(HBĐT) - Liên bang Xô - viết trước đây hay nước Nga ngày nay có một vị trí đặc biệt trong tình cảm phần lớn người Việt Nam. Với tôi cũng vậy. Bởi tôi đã từng du học ở Liên- xô, nơi mãi ghi dấu ấn kỷ niệm thời trai trẻ. Thật may mắn, vào cuối tháng 8/2016, sau 30 năm, tôi mới có dịp cùng bạn bè trở lại thăm nước Nga để trải nghiệm và chiêm ngưỡng.

 

Nước Nga vẫn là cường quốc, Pu tin là Thánh?

 

Thời còn là du học sinh, tôi được chứng kiến 4 đời Tổng Bí thư, từ Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko đến vị Tổng Bí thư cuối cùng và là Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev. Liên bang Xô viết gồm 15 nước Cộng hòa, diện tích 22,4 triệu km2, dân số 293 triệu người, GDP năm 1990 đạt 2.660 tỷ USD (hạng 2 thế giới) khi đó được coi là cường quốc, là thành trì của phe XHCN và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Tôi đã từng được đến nhiều nước cộng hòa thuộc Liên xô, được chứng kiến những thành tựu vĩ đại mà người dân Xô viết đã làm được, khát khao chinh phục vũ trụ, cùng lý tưởng xây dựng chủ nghĩa Cộng sản hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại...

 

                            Toàn cảnh Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow.

 

Trở lại nước Nga lần này, dù chỉ có hơn một tuần, được đi thăm hai thành phố là St. Peterburg và Moscow nhưng cũng đủ để gợi lại trong tôi những ký ức của thời trai trẻ cùng những khát khao, dại khờ. Điều dễ nhận thấy là nước Nga ngày nay dưới thời của Tổng thống Pu tin đã có nhiều thay đổi so với thời Xô viết. Kế thừa ba thành tựu trụ cột thời Xô viết là công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ nguyên tử, sản xuất và xuất khẩu vũ khí cùng với xương sống của nền kinh tế là dầu mỏ - khí đốt, Pu tin muốn xây dựng lại vị thế của nước Nga như một cường quốc. Nhưng có lẽ để làm được vậy, Pu tin và nước Nga phải vượt qua nhiều thách thức. Những thói cũ vẫn còn đâu đó hiển hiện. Đó là tệ quan liêu, bảo thủ trì trệ và tham nhũng còn khá phổ biến. Thủ tục nhập cảnh ở sân bay là một ví dụ. Đoàn chúng tôi phải mất vài tiếng mới xong thủ tục ở sân bay quốc tế Moscow. Lý do là phòng ngừa khủng bố nên các nhân viên sân bay soi rất kỹ giấy tờ, hành lý. Nhưng có lẽ là do quy trình và công nghệ lạc hậu, hơn nữa, người Việt có quá nhiều tên, họ trùng nhau. Tàu điện ngầm, tàu điện, xe buýt điện bánh hơi vẫn gần giống như thời Xô viết: leng keng, lẽo đẽo, cũ kỹ nhưng ít hành khách hơn. Điều này thật thú vị vì gợi nhớ lại thời sinh viên Việt Nam hay trốn vé dù giá cực rẻ. Nhiều công trình một thời là biểu tượng của Liên xô giờ không còn hoạt động như Trung tâm triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân, tháp truyền hình Ostankino... Một số hình ảnh dễ thấy là còn có những người hát rong, buôn bán vặt trong cảnh mưu sinh vất vả; vẫn có những gã say rượu vạ vật ngủ trên ghế đá...

 

Nước Nga thời Pu tin không hẳn là vậy, dù bị châu âu và các cường quốc cấm vận, thù địch sau những hiềm khích với quốc gia láng giềng một thời là anh em Ucraina, sát nhập vùng Crưm, trước đó là chiến tranh với Gruzia, xã hội Nga vẫn ổn định thanh bình. Các siêu thị vẫn nhộn nhịp, đầy ắp hàng hóa. Người Nga vẫn giữ thói quen đọc sách, báo khi ngồi tàu điện hay ngồi trên ghế đá công viên. Dân chúng giờ đi toàn xe sang, hiếm khi nhìn thấy các dòng xe Vonga, Moskovic cũ kỹ một thời. Người dân Nga vẫn vậy. Với bạn bè, khách quý thì vô cùng đôn hậu, thân thiện. Với thế giới họ cho rằng Liên bang Nga là cường quốc như một điều đương nhiên. Tôi cũng nghĩ vậy. Bởi thế giới có gì, làm được gì thì nước Nga cũng có và làm được. Còn có những thứ người Nga làm được mà thế giới không làm được.

 

Tổng thống Pu tin là người đã làm hồi sinh nước Nga phồn vinh, mạnh mẽ, khác xa với thời kỳ hỗn loạn của Tổng thống Ensin. Truyền thông thế giới đã 4 năm liền bình chọn ông là người đàn ông quyền lực nhất thế giới và ông là người giàu có, tài sản ước khoảng 40 tỷ USD. Tạp chí Forbes năm 2016 đã bình luận: “Người được bình chọn là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới 4 năm liên tiếp, Tổng thống Nga, đã lan tỏa sự ảnh hưởng của nước Nga đến gần như mọi ngóc ngách của thế giới, từ chính nước Nga, đến Syria và đến bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Pu tin tiếp tục có được những gì ông ấy muốn”. ông được thần dân ngưỡng mộ như một vị thánh bởi tính cách quyết đoán, mạnh mẽ và mưu lược. Các chính trị gia phương Tây luôn phải cảnh giác với ông và coi ông như kẻ độc tài, hay đi bắt nạt kẻ yếu, thường sai hẹn tại các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo thế giới... Dân nhậu thì chế ra dòng rượu vốtka Pu tin ngon nổi tiếng. Người sành điệu thì thích đeo đồng hồ Tổng thống Pu tin do hãng Ponzot sản xuất. Kem Pu tin ngon đến nỗi người giàu Trung Quốc, Triều Tiên nhập khẩu về để ăn cho sang chảnh. Các quý bà thích lấy tên Pu tin để đặt tên cho thú cưng của mình...

 

Ngày nay, quốc kỳ Nga đã thay đổi lại như thời Sa Hoàng, quốc huy lấy biểu tượng là con đại bàng hai đầu ngoảnh về hai châu lục âu, á lãnh thổ Nga. Nhưng tổng thống Pu tin đã cho khôi phục lại quốc ca thời Xô viết. Nhiều nơi, tượng Lê nin đã được dựng lại, quốc huy với biểu tượng búa liềm thời Cộng sản vẫn còn đó trang trọng trên tòa nhà công sở. Tôi cũng ngưỡng mộ ông không chỉ vì ông đã làm Tổng thống 3 nhiệm kỳ và một nhiệm kỳ làm Thủ tướng dù xuất thân từ một gia đình nông dân, còn ông trước đó chỉ là nhân viên KGB bình thường. Điều tôi ngưỡng mộ hơn cả là dù hiện nay nước Nga do ông làm Tổng thống phát triển theo chủ nghĩa tư bản nhưng ông không hề phủ nhận lý tưởng Cộng sản thời Xô viết. Hơn thế, trong lần phát biểu tại một diễn đàn vào tháng 1/2016, ông vẫn tự coi mình như người Cộng sản, ông không vứt thẻ Đảng của mình, không đốt nó đi và vẫn giữ lại tấm thẻ đảng viên của mình ở đâu đó.

 

Văn hóa Nga - một phần tinh hoa của nhân loại

 

Chúng tôi đến thành phố St Peterbuarg vào dịp chớm thu. Thành phố nổi tiếng với những đêm trắng vẫn vậy, cổ kính, tráng lệ. Nhiều cung điện, lâu đài, nhà thờ nội thất và vòm mái như củ hành dát vàng lấp lánh. Nhiều tượng đài, cây cầu, đài phun nước được coi là kiệt tác nghệ thuật, thấp thoáng dưới tán thu vàng. Nhà văn Nga Poutopski đã từng viết: Nếu lấy hết đồng và vàng trên thế giới để chế thành những chiếc lá cực kỳ tinh sảo thì những chiếc lá đó cũng chỉ là một phần bộ quần áo mùa thu đang trải dài trên các sườn núi. Nhưng chiếc lá đó cũng vô cùng thô kệch so với những chiếc lá thật, nhất là lá Liễu hoàn diệp. Và một tiếng chim hót thôi cũng làm cho những chiếc lá vàng run rẩy... Với tôi, mùa thu vàng ở nước Nga đẹp hơn rất nhiều. Những gì mà Poutopski đã vẽ lên trong chuyện Lẵng quả thông, qua câu chuyện cảm động giữa nhạc sỹ già Grigơ và cô bé Đanhi Pedecxen con gái người gác rừng trong rừng thu ấy; hay những bản nhạc của Traicopski và cả kiệt tác nghệ thuật Mùa thu vàng của danh họa Levitan cũng không sánh được.

 

Ở St Peterbuarg, chúng tôi được thăm các danh thắng nổi tiếng: bảo tàng Ermitaz thành phố Puskin, cung điện Mùa hè, Cung điện Ekaterina có phông hổ phách nổi tiếng; nhà thờ thánh St Isaac, học viện Tài chính nơi được coi là kho tiền vàng, châu báu từ thời Peter Đại đế... Được thưởng thức ẩm thực Nga tại nhà hàng “Một nghìn lẻ một đêm” trên phố Triệu phú. Chúng tôi không quên được buổi tối thưởng thức rượu Beluga hương vị cá hồi với thịt cừu nướng tại quán ăn ngầm chật chội trong lòng phố cổ. Anh Mai Vũ dù được học ở Nga đã lâu nhưng giờ bỗng nói tiếng Nga như gió. Anh Văn Quang lại trổ tài bằng những bài hát Nga học thời phổ thông rất tâm trạng. Cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp Natasa luôn tận tình giới thiệu về những di sản, danh thắng, những tinh hoa của cố đô, về những năm tháng bi hùng khi thành phố anh hùng này trong vòng vây phát xít Đức  gần 900 ngày đêm. Natasa còn hát tặng chúng tôi những bản tình ca nổi tiếng như Đôi Bờ, Cây Thùy Dương, Chiều Moscow... Người Nga có ý thức cao về văn hóa, biết giữ gìn và trân trọng lịch sử. Đó là điều mà tôi cảm nhận được.

 

Đoàn công tác của tỉnh thăm Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow.

 

Khác với St Peterbuarg, Moscow là thành phố vô cùng sôi động. Kẹt xe, tắc đường luôn là nỗi sợ của cánh lái xe. Bác tài già chở đoàn chúng tôi nói: “Người Moscow thường không trả lời mấy tiếng nữa tới nơi mà là khi nào đến thì đến”. Bù lại, ở thành phố thủ đô này, chúng tôi được thăm, những địa danh nổi tiếng như Quảng trường Đỏ, Điện Kremli; được tản bộ mỗi sáng dưới tán Liễu, Sồi, Bạch Dương... trong rừng thu Nga trong lành, bất tận.  Anh Thao hướng dẫn viên của đoàn còn         cho chúng tôi được trải nghiệm chuyến du lịch bằng tàu điện ngầm qua các ga nổi tiếng, đi du thuyền, thưởng thức bia Nga trên sông Moscow ngắm phố cổ trong cơn dông dữ dội...

 

Chúng tôi cũng rất xúc động khi được đến thăm công viên Hồ Chí Minh. Đây là công viên rất đẹp với nhiều loại hoa quý khoe sắc. Người Nga luôn trân trọng coi Bác Hồ như một vĩ nhân, lãnh tụ cách mạng.  Tượng đài Hồ Chí Minh trong công viên luôn có rất nhiều hoa hồng, Trupan, cẩm chướng của người dân ngưỡng mộ viếng đặt. Quảng trường Đỏ luôn đông nghịt khách. Trong số đó vẫn có những dòng người nối dài, lặng lẽ thuộc giai cấp vô sản từ khắp năm châu xếp hàng kính cẩn vào viếng Lăng Lê nin lãnh tụ vô sản thế giới.

 

Tình yêu với nước Nga dạt dào trong tôi

 

Trong thông điệp Liên bang năm nay, rất mừng là Tổng thống Pu tin tuyên bố: Nước Nga đã vượt lên thử thách. Sự cấm vận, thù địch của phương Tây không làm nước Nga suy sụp, kinh tế đã tăng trưởng trở lại. Cuộc chiến chống khủng bố không thể thiếu nước Nga. Đã có nhiều nước trở lại quan hệ với nước Nga để tìm kiếm một chỗ dựa tin cậy.

 

Với tôi, nước Nga luôn cháy lên một tình yêu, sự ngưỡng mộ. Tôi vẫn luôn nhớ về những người thầy - những vị giáo sư khả kính đã truyền dạy cho tôi kiến thức ngày nào. Nhớ về những lần được tham gia đội tình nguyện đi lao động Cộng sản hái nho, táo, lê trên những vùng thảo nguyên cùng với sinh viên Nga trẻ trung, sôi động và xinh đẹp. Thời công tác ở công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, tôi cũng nhiều năm cùng các chuyên gia Liên xô lăn lộn trên công trường. Họ đã không tiếc mồ hôi, có người còn hy sinh cả mạng sống để giúp Việt Nam xây dựng nhà máy thủy điện một thời lớn nhất Đông Nam á, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

 

Trong chuyến thăm nước Nga lần này, thành viên trong đoàn chúng tôi không quên mua những món quà lưu niệm xinh xắn về tặng người thân, bạn bè. Đặc biệt là không quên mua vài chai rượu Vốt ka Nga, chuẩn bị vài câu chuyện tiếu lâm Nga về chung vui với bạn bè, đồng nghiệp trong dịp đón Tết Đinh Dậu này.

                                                      Ghi chép của Thùy An

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục