Luông - Pha băng). Anh Khăm Sinh chia sẻ: Sang Việt Nam lúc còn nhỏ, xa gia đình nhớ nhà và học tiếng Việt rất khó. Nhưng học sinh Lào chúng tôi được các thầy, cô và các bạn Việt Nam thương yêu, đùm bọc, dạy dỗ hết sức mình…Dù chỉ 6 tháng thôi nhưng những kỷ niệm đó đã đi theo tôi đến tận bây giờ”. Được biết, sau này, khi Việt Nam thống nhất, anh có từng đến thăm 1-2 thành phố lớn Việt Nam

Với anh Vi - Ra - phông (56 tuổi, cán bộ của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào) lại là một câu chuyện dài về Việt Nam. Hôm mới gặp, hỏi làm quen: Anh đã đến Việt Nam lần nào chưa? Anh hóm hỉnh cười tít mắt và trả lời: Mới khoảng 50 lần thôi. Thế là gặp đúng người, đúng việc rồi. Anh nói tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt và tiếng Lào. Chốt lại anh là người rất yêu và gắn bó với con người, đất nước nằm sát biển Đông sóng vỗ. Anh nói rằng: Từ những năm 70 của thế kỷ XX, tôi trước từng được Bộ Văn hóa Lào cử đến Việt Nam chọn những bộ phim hay nhất của Việt Nam mang về chiếu cho quân và nhân dân Lào thưởng thức”. Bộ phim “Hai bà mẹ” của Việt Nam (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, sản xuất năm 1975) khiến anh xúc động; mỗi lần xem đều rơi nước mắt vì cảm động bởi tình cảm những người mẹ Lào, mẹ Việt Nam cưu mang, đùm bọc nhau trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sau này, khi 2 Bộ chuyên ngành của Lào và Việt Nam tiếp tục có các chương trình hợp tác liên quan đến văn hóa, báo chí, du lịch anh lại có cơ hội dẫn đoàn ra, đoàn vào và kiêm cả phiên dịch, dẫn đoàn…

 

Anh từng lên Lạng Sơn và có những kỷ niệm đẹp với miền đất miền biên viễn Việt Nam, nhất là khi đứng dưới chân núi nơi nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá. Anh chia sẻ: Năm tới, anh phải cùng gia đình đi Sa Pa (Lào Cai) một chuyến vì đây là điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, anh nghe nhiều mà chưa được đến…Suốt những ngày đoàn nhà báo Việt Nam làm việc và tham quan tại Thủ đô Viêng - Chăn và Luông - Pha - băng, anh Vi-ra-phông chu đáo hết mình. Hôm cả đoàn đã vào hết phòng chờ ở sân bay Luông – Pha - băng để về Hà Nội, nhìn ra ngoài vẫn thấy anh tần ngần đứng nhìn theo…  

Thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông - Pha - băng đúng là có duyên với đoàn công tác lần này khi lại được gặp rất nhiều cán bộ, phóng viên Lào từng học cái nôi: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội. Anh Koong Khăm (Trưởng ban tiếng Việt) và Hum Pheng (Phó ban Thời sự) Đài Truyền hình quốc gia Lào, anh Sy Văn (Báo Pa-xa-xôn) bồi hồi nhớ những ngày tháng và những người bạn học khoa báo chí một thời. Biết là có người từ các cơ quan báo chí của Hòa Bình, anh nói: Khóa 11 (1992 - 1996), chúng tôi có nhiều anh bây giờ làm lãnh đạo Hội Nhà báo, lãnh đạo Báo đúng không? Hóa ra, dù bận công việc nhưng anh Koong Khăm vẫn dành thời gian tìm hiểu về các bạn Việt Nam. Được biết, sau khi trở về đất nước, anh đã có nhiều lần trở lại Hà Nội, trở lại Việt Nam (công việc làm báo, thăm gia đình vợ ở Hà Nội). Trong cái chung với đất nước Việt Nam, anh còn gắn bó với Việt Nam còn từ cái riêng trong cuộc sống gia đình vợ, con…Nghe anh nói về Hà Nội, mới thấy rằng, miền đất này đã trở thành kỷ niệm đặc biệt thời trai trẻ mà mỗi lần trở lại, anh lại thấy bồi hồi, thiêng liêng…  

Hôm đoàn các nhà báo Việt Nam làm việc tại Đài Truyền hình quốc gia Lào, anh đã trở thành cầu nối phiên dịch tiếng Việt - tiếng Lào cho 2 bên. Nếu chỉ nghe mà không nhìn người, không ai biết đấy là một cán bộ người Lào bởi khả năng diễn đạt, xử lý tình huống và tiếng Việt thực hành nhuần nhuyễn của anh…  

Mỗi dịp gặp nhau, nhóm bạn của anh A-Nu-Sắc (hiện công tác ở các tỉnh, thành phố Viêng - Chăn, Bo-Kẹo, Phong Sa Lỳ, Luông-Pha-băng) lại cùng nhau ôn lại quãng thời gian 5 năm học ở Việt Nam(học tiếng và học chuyên ngành xã hội học). Mỗi lần từ Việt Nam về phải vượt qua hàng nghìn cây số đường bộ. Khó khăn là vậy nhưng họ đã vượt qua vì  luôn có các bạn, các thầy ở Việt Nam đã động viên, chia sẻ. Anh A- Nu - Sắc kể rằng: Thích nhất là mỗi lần được thăm lăng Bác, vườn Bách thảo, hồ Tây, hồ Gươm. Sau này, khi về Lào công tác, anh đã có 5-7 chuyến đi làm việc tại các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Anh đang cố gắng sắp xếp việc nhà, việc cơ quan để có thể trở lại Việt Nam học cao học. Anh khẳng định: Nhất định phải thế.

Anh A Lôm Chăn hiện đang là phó ban quản lý tượng đài Luông Pha - băng là người cũng từng học kinh tế chính trị khóa 23 (2002-2007) tâm sự: “Xa Việt Nam gần 10 năm rồi nhưng em vẫn nhớ những buổi dạy tiếng Việt của cô Hiền, lần đến thăm nhà bạn Quang Đăng và thưởng thức dân ca quan họ (ở Bắc Giang) và những người bạn Việt đã chia sẻ cùng chúng em những năm học ở trường”.

 

Trong những người từng gặp, A Lôm Chăn gây ấn tượng bởi là người thuộc rất nhiều bài hát Việt Nam, nhất là các bài “nhạc đỏ” như Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội niềm tin và hy vọng… Đồng thời cũng có thể hát nhiều bài nhạc trẻ mà thanh niên Việt Nam yêu thích. Chứng kiến những câu chuyện trao đổi, 1 cán bộ phụ trách lĩnh vực tòa án vùng Bắc Lào không giấu nổi tâm trạng háo hức vì anh chưa có may mắn được đến Việt Nam lần nào, anh học đại học ở Viên Chăn. Qua người bạn A Nu Sắc, người bạn kia bộc bạch: Bạn của em hạnh phúc quá khi đã được học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Em chưa có may mắn đó. Em rất muốn đến thăm Việt Nam, các anh sẽ đón chúng em chứ ? Sao lại không. Không phải bây giờ mà đã hàng chục năm qua, tình bạn Việt-Lào anh em luôn được củng cố, thắt chặt hơn bao giờ hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu thơ rằng: Việt - Lào 2 nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long… Việt Nam và Lào chúng ta có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung trong sáng, tình đoàn kết đặc biệt. Những người bạn Lào, bạn Việt Nam đã và đang tiếp nối mối quan hệ đặc biệt đó.

 

                                                                   Bùi Huy 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục