(HBĐT) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 vụ đuối nước khiến 19 trẻ tử vong. Mỗi vụ tai nạn là một nỗi đau đớn, xót xa không thể bù đắp của gia đình, người thân các nạn nhân. Đó cũng là những con số biết nói, những hồi chuông báo động cho toàn xã hội về một chuyện đã cũ nhưng gây ra nhiều nỗi đau mới khôn nguôi.


Sông Đà (đoạn chảy qua thành phố Hoà Bình) tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Giọt nước mắt muộn màng

Đã gần 1 tháng trôi qua, nhưng câu chuyện về hai đứa trẻ là anh em ruột trong một gia đình tại xóm Vẹ, xã vùng cao Quý Hoà (Lạc Sơn) bị tử vong do đuối nước vẫn được bà con nhắc lại với nỗi niềm thương xót. Hôm đó là ngày 10/6, thời điểm thu hoạch lúa vụ xuân hè, vợ chồng anh Bùi Văn Sỹ gửi hai con ở nhà cho bà nội trông để đi thu hoạch lúa. Như thường lệ, các cháu chơi đùa trong vườn nhà. Tuy nhiên, một lúc sau, bà nội gọi không thấy tiếng hai cháu trả lời. Sau đó phát hiện ra sự việc thì đã muộn. Hai cháu là Bùi Thanh T. (sinh năm 2017) và Bùi Thanh L. (sinh năm 2019) đã bị ngã xuống ao tử vong. 

Cũng tại huyện Lạc Sơn, hồi 18h15' ngày 24/6, thời tiết nắng nóng, 2 học sinh rủ nhau đi tắm tại cầu ngầm Ngải, xóm Ngải, xã Xuất Hoá. Do trời vừa mưa xong, nước dâng lên cao và chảy xiết khiến các em bị nước cuốn trôi. Khi biết được sự việc, người dân đi làm gần đó kịp thời ứng cứu, tuy nhiên 1 em đã tử vong. Em còn lại được anh Quách Văn Mạnh (xóm Ngải) cứu sống. Nạn nhân tử vong được xác định là em Nguyễn Tấn T. (sinh năm 2013), trú tại xóm Vó, xã Xuất Hóa. Cách đây chưa lâu, tại khu vực suối Tráng, xóm Dài, xã Bắc Phong (Cao Phong) cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 4 học sinh nữ của trường THCS Tây Phong (Cao Phong) tử vong. Thương thay, ngày xảy ra vụ tai nạn cũng là ngày sinh nhật của em Triệu Anh Th., (1 trong 4 em tử vong) vừa tròn 13 tuổi. 

Các em ra đi khi những tấm giấy khen vừa kịp trao tay, với bao ước mơ, hoài bão dang dở và cả tương lai tươi sáng đang chờ phía trước. Mỗi vụ việc xảy ra, thêm một lần để lại sự hối hận, xót xa và hai tiếng "giá như” mơ hồ của người lớn. Tuy nhiên, chỉ còn lại những giọt nước mắt muộn màng...

Lỗi không của riêng ai

Đồng chí Bùi Đức Chính, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 5 trẻ em. Nguyên nhân do các em không biết bơi, hoặc dù biết bơi nhưng chưa có kỹ năng xử lý các vấn đề liên quan đến đuối nước. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân được xác định là do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của người lớn. Với đặc điểm địa hình miền núi, hệ thống sông, suối, ao, hồ tại địa phương khá dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước cho trẻ, nhất là trong dịp nghỉ hè, nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đáng nói, hầu hết các vụ đuối nước thời gian gần đây xảy ra do cha mẹ bận đi làm, để trẻ ở nhà với ông bà, anh chị. Ở độ tuổi ham chơi, hiếu động khiến các em nhỏ trở thành nạn nhân từ các trò chơi của chính mình. 

Ở một khía cạnh khác, thực trạng đuối nước ở trẻ cũng phản ánh hiện thực cần được quan  tâm chính là việc thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ ở nông thôn. Nếu như mùa hè, học sinh ở TP Hoà Bình hay các thị trấn có khu vui chơi với đầy đủ trò chơi bổ ích, các lớp học năng khiếu thì trẻ ở vùng quê, nhất là các xã vùng cao của tỉnh chỉ có thể vui chơi xung quanh nhà. Khi trời nắng nóng, trẻ thường có xu hướng tìm đến những khu vực có bóng cây mát mẻ, thác, bờ suối, bờ ao để đùa nghịch.

Như vậy, rõ ràng những vụ việc đau lòng xảy ra không phải lỗi của riêng một tổ chức, cá nhân mà đến từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó một phần nguyên nhân chủ quan đến từ các em nhỏ.

Để câu chuyện cũ không trở thành những nỗi đau mới 

Nguyên nhân dẫn đến đuối nước được xác định phần lớn do các em không biết bơi. Chính vì thế, dạy bơi cho trẻ và những kỹ năng cứu đuối là việc làm cần thiết, quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ cần quan tâm sâu sát hơn nữa, thường xuyên để mắt đến con, đặc biệt trẻ trong độ tuổi từ 5 - 6 tuổi. Chủ động tổ chức cho con những trò chơi vui vẻ, bổ ích để tránh việc trẻ tự tổ chức chơi ở những địa điểm nguy hiểm. 

Đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Từ cuối tháng 5, khi học sinh nghỉ hè, Tỉnh Đoàn đã có văn bản hướng dẫn các Đoàn, chi đoàn cơ sở về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa đuối nước cho trẻ em. Cụ thể, tích cực, chủ động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và phụ huynh về phòng ngừa đuối nước cho trẻ qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Tiếp tục phát động phong trào học bơi, đưa nội dung cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng phòng ngừa đuối cho nước trẻ em vào chương trình sinh hoạt của chi đoàn, Đoàn cơ sở. Phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, lớp kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích, xâm hại cho trẻ em, đặc biệt trong dịp hè. Tổ chức cắm biển, lập hàng rào cảnh báo, cấm tắm tại các địa điểm có nguy cơ đuối nước. Hiện nay, hầu hết các đơn vị Đoàn cơ sở đã triển khai có hiệu quả. 
Tại tỉnh, các biện pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể tổ chức các buổi học kỹ năng sống và phòng tránh đuối nước cho trẻ, tại nhiều địa phương chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như thông qua mạng xã hội facebook, zalo đăng tải nội dung hướng dẫn thú vị, bổ ích; một số nơi tập trung các em thành nhóm nhỏ, đến khu vực sông, suối sạch, nông hướng dẫn trẻ tập bơi cùng sự giám sát của người lớn; cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm. 

Đuối nước ở trẻ là vấn đề tuy không mới, nhưng rất cần sự phối hợp, chung tay của các cá nhân, tổ chức trong toàn tỉnh. Có như vậy, những vụ tai nạn đuối nước mới được giảm bớt và không trở thành nỗi lo mỗi khi hè về. 

Khánh Linh


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục