(HBĐT) - Như một sự tình cờ, khi cùng anh Trung Hải ngồi uống cà phê tại một nhà hàng phía dưới chân đập Thủy điện Hòa Bình. âm thanh của một bài hát cũ bỗng vang lên da diết: "Một đêm trăng lên thấp thoáng/ Tôi nghe tiếng Balalaica/ Lặng nghe khúc hát Von-ga/ Bồng bềnh trên sóng nước sông Đà…”. Bài hát "Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà” (lời thơ Quang Huy, nhạc An Thuyên) từng nghe bao lần, lần nào cũng gợi nhớ một thời sôi động trên công trình thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…


Đài tưởng niệm ghi công những người con Việt Nam - Liên Xô đã hy sinh cho công trình thủy điện Hòa Bình.

Thời đó, thị xã Hòa Bình bé nhỏ, khiêm nhường bên dòng sông Đà cuộn sóng. "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, bước chân, bóng dáng của bao chuyên gia Nga, Việt Nam đã âm thầm thăm dò, khảo sát, tìm hiểu khả năng xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà. Biết bao tâm huyết của bao người được dồn tụ, để ngày 6/11/1979, công trình thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công và ngày 20/12/ 1994, công trình được khánh thành trong niềm vui, ánh mắt, nụ cười và cả nước mắt hạnh phúc của bao thế hệ công nhân, chuyên gia, người dân 2 nước Việt Nam - Liên Xô.

Công trình thủy điện Hòa Bình thực sự là biểu tượng sinh động nhất cho tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Tình hữu nghị đẹp đẽ này từng được gây dựng, bồi đắp suốt hơn 100 năm chiều dài cách mạng Việt Nam, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Cách mạng tháng Mười Nga.

15 năm xây dựng Thủy điện Hòa Bình, không trang sách nào có thể kể hết, tả hết công sức của các thế hệ chuyên gia, công nhân Việt - Xô tại công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam á thời đó. Một con số thực sự gây ấn tượng: có 4 vạn công nhân Việt Nam và 2,5 nghìn lượt chuyên gia Liên Xô đã đồng cam, cộng khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để có ngày công trình đi vào vận hành. Hạnh phúc vô bờ và đất nước Việt Nam vô cùng biết ơn trước sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả, thiết thực của những người bạn Liên Xô một thời.

Với anh Hải, đã có 17 năm công tác ở Thủy điện Thác Bà và có cơ duyên được làm việc với các chuyên gia Nga từ dạo đó. Nhưng từ năm 1987, khi chuyển về công trình Thủy điện Hòa Bình, anh có nhiều dịp hơn khi được làm việc, cộng tác với các kỹ sư, chuyên gia Nga. Mỗi gương mặt, giọng nói, việc làm của các chuyên gia những năm tháng vất vả và vinh quang đó vẫn là hành trang cho anh trong nhiều năm tháng về sau. Anh rất nhớ những lần cùng bạn bè, đồng nghiệp được mời vào khu chuyện gia chơi bóng bàn, bóng chuyền cùng các chuyên gia Liên Xô; được các bạn mời đến chơi trong những ngày lễ, kỷ niệm 1-5, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười… Thật nhớ những bài hát Nga một thời và món canh súp bắp cải mà các bạn chiêu đãi.

Với anh Nguyễn Duy Chinh, người có 39 năm làm công tác phiên dịch tiếng Nga và liên quan đến tiếng Nga trên công trình này thì có cả một trời kỷ niệm. Một chiều đầu năm, ngồi trong căn nhà hướng mặt ra dòng sông Đà ở tổ 17, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), nhìn anh ngắm, nâng niu những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng các chuyên gia Liên Xô hay giới thiệu những cuốn từ điển Nga - Việt, những cuốn sách bằng tiếng Nga với sự trân trọng, càng thấy được tình cảm anh dành cho các bạn, cho nước Nga lớn nhường nào. Đến giờ, khi đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn luôn chìm đắm trong tiếng Nga, văn hóa - nghệ thuật Nga khi lưu giữ, sưu tầm, đọc, nghe, thưởng thức các bản nhạc cổ điển Nga, tác phẩm văn học Nga bằng tiếng Nga.

Anh Chinh chia sẻ: "Tốt nghiệp khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội từ tháng 10/1977, tôi đã có cơ hội làm việc, cộng tác với các chuyên gia Liên Xô (cũ) trên công trường thủy điện Hòa Bình. Chỉ dám nói với tư cách cá nhân thôi, nhưng các chuyên gia Liên Xô đã để lại trong tôi nhiều tình cảm vô cùng tốt đẹp. Họ nghiêm túc, nhiệt tình và hết mình trong công việc, nhưng trong cuộc sống đời thường lại rất chân tình, thân thiện, cởi mở, chu đáo. Là cán bộ phiên dịch, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều chuyên gia ở các chuyên ngành, chuyên môn khác nhau… Ai cũng để lại trong tôi nhiều điều thật đáng nhớ. Nào là các chuyên gia khảo sát (địa chất, thủy văn) rồi các chuyên gia thiết kế các công trình phụ trợ, chuyên gia lắp máy, vận hành… Không thể quên gương mặt, thái độ và phong cách làm việc khoa học, hết mình của các chuyên gia tầm cỡ thế giới như: Pavel - Timo-phevich Bô-ga chen-cô, Go-du-nov Bo-ric I-vano-vích, Sklia-ren-cô... Chuyên gia khảo sát đầu tiên trên dòng sông Đà như Sur-nhin, Su-kha-nốp, chuyên viên phụ trách thiết kế Ba-chi-lô hay chuyên gia cuối cùng rời làng chuyên gia sông Đà về nước, ông Túc-chin-sky… Không thể kể hết bao lần cùng họ làm ca đêm trong các chiến dịch cao điểm mở hầm, ngăn sông hay các lần giao lưu, liên hoan văn nghệ, liên hoan phim, kể cả 3 lần được đến Liên Xô công tác. Mỗi ký ức đều khiến tôi trân trọng, thấm thía…



Anh Nguyễn Duy Chinh, người phiên dịch tiếng Nga cùng các bạn Nga từng công tác ở công trình Thủy điện Hòa Bình trong 1 lần trở lại vùng lòng hồ sông Đà

Còn với chị Liêu Hải, người phụ nữ nhỏ nhắn hiện đang sinh sống ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), những năm tháng được cùng các chuyên gia Nga cống hiến sức mình cho dòng điện Tổ quốc cũng tràn đầy hoài niệm đẹp. Chị chia sẻ: Đến giờ, tôi vẫn lưu giữ khá nhiều bức ảnh chụp chung với các bạn Nga. Thời đó, chúng tôi cảm nhận được tình cảm chí tình, ấm áp của các bạn đối với chúng tôi. Chị vẫn lưu giữ bức ảnh lưu niệm do một phóng viên Nga cùng sống ở tòa nhà tặng trước khi anh về nước với dòng chữ thật tình cảm, lưu luyến bằng tiếng Nga: "Thân tặng kỷ niệm thân thương về những năm tháng cùng làm việc trên công trường thủy điện Hòa Bình, cho người bạn gái tên Hải của tôi”, ký tên Phê- đô- rốp.

"Tổ quốc ghi công các bạn”, dòng chữ tại Đài tưởng niệm như nhắc nhở, khơi gợi cho mỗi người khi đến dâng hương hoa tại đây. Trong không gian lắng đọng này, bên cạnh những cái tên chuyên gia, công nhân Việt Nam đã vĩnh viễn ngã xuống trên công trình thế kỷ này, còn có tên các chuyên gia, công nhân Liên Xô (cũ) đã hy sinh vì dòng điện đất Việt. Họ đến từ các nước thuộc Liên Xô (cũ) và đã ngã xuống vì sự thành công của công trình thế kỷ Việt Nam. Điều đó, thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Vâng, thoảng trong gió, trong sóng sông Đà dào dạt, vang lên ý thơ của một thi sĩ Nga nào đó về những đóa hoa bất tử đã ngã xuống tại Công trình thủy điện Hòa Bình "Không ai bị quên lãng… Không điều gì bị lãng quên”.

Bùi Huy


Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục