(HBĐT) - Trong những ngày áp Tết bận rộn, hối hả, tôi được trò chuyện, chứng kiến những nghệ sĩ, ca sĩ Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã từng tham gia hải trình đến với Trường Sa thân yêu. Họ miệt mài luyện tập cho chương trình nghệ thuật đặc biệt biểu diễn trong đêm Giao thừa chào xuân 2017. Thời khắc chuẩn bị chuyển giao năm mới thường khiến cho tâm trạng mỗi người trộn rộn khó tả. Năm nay, cảm xúc của chúng tôi lại đặc biệt hơn bao giờ hết bởi trong năm, chúng tôi cùng là những “chiến sĩ” được tham gia hải trình đến với Trường Sa. Những kỷ niệm, khoảnh khắc đặc biệt, trân trọng cứ hiện hữu gần gũi, yêu thương về khúc hát Trường Sa mùa

 

Mùa xuân ở Trường Sa

 

Mùa xuân ở Trường Sa lạ lắm! Xuân chói chang nắng, gió, tiếng sóng biển. Xuân hiện hữu, thường trực, ấm áp nghĩa tình đất liền, biển đảo. ở Trường Sa quanh năm là mùa xuân bởi với chúng tôi - những người một lần được đến Trường Sa đều định nghĩa mùa xuân Trường Sa là vậy: Là xúc cảm khi tiếng còi tàu kéo vang nơi bến cảng báo hiệu hải trình nghĩa tình đưa những người con của các miền quê đến với nơi đầu sóng; là ánh bình minh rực rỡ trên ngàn trùng sóng nước. Là xúc cảm vỡ oà khi tàu cập đảo - Trường Sa uy nghi với cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Là gương mặt, dáng hình cương nghị, hiên ngang của những người lính đảo ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng. Xuân Trường Sa là lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, sức trẻ, sự tâm huyết của quân, dân trên đảo cùng đồng bào cả nước chung sức gìn giữ, kiến thiết quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sức sống ấy sẽ được nhân lên trường tồn cùng dân tộc. Xuân Trường Sa là khi chúng tôi được cùng quân và dân quây quần bên nồi bánh chưng, say xưa hát ca ngợi biển đảo, quê hương, gắn kết mọi người!

 

 

 Các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa luôn lạc quan, yêu đời với món ăn tinh thần âm nhạc.

 

Khúc hát Xuân Trường Sa

 

 “âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc”, “âm nhạc luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người”… Chúng tôi đều đã đọc và nghe đâu đó nói đến giá trị của âm nhạc nhưng phải khi trực tiếp bước chân lên tàu tham gia hải trình đến với Trường Sa chúng tôi mới thấu hiểu trọn vẹn sức mạnh của âm nhạc. Mà có lẽ bởi Trường Sa - nguồn cảm hứng đặc biệt tạo nên sức mạnh cho âm nhạc, cho nghệ sĩ và những người dân, chiến sĩ hát mãi bản tình ca Trường Sa bất tận.

 

Đồng chí Đỗ Huy Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, một lãnh đạo trẻ tuổi, năng động, nhiệt huyết đã tạo cho đoàn công tác chúng tôi ấn tượng đặc biệt. Sau những giờ làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, anh hát cùng cán bộ, chiến sĩ trong các đêm giao lưu văn nghệ sôi nổi. Anh Huy cho biết: Bất kể ngày Tết, lễ hay ngày thường, phần lớn quân, dân nơi đầu sóng chỉ nghe những ca khúc viết về biển, đảo, quê hương, đất nước. Ai mà nghe nhạc thị trường, nhạc trẻ thì chắc chỉ có những tân binh. Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó với đảo, các tân binh sẽ yêu thích những bài hát về biển, đảo... bởi những ca khúc về biển, đảo, quê hương, đất nước mới đem lại cảm xúc thiêng liêng, tự hào và trân trọng!

 

Trung bình mỗi năm có khoảng 12-13 đợt tàu ra Trường Sa, mỗi đợt khoảng 3-4 tàu với hải trình kéo dài từ 15 ngày đến 1 tháng. Ngay từ lúc tập trung quân số ở cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) cho đến khi tàu rú còi rời cảng, sức sống của âm nhạc như được đánh thức, lan tỏa khắp nơi. Trong suốt hải trình, vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, nhà tàu đều “phát” nhạc qua loa phóng thanh, mỗi lần khoảng 30 phút. Còn những người lính, hầu như trong ba lô của họ, ai cũng có một chiếc USB chứa đầy nhạc, loa mini chạy pin để nghe nhạc.

 

              

Xuân Trường Sa là dáng hình chiến sĩ hiên ngang canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương. ảnh: Chiến sĩ bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn.

 

Tàu HQ 561 hôm đưa chúng tôi đến Trường Sa mang theo hơn 100 tấn quà Tết cùng 120 người, trong đó có 33 nhà báo. Suốt hải trình kéo dài 22 ngày, thực sự chúng tôi đã không thể thiếu món ăn tinh thần đặc biệt này. Nghe nhạc qua máy tính, điện thoại, có lúc chúng tôi kéo nhau ra boong tàu hát cùng chiến sĩ. Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào, tàu vươn khơi đến đâu “chở âm nhạc” đi đến đó. Đặc biệt, rộn ràng, xúc động nhất là khi tàu chuẩn bị cập cầu cảng đảo hay rời đảo thì tất cả những người có mặt trên tàu đều túa ra khắp mặt boong. Rất tự nhiên, tiếng hát lại cất lên, át cả tiếng sóng...

 

Chia sẻ cảm xúc khi được đến Trường Sa với nhiệm vụ cao cả là thăm, biểu diễn tuyên truyền, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 (theo chương trình công tác của Cục Chính trị Hải quân), thành viên Bạch Công Thị, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân gian các dân tộc tỉnh Hoà Bình nhớ từng khoảnh khắc, hình ảnh, tình cảm đối với hành trình âm nhạc ý nghĩa đó. Tham gia chương trình công tác của Cục Chính trị Hải quân, đoàn tuyên truyền văn nghệ tỉnh Hoà Bình có 11 nghệ sĩ. ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH -TT&DL làm trưởng đoàn. Thành viên Bạch Công Thị cho biết: Đây là chương trình công tác đặc biệt và có ý nghĩa lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật. Từ khi nhận nhiệm vụ, chuẩn bị các chương trình, tiết mục để đem đi biểu diễn, các nghệ sĩ, ca sĩ trong đoàn đều háo hức, phấn khởi và cảm thấy vinh dự, tự hào. Vượt qua muôn trùng sóng biển, các nghệ sĩ, diễn viên nhiều hôm say sóng mềm người nhưng khi được xuống đảo, đến giờ biểu diễn, tất cả lại như có sức mạnh lạ thường để hát say xưa và rực rỡ, toả sáng trên sân khấu. Trong 10 ngày tham gia hải trình, Đoàn Nghệ thuật Hoà Bình đã biểu diễn, giao lưu trên tàu nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam và tại các đảo: Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh, Trường Sa Lớn. Với các tiết mục đặc sắc và đa dạng về thể loại mang đậm chất văn hoá dân gian các dân tộc tỉnh Hoà Bình, trong đó tiết mục hoà tấu chiêng Mường để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và chiến sĩ Trường Sa. Không chỉ biểu diễn các tiết mục được chuẩn bị chu đáo, tại các chương trình giao lưu, biểu diễn, các nghệ sĩ như thăng hoa khi được cùng các chiến sĩ hát những ca khúc về biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước. Với các nghệ sĩ, thành công của hải trình công tác của đoàn không chỉ là hai nghệ sĩ đoạt giải và Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh ta là đoàn duy nhất được nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân. Những bông hoa từ vỏ sò, vỏ ốc, những cái bắt tay thật chặt, những tràng pháo tay không ngớt, những phút giây vừa gặp gỡ đã như quen lắm, thân thương, gần gũi… Đó mới là thành công, là những món quà ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của các nghệ sĩ tham gia hải trình.

 

Chào đón năm mới Đinh Dậu, trong những chương trình nghệ thuật chào xuân 2017, các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình “giữ lửa” và mang cảm xúc từ Trường Sa để biểu diễn, để hát vang nhưng khúc ca về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo, ngợi ca những người lính trung kiên nơi tuyến đầu Tổ quốc… Và không chỉ các nghệ sĩ, hàng triệu triệu con tim người dân đất Việt luôn hát vang khúc hát Trường Sa yêu thương!

 

                                                                   Hồng Duyên

 

 

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục