(HBĐT) -Một ngày tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), vùng đất huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là lần thứ 2 đến đây nhưng cảm xúc trong tôi vẫn như ngày đầu khi được nghe, được cảm nhận câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong.

 


Đoàn công tác cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình dâng hương tại phần mộ các nữ thanh niên xung phong hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Đó là thời điểm địch đánh phá ác liệt khu vực Ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch giao thông nối liền Bắc - Nam và tuyến đường 15A. Trong vòng 7 tháng (từ tháng 4- tháng 10/1968), Mỹ ném bom hạn chế trên 2.000 trận với gần 50.000 quả bom các loại. Mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày nhiều nhất là 103 lần bay, trên 800 quả bom. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn, đến nỗi không một bóng cây, ngọn cỏ nào đủ sức mọc lên. Để giao thông được thông suốt, hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó, phải kể đến sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, C552-Tổng đội 55.   

Các chị đều sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh, người trẻ nhất là chị Võ Thị Hà (SN 1951), lúc hi sinh chị vừa tròn 17 tuổi. Sáng ngày 24/7/1968, máy bay Mỹ liên tục quần đảo chiến ngã ba Đồng Lộc, mặt đường 15A nham nhở các hố bom. Nhận lệnh của đại đội, khoảng 12h trưa, Tiểu đội mười cô gái do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng còn chưa kịp ăn cơm, các chị chia nhau từng nắm mỳ luộc rồi vác lên vai cuốc xẻng vừa cười nói, vừa í ới gọi nhau ra mặt đường đào đất, bê đá, san lấp hố bom mở đường tránh. Công việc của các chị chủ yếu làm ban đêm, nhưng để đảm bảo cho một đoàn xe chi viện đặc biệt đêm đó đi qua an toàn, các cô gái gan dạ bất chấp tính mạng lao ra ngoài làm nhiệm vụ giữa cái nắng chói chang trưa hè. Dưới đất các chị làm việc, "đội” trên đầu là máy bay trinh sát của giặc Mỹ trút bom. Nhiều lần tiểu đội bị bụi đất, khói bom phủ kín. Bằng tiếng hát át tiếng bom, các chị quyết tâm thông suốt tuyến đường 15A trong đêm. Lượt bom định mệnh thứ 15 lúc 16h cùng ngày, tốp máy bay địch kéo đến trút bom vào nơi các chị làm nhiệm vụ buộc họ phải lánh vào một căn hầm chữ A gần đó. Không may, một quả bom trong số đó rơi ngay trước cửa hầm và sập xuống bao trùm lên các cô. 


Đoàn giảng viên Đại học Quốc gia Lào đến thăm, dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng đội trên đài quan sát không thấy bóng dáng cô gái nào, chỉ thấy một hố bom sâu hoắm với vài chiếc xẻng, nón rách văng ra mặt đường. Đồng đội xé làn khói chạy ào xuống và gọi tên từng chị: Tần ơi!, Cúc ơi! Nhỏ ở mô rồi? nhưng không một ai trả lời. Hơn 2 ngày sau, thi thể của 9 chị được tìm thấy, 10 chiếc quan tài thì 9 chiếc đã có chủ, chỉ còn thiếu thi thể chị Hồ Thị Cúc. Đồng đội không ai bảo ai nhưng tất cả đều nghĩ dù thế nào cũng phải an táng 10 chị cùng lúc, bởi tuổi trẻ của họ đã sống, chiến đấu bên nhau.

Ngồi bên quan tài chị Cúc, bằng cả nỗi xót thương, anh Thanh Bính sau này là nhà thơ Yến Thanh viết nên những vần thơ với tựa đề "Cúc ơi” như lời thỉnh cầu kêu gọi người em gái đang ở đâu đó trong lòng đất hãy về với đồng đội. Như nghe thấy tiếng gọi, thi thể chị được tìm thấy trong căn hầm ngay chiều hôm đó trong tư thế ngồi, đầu đội nón và đầu mười ngón tay bầm tím. Đêm đó, 10 chiếc quan tài làm bằng gỗ tạp thời chiến, thân cây chuối cắt ra làm bát nhang, lễ truy điệu diễn ra trong sự im lặng, đồng đội tiếc thương, uất ức đến nghẹn ngào...

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hồi sinh trên tọa độ chết năm xưa. Đoàn công tác của chúng tôi gồm cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình đã đến thăm, thắp nén nhang thơm gửi đến các chị. Cũng trong sáng đó, chúng tôi gặp những người bạn từ đất nước khác cũng đặt chân đến đây để nghe "chuyện cổ tích” giữa thời chiến. PGS.TS Bua Adam Sẻng khăm khút tha vong, Trưởng đoàn giảng viên Đại học Quốc gia Lào sang công tác tại tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Tôi đã nhiều lần đến Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên được biết đến Ngã ba Đồng Lộc với câu chuyện của mười cô gái anh hùng. Qua đây, chúng tôi hiểu thêm về lịch sử cách mạng của nước bạn, tinh thần quật cường của quân dân chống giặc ngoại xâm. Thắp nén nhang trước anh linh các nữ thanh niên xung phong, chúng tôi tự hào về mối quan hệ anh em Việt – Lào thủy chung, son sắt và mong muốn góp một phần sức, trí tuệ tô thắm thêm ân tình đó”.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành điểm thăm quan, du lịch, đón hàng nghìn lượt khách thập phương mỗi ngày. Chúng tôi biết rằng, tuổi trẻ và sự hy sinh anh dũng của các chị đã dựng lên một kỳ đài – biểu tượng của thế hệ trẻ Việt nam, của những người phụ nữ Việt một thời lửa đạn. 

                                                                                              Thanh Sơn


Các tin khác


Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục