(HBĐT) - Dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn, vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém cản trở, thách thức sự phát triển của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Cải cách hành chính (CCHC) chậm chuyển biến, môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nằm ở tốp trung bình hoặc thấp. Hòa Bình chưa nhiều doanh nghiệp (DN) lớn. DN gặp nhiều khó khăn trong triển khai dự án - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nêu rõ.

Bài 2 - Nhìn thẳng, nhận diện yếu kém, cản trở sự phát triển





 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch.


Thực tế, cũng như khảo sát, đánh giá, cảm nhận của các DN dân doanh những năm vừa qua, môi trường kinh doanh của tỉnh chưa hấp dẫn, năng lực cạnh tranh so với nhiều địa phương trong khu vực còn khoảng cách lớn. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hà Văn Thắng cho rằng: Cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, tài nguyên - môi trường của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Các quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ, toàn diện, chưa có tầm nhìn chiến lược, gây rất nhiều khó khăn cho thực hiện dự án đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư kể cả trong ngân sách và ngoài ngân sách chậm tiến độ. Từ chủ trương đến hiện thực, các chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN và các thành phần kinh tế phát triển còn một khoảng cách dài.

 Đánh giá những yếu kém, thách thức cần giải quyết để tạo sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Với đặc thù là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, dù tiếp giáp với Thủ đô và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng Hòa Bình có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 74%, địa hình đồi núi chia cắt, giao thông đi lại chưa thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế tăng trưởng chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chế biến sâu rất ít. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp mới chỉ đạt khoảng 0,34%, hạ tầng công nghiệp được quy hoạch chưa tốt, chưa được đầu tư đồng bộ, giá thuê hạ tầng không cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, rất khó để thu hút các dự án lớn, có giá trị gia tăng cao, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Dù một số lĩnh vực đã có khởi sắc, tuy nhiên, tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn thực hiện các dự án sản phẩm tốt, chất lượng cao, thu hút được du khách ở lại dài ngày.

Thực tế, quy mô nền kinh tế dù đã khởi sắc nhưng còn rất khiêm tốn khi so với những địa phương khác. Thu ngân sách của tỉnh trông chủ yếu vào nhà máy thủy điện Hòa Bình, như nhiều người vẫn bảo thủy điện "vui”, nhiều nước thì ngân sách khá, thủy điện "buồn", nước ít, ngân sách tỉnh chao đảo. Các DN của tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động tập trung ở lĩnh vực xây lắp, nguồn thu từ nội lực nền kinh tế cũng không cao. Bên cạnh đó, GPMB còn vướng mắc, chậm được tháo gỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng hấp thụ các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH. Toàn tỉnh có 284 dự án đầu tư chưa hoàn thành, trong đó, 211 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai, 98 dự án chậm triển khai thực hiện do vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB.

BCH, BTV Tỉnh ủy đã nghiêm túc nêu lên những yếu kém, đó là: Chất lượng công vụ một số ngành, địa phương chưa cao. Lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa phát huy hết trách nhiệm, chưa sâu sát trong công việc, chưa kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có việc chưa nghiêm. Hòa Bình ở gần Thủ đô, tiếp giáp với Thủ đô, nhưng hạ tầng KT-XH, nhất là giao thông nói chung còn yếu và thiếu, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh…

PGS, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Hòa Bình tiếp giáp với Hà Nội và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô là lợi thế, nhưng cũng là thách thức cho sự phát triển mạnh mẽ. Muốn phát triển, trước hết từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị, địa phương phải có khát vọng phát triển, nhiều khi phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, tập trung khắc phục sự trì trệ, không chịu đổi mới và không muốn đổi mới; phải có trách nhiệm và những hành động, việc làm cụ thể tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến sự hài lòng của DN và người dân. Đối với định hướng cũng như giải pháp cần đặc biệt quan tâm đến các khâu đột phá chiến lược theo hướng riêng có, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng đi vào thực chất, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng tới kỹ năng người lao động; huy động các nguồn lực, phát triển các vùng động lực kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng công nghệ số, phát triển đô thị, dịch vụ; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh. Đặc biệt, phải thu hút được các tập đoàn mạnh, doanh nghiệp lớn về đầu tư phát triển du lịch, đô thị, dịch vụ, công nghiệp theo quy hoạch gắn với phát triển môi trường bền vững; phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ chất lượng cao… Đảng bộ tỉnh đã nhận thức sâu sắc thực tế, thách thức cần giải quyết, đang có những khởi động tập trung giải quyết những nút thắt cản trở sự phát triển, tạo ra bứt phá mới trong những năm tới.

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển KT-XH tại nhiều cuộc họp, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Công việc chuyển biến chậm, chưa được như mong muốn kỳ vọng. Nhắc lại những "điểm nghẽn” ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh hiện nay là vướng mắc về GPMB và CCHC, chất lượng thực thi công vụ. Sốt ruột khi tỉnh chưa có được những dự án đầu tư lớn có tác động lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế bền vững, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của cán bộ, công chức, gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cản trở, ách tắc trong CCHC, GPMB, thu hút đầu tư. Cán bộ năng lực yếu phải xử lý; cán bộ tranh thủ trục lợi, cản trở môi trường đầu tư cũng phải xử lý nghiêm, đặc biệt phải khắc phục ngay tình trạng thành tích là của tôi, trách nhiệm không của ai. Chỉ khi có khát khao phát triển, mạnh mẽ vươn lên, chỉ khi ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức được đề cao, vì cái chung, vì sự phát triển của tỉnh, hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến thực chất trong CCHC, giải quyết những vướng mắc về mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án, Hòa Bình mới có cơ hội bứt phá mạnh mẽ.(Còn nữa)


Lê Chung

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục