(HBĐT) - Dòng sông Đà ngày đêm miệt mài chảy nối dài quá khứ với hiện tại. Sông Đà xưa gập ghềnh trắc trở, chờ trực thách thức gan dạ của con người muốn chinh phục và là niềm bí ẩn cho biết bao người ước mong khám phá. Nay, sông Đà đã ở trong tâm thế mới khi thượng nguồn là hồ nước rộng mênh mang, luôn sẵn lòng chờ đón, níu giữ bước chân người để tận hưởng những phút giây thư thái, lắng đọng, xuyến xao.

 

 Cảng Bích Hạ sáng sớm còn sương bảng lảng, thuyền nhẹ nhàng lướt sóng ngược thượng nguồn tiến về lòng hồ rộng mênh mang. Sóng nước lăn tăn. ông Nhàn gần cả đời gắn bó với dòng sông Đà, sau nhiều năm góp nhặt cũng đã có con thuyền mới để chở khách thăm quan lòng hồ. Thuyền sạch bong, được trang bị cả karaoke, phòng ngủ chăn ấm, đệm êm. Để phục vụ chuyến đi hồ, theo yêu cầu, nhà thuyền chuẩn bị đầy  đủ thực phẩm để có thể lênh đênh nhiều ngày.   

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình.

Ông Nhàn bộc bạch: Không còn khó khăn như những năm tháng trước đây, lòng hồ sông Đà có sức sống hơn nhiều. Đến bất cứ xóm, bản ven hồ đều có thể mua được thức ăn là các sản vật địa phương, từ nải chuối, măng rừng, đu đủ, rau thơm, muối, mắm. Muốn ăn cá sông Đà rất sẵn, chỉ cần a lô báo trước cho người dân hoặc đến các bè nuôi cá lồng rải rác trên lòng hồ. Gà, lợn cũng toàn loại ngon và sạch. Phần còn lại là chế biến. Hầu hết chủ thuyền và người dân đều là những "đầu bếp” có thể chế biến những món ăn địa phương, các  món ăn đặc sắc của đồng bào Mường mà chỉ nghe thôi cũng đã tốn thật nhiều rượu núi. Cá nướng, cá nấu măng chua, lòng cá chấm đu đủ, lợn quay, gà luộc, cơm lam, muối vừng, hạt dổi, rau tầm bóp… chẳng thiếu, thứ gì cũng ngon, cũng sạch.

 Mặt hồ buổi sớm khá phẳng lặng, gió lùa, sóng nước lăn tăn. Càng tiến sâu vào lòng hồ, gió càng lộng, không gian mở ra. Hồ rộng quá. Mây trắng, trên nền trời xanh bất tận, hòa cùng màu xanh nước biếc của hồ và màu xanh của núi, đẹp mê hồn. Núi tiếp núi giờ thành những hòn đảo xếp lô nhô trước mũi tàu như chốn bồng lai vậy. Hồ đẹp thuần khiết. Thiên nhiên mây nước hoang sơ mỗi nơi mỗi vẻ. Qua xóm Bích - Trụ, xã Thái Thịnh đến Cửa Chương thuộc địa phận xã Hiền Lương (Đà Bắc), lòng hồ mở ra rộng lớn vô cùng.

 

Đi được khoảng 30 phút, thuyền dừng, chúng tôi cập thuyền bên núi, lội bộ thăm đảo Sung - được coi là một trong những vị trí đẹp nhất của hồ. Đảo rộng hơn 150 ha, trông như lớp lớp khối đá vôi chỗ trắng, chỗ xanh, còn nhiều cây cổ thụ chĩa thẳng lên trời xanh. Vượt qua dãy núi đá vôi, tiến vào bên trong hoàn toàn khác hẳn. Cả một vùng thung lũng rộng lớn, gần như bằng phẳng. Những trảng hoa dại mà người ta vẫn gọi là hoa bông hôi tím biếc tạo thành thảm hoa kéo dài ngút mắt có thể mê hoặc, say đắm lòng những người khó tính nhất. Cách đảo Sung mấy chục phút thuyền là đến vịnh Ngòi rộng cả trăm hec ta - vịnh đẹp nhất hồ Hòa Bình. Vịnh như một thủ phủ riêng biệt, sóng hồ thật nhẹ. Xóm Ngòi vẫn nguyên sơ như từ xưa vẫn vậy. Người dân còn nghèo khó nhưng thân thiện và dễ mến.

 

Hồ Hoa cũng thuộc xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) sương khói bảng lảng, nước xanh thẳm, không đo được đáy. Người ta bảo hồ còn nhiều loại cá quý, cá trắm, mè, măng có con nặng hàng chục ký và còn rất nhiều loại thủy sản tiến vua như dầm xanh, anh vũ, cá bỗng, chiên…

 

Phía trên, hồ là hang Khỉ. Trước đây núi này nhiều khỉ lắm trêu đùa nhau choe choét cả ngày.  Bây giờ vẫn còn nhưng chỉ nghe được tiếng khỉ vọng ra từ trong núi cùng, rừng thẳm. 

 

Khu vực hồ còn rất nhiều xóm, bản lưu giữ những nét văn hóa bản địa đã trở thành điểm du lịch cộng đồng như xóm Phủ (Toàn Sơn); xóm Mơ, Ké (Hiền Lương); xóm Đá Bia (Tiền Phong); suối Lốn (Tân Mai), thác Mu, Gò Lào (Phúc Sạn) … Các xóm, bản  ven hồ của  các xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng (Đà Bắc) bộn bề khó khăn, giao thông cách trở. Thế nhưng cảm nhận từ khe lạch lại đẹp mê hồn. Càng đi sâu vào các  lạch nhỏ nước trong xanh, cá nhiều vô kể. Suối róc rách ngày đêm, nhiều con suối rơi từ trên trời, trên núi xuống tạo thành thác nước trắng ngần, tung bọt trắng xóa. Các lạch nhỏ ven hồ của xã Trung Hòa (Tân Lạc), xóm Ké (Hiền Lương), cửa Nánh (Suối Nánh)... vẫn còn nhiều cá.

 

Ông Nhàn bộc bạch: Mùa này là mùa du lịch nên tôi đi chở khách. Sang mùa nước hoa mơ tôi lại đi thuyền đánh cá. Mùa cá trứng, cá đẻ, mùa "kiếm” cả của dân cầu và dân thuyền. Cá trạch, cá ngạnh nhiều vô kể. Chỉ thả lưới ngang lạch bắt được hàng chục ký, có khi cả tạ. Người thuyền đánh cá để bán. ăn cá trạch kho, cá ngạnh nướng, ngạnh nấu chuối ở hồ là bình thường chứ dưới xuôi phải tiền triệu.

 

Càng đi lên phía thượng nguồn, nước càng chảy xiết. Dòng sông như thắt lại, điều khiển thuyền phải rất kinh nghiệm. Khu vực hồ trông cứ tưởng bình yên song cũng phải thận trọng. Nhất là từ ngã ba khu vực xóm Suối Lốn, Tân Mai, Phúc Sạn trở ngược ra hồ, gió lớn, nhiều khi có cả giông tố. Phải thật tinh ý và kinh nghiệm điều khiển và neo đậu thuyền nếu không bị giông lốc, thuyền lật úp như chơi.

 

Vượt qua cửa Nánh, chúng tôi đến thành kính thắp hương đền Hang Miếng, tưởng nhớ về bà Đinh Thị Vân, người Mường đã vận động nhân dân cứu giúp đoàn quân vua Lê Lợi ở dòng sông Đà năm nào. Đền Hang Miếng nằm bên dòng sông Đà thơ mộng, thuộc địa phận xã Quang Minh, huyện Vân Hồ (Sơn La), cách cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) hơn 50 km đường thủy. Tương truyền đền linh lắm, du khách thưởng ngoạn hồ hòa Bình có thời gian nhất thiết phải đến đền Hang Miếng cầu an, cầu tự, cầu lộc.

 

                                                            Phóng sự của Lê Chung

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục