(HBĐT) - Chúng tôi được vào làm việc tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Quân chủng Hải quân đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2022). Việc đầu tiên chúng tôi đến nơi này là dâng hương Tượng đài chiến sỹ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.


Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thường xuyên tổ chức dâng hương, báo công và giáo dục truyền thống tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma.

Hòa vào các đoàn cán bộ, chiến sỹ (CB,CS) và Nhân dân đến từ nhiều vùng miền trên cả nước đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, chúng tôi không kìm nén được cảm xúc trước anh linh các chiến sĩ hải quân đã không tiếc thân mình hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đứng trước Quảng trường Hòa Bình, mọi người đều hướng lên Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma – trái tim của Khu tưởng niệm sừng sững thế đứng hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẫm. Tượng đài có tên "Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn bất tử trước mũi lưỡi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông. Sự hy sinh kiên cường của 64 người chiến sĩ ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển, đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt Nam.

Để tri ân các chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Được khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành vào năm 2017. Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma có nhiều hạng mục, bao gồm: Phần tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, Quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây xanh. Là công trình lịch sử tâm linh mang tầm vóc quốc gia, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma có ý nghĩa hết sức to lớn trong giai đoạn cả nước cùng hướng về biển, đảo thân yêu. Đây là công trình lịch sử kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, được xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Gạc Ma đã trở thành điểm đến đầy xúc động và khó quên trong lòng mỗi người dân Việt Nam khi đến với vùng đất Cam Lâm – Khánh Hòa

Thăm phòng truyền thống, chúng tôi xúc động khi được đọc dòng lưu bút của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi tại sổ vàng lưu niệm của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tháng 3/2022: "Nhân kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma, tôi và đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương sáng chói ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ".

Mấy năm nay, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, CCB Nguyễn Văn Tiến (TP Nha Trang) và đồng đội đều tổ chức đoàn về thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma. Ông Tiến tâm sự: Mỗi lần đến đây, thành kính tri ân, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn - đáp nghĩa” với những người con đã ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là một địa chỉ để người dân đến thăm quan, thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, mà còn góp phần nhắc nhớ, giáo dục lịch sử cho các thế hệ mai sau về những sự kiện lịch sử không được quên.

Trung tá Lê Thanh Hải, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân chia sẻ: Đơn vị chúng tôi thường xuyên tổ chức cho CB,CS về đây dâng hương, báo công và giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Qua đó để CB,CS, nhất là chiến sỹ trẻ thêm hiểu về lòng dũng cảm, kiên trung của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi luôn khắc ghi câu nói: "Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” của anh hùng liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma 34 năm trước, đã góp phần khơi dậy tinh thần, khí phách, tư thế của chiến sỹ Hải quân Việt Nam. Mỗi CBCS Hải quân như được tiếp thêm sức mạnh, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi "đầu sóng, ngọn gió," đêm ngày tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, trở thành điểm tựa tin cậy cho Nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.

Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma giờ đây đã xanh ngát màu của cỏ cây, hoa lá, chim hót líu lo trên những cây bàng vuông, cây phong ba được đưa từ ngoài đảo về trồng. Gạc Ma đã trở thành địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ, địa chỉ đỏ để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo cho các thế hệ. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động trang nghiêm như Lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử của nhiều trường học và du khách thăm quan. Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam.

Đỗ Quyên

Các tin khác


Người Mường Vang giữ nét văn hóa Mường: Bài 1 - Những nét văn hoá vùng Mường nổi bật

(HBĐT) - Có bề dày lịch sử vùng đất hàng nghìn năm, dân số khoảng 14 vạn người, dân tộc Mường chiếm 91%, người Mường Vang có đời sống văn hoá rất phong phú, giàu bản sắc. Quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hoá, nền công nghiệp cách mạng 4.0 đã tác động đến giá trị văn hoá của dân tộc Mường huyện Lạc Sơn. Một số loại hình di sản văn hoá, nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Một bộ phận thanh niên hiện nay không biết tiếng Mường, nét văn hoá Mường và những tập quán của cha ông…

Đánh thức Hợp Tiến

(HBĐT) - Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến (Kim Bôi) có diện tích 4.326 ha với 648 loài thực vật, 59 loài thú, 128 loài chim. Đặc biệt, trong đó có nhiều động thực vật quý hiếm như: Culi, cầy hương, sóc bay lớn, hoãng, khỉ, gấu, lợn rừng; gù hương, thiên tuế lá chè, hoa tiên, đinh vàng, sến mật, nghiến đất… Đây là tiềm năng đặc biệt quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hợp Tiến. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được phát huy, Hợp Tiến rất cần sự hỗ trợ để có đột phá trong phát triển KT – XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Những "hạt giống đỏ" trong lòng xứ Đạo

(HBĐT) - Lạc Thủy hiện có trên 200 đảng viên là người có đạo, chủ yếu sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã Khoan Dụ và Phú Thành. Đây là những hạt nhân quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, tạo nhịp cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, tạo sự ổn định, phát triển của các địa bàn vùng giáo nói riêng, toàn huyện nói chung.

Đổi thay ở xóm "khổ"...

(HBĐT) - Từng là 1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh, trước đây, đời sống của người dân xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc) vô cùng gian khó. Đường sá khó khăn, địa hình cách trở, xóm sống biệt lập giữa núi rừng với con suối Sổ hung dữ vào mùa lũ. Thế nên, cái tên xóm Sổ được nhiều người gọi là xóm "khổ”...

Một ngày với thành phố cảng

(HBĐT) - Ký ức trong tôi, Hải Phòng khi xưa chỉ có trong những câu chuyện bà ngoại kể, đó là một nơi phố xá phồn hoa, tấp nập người xe trong mắt của một người ở quê ra phố thị làm "hàng xáo” (buôn gạo)... Từ ký ức đó, sau này mỗi lần có dịp về thành phố cảng, tôi lại dành một ngày để lang thang khắp phố phường đất cảng như bước chân của ngoại khi xưa...

Lính hình sự khắc ghi lời Bác dạy

(HBĐT) - Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: "Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì công an phải ra sức bảo vệ Nhân dân, ra sức phục vụ Nhân dân”, thời gian qua, mỗi cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tận tâm với công việc nhằm góp phần giữ vững ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục