(HBĐT) - Lần đầu tiên đặt chân đến vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tôi lại thêm yêu vẻ đẹp mênh mang sóng nước của nơi trùng khơi này. Hơn nữa là niềm ngưỡng mộ, xúc động trước những sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân từng ngày, từng giờ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.



Toàn cảnh đảo Nam Du - thiên đường du lịch. 

Thư gửi người chiến sỹ

Những cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên các đảo thuộc vùng 5 Hải quân, biển Tây Nam của Tổ quốc đa phần là những người lính trẻ tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Ở cái tuổi mà thanh niên còn đang có nhiều ước mơ, dự định trong tương lai thì họ, những anh lính trẻ lại thầm lặng ngày đêm bảo vệ biển khơi của đất nước. Những người đi trước thì đã quen với môi trường quân ngũ, tuy nhiên nhiều tân binh mới nhập ngũ lại không tránh khỏi cảm giác nhớ về gia đình, về quê hương. Thế nhưng, qua một thời gian rèn luyện, bỏ qua những vất vả, nỗi nhớ nhà, họ đã coi đồng đội, đơn vị là người thân và ngôi nhà thứ hai của mình, lấy đó làm động lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hậu phương luôn là điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sỹ Hải quân Vùng 5 yên tâm công tác. Trong chuyến công tác của đoàn cán bộ, phóng viên các báo, đài Trung ương, địa phương và 9 tỉnh khu vực phía Nam đến thăm các chiến sỹ Vùng 5 Hải quân, tôi thực sự xúc động trước những tình cảm, tâm sự được họ gửi gắm đến mỗi chiến sỹ tại nơi gió biển này.

Trên tay tôi là một trong hàng trăm lá thư của các em học sinh tỉnh Thái Nguyên thông qua các nhà báo gửi đến với cán bộ, chiến sỹ Hải Quân. Đó là thư của cháu Nguyễn Phương Diễm được viết từ ngày 2/12/2019 nhưng đến năm 2020 mới gửi được đến tay người lính đảo. Mở lá thư ra, tôi cảm nhận được sự ngây thơ, hồn nhiên, chân thành trong từng nét chữ của một học sinh mới 10 tuổi. Trong thư có đoạn: "Kinh gửi các chú bộ đội! Chắc các chú không biết cháu là ai đâu nhỉ. Cháu tên là Nguyễn Phương Diễm, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Cao Ngạn, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Cháu viết thư này để chúc chú khỏe mạnh. Các chú ạ! Thời tiết đã chuyển sang mùa xuân, nhà nhà tưng bừng đón Tết, mọi người sum vầy bên nhau, những cây hoa đào nở rộ, ngoài đường xe cộ tấp nập. Các chú vẫn ở lại đảo bảo vệ Tổ quốc. Chắc các chú nhớ gia đình lắm. Cháu mong các chú hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Tuy thư chưa dài lắm nhưng cháu xin dừng bút tại đây. Cháu chúc các chú khỏe mạnh. Cháu của các chú – Nguyễn Phương Diễm!”. Hay bức thư được thể hiện qua tranh vẽ một tiểu đội đang tập điều lệnh dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, bức thư có chú thích lời nhắn rằng: "Các chú bộ đội thân mến! Nhân ngày 22/12, cháu chúc các chú mạnh khỏe và công tác tốt. Và luôn cầm chắc khẩu súng để giữ nước, cho chúng cháu được cắp sách tới trường. Chúng cháu có thể được chơi với các bạn. Và Tết sắp đến rồi, cháu xin chúc các chú luôn hạnh phúc và công tác tốt. Cháu của các chú – Trần Quang Thanh!”.


Cán bộ, chiến sỹ Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân đọc thư tay của các học sinh từ đất liền gửi đến toàn lực lượng đang đóng quân trên đảo.

Những lời lẽ ngây ngô thể hiện ước mơ, tình cảm với bộ đội ta trong từng lá thư của các học sinh khiến cho những người kề cựu ở đây như Đại úy Nguyễn Doãn Nam, Thuyền trưởng tàu 627, hay tân binh như Lê Văn Cang thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127 không khỏi bùi ngùi xúc động. Nghiền ngẫm từng bức thư trên tay, chàng lính trẻ Lê Văn Cang nói với chúng tôi rằng: "Đây chính là món quà ý nghĩa nhất mà chúng tôi nhận được từ hậu phương đất liền, niềm động viên tinh thần to lớn đối với những người lính trẻ như tôi nỗ lực bám biển bảo vệ quê hương, người thân, gia đình mình. Dù có khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng nhất định vượt qua”.

Biển đêm dậy sóng và những con người "không ngủ”

Đối với chúng tôi, những phóng viên đã từng lăn lộn tác nghiệp mà nói, việc tác nghiệp trên biển, đảo quả thực vất vả, khó khăn hơn nhiều. Ngày đầu tiên chúng tôi ra khơi xuất phát lúc hơn 22h đêm. Có lẽ hình ảnh khiến chúng tôi không bao giờ quên là mỗi bên tàu đều xếp thành hàng, một bên là cán bộ, sỹ quan Hải quân, một bên là đoàn chúng tôi xuất phát; và tiếng còi tàu réo lên vang cả một khoảng trời đêm tĩnh mịch, kèm theo những cái vẫy tay, tiếng hò reo, tiếng chúc may mắn trên đường đi. Khoảnh khắc ấy khiến tôi cảm thấy tất cả chúng tôi như thể một đại gia đình. Đêm trên biển không hề yên ả, ngược lại là những đợt sóng bất chợt chạm thân tàu, thời tiết lúc mưa lúc không, gió rít lên từng cơn. Chúng tôi vẫn chưa quen với việc ngủ trên boong tàu như cán bộ, chiến sỹ ở đây.

Vất vả nhất là những chiến sỹ trực tàu, họ thức thâu đêm điều khiển tàu, chuẩn bị bữa ăn đêm, bữa sáng để đảm bảo chúng tôi được tiếp đảo kịp trời sáng an toàn, đảm bảo sức khỏe làm việc trên đảo. Đồng chí Vũ Tiên, Máy trưởng tàu 632, con tàu đưa cả đoàn chúng tôi đến với những người lính đảo chia sẻ: "Tổ máy chúng tôi phải luân phiên nhau túc trực móc máy trên tàu để đảm bảo điều khiển tàu đi đúng lộ trình một cách an toàn và thời gian nhanh nhất. Đây không phải lần đầu ra biển dài ngày của tôi, tuy đã có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi vẫn phải thường xuyên nhắc nhở, động viên anh em chiến sỹ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Khi mọi người trong đoàn ngủ say thì chúng tôi vẫn lặng lẽ làm bạn với tiếng máy "gầm gứ” suốt đêm cho tới sáng. Mỗi ca trực kết thúc, chúng tôi lại thay nhau tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để có đủ sức khỏe trên suốt chặng đường dài. Khi cả đoàn lên đảo làm việc, chúng tôi ở tàu cũng tiếp tục làm việc, nào là chuẩn bị nhiên liệu, kiểm tra máy móc kỹ thuật của tàu, các nút dây thừng cột giữ các điểm trên tàu, chuẩn bị thực phẩm cho những bữa ăn tiếp theo của cả đoàn. Cứ như vậy, ngày cũng như đêm trong suốt hành trình, chúng tôi liên tục làm việc không biết mệt mỏi”.

Bếp trưởng của tàu là đồng chí Huy, một trong những người có kỹ thuật nấu ăn số một của tàu. Đội ngũ đứng bếp cũng vất vả không kém khi hằng phải phải chuẩn bị đủ ba bữa ăn gồm: Bữa sáng, bữa tối và bữa ăn đêm cho gần 200 người trên tàu. Để kịp cho một bữa sáng đơn giản là mì hoặc phở gói, trứng gà, họ phải dậy chuẩn bị từ 3 rưỡi sáng để bắt đầu bữa sáng lúc 6h. Rồi chuẩn bị bữa tối từ 13h30 chiều, bữa ăn đêm cũng được chuẩn bị trước từ 21h tối chủ yếu là cháo gà nấu loãng. Đơn giản như vậy nhưng đó lại là những thứ thực phẩm vô cùng quý giá trong những chuyến lênh đênh dài ngày trên biển. Bếp trưởng Huy tâm sự: "Người làm hậu cần thì phải chịu khó, biết phân bố đầu việc và thời gian hợp lý để đảm bảo đúng thời gian quy định mỗi bữa ăn cũng như chất lượng dinh dưỡng. Điều kiện nấu ăn trên tàu thiếu thốn, tuy nhiên, cần phải khắc phục khó khăn, tận dụng mọi điều kiện mà tàu có để làm sao hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó”.


Cán bộ, chiến sỹ vận chuyển quà tết xuống tàu chở đến đảo Hòn Khoai tặng các chiến sỹ trên đảo.

Tuy ai nấy đều thấm mệt sau chuyến đi vất vả nhiều ngày dòng rã trên biển, nhưng vẫn nở nụ cười khi có đồng đội, những cán bộ, chiến sỹ ở hậu phương đang chờ đoàn trở về. Xuống tàu, họ tay bắt mặt mừng, chúng tôi cũng vậy, tất cả đều phấn khởi vì nghĩ rằng, mình đã góp được một phần sức nhỏ bé mang tầm lòng của hậu phương, mang hương sắc ngày Tết cổ truyền của dân tộc đến với những người lính nơi cực nam xa xôi của Tổ quốc.  


Gia Khánh


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục