(HBĐT) - Hẳn là với mỗi người con đất Việt khi nói, nghe và đến Trường Sa đều chung cảm giác bồi hồi, xúc động và tự hào. Dù đã được đọc, xem và nghe nhiều về Trường Sa nhưng khi được đặt chân lên các đảo, điểm đảo, chạm tay vào cột mốc chủ quyền trên biển, được dự lễ chào cờ, tưởng niệm các liệt sỹ, tận mắt chứng kiến đời sống, sinh hoạt của quân và dân trên các đảo thì niềm tự hào, xúc động đó nhân lên gấp bội!


Cán bộ, chiến sĩ và dân quân trên Quần đảo Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc.


Một phần máu thịt của Tổ quốc


Trong chuyến hải trình đến với các đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa dịp đầu năm, chúng tôi xúc động trước tấm bia được đặt trang trọng giữa đảo, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ: "Mỗi lần đứng trước những lời căn dặn của Bác, chúng tôi cảm thấy tự hào và trách nhiệm thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao cho người lính. Thấm nhuần lời dặn của Bác, chúng tôi luôn nỗ lực vượt khó, quyết tâm rèn luyện, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, biển đảo của Tổ quốc”.

Quần đảo Trường Sa là một trong hai quần đảo san hô của Việt Nam nằm ở giữa biển Đông, là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách quần đảo Hoàng Sa gần 200 hải lý về phía Nam, bao gồm hàng trăm đảo, bãi nửa nổi nửa chìm, trong đó mới có 148 đảo, đá… được đặt tên. Quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm gồm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Huyện Trường Sa được thành lập năm 1982, bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, huyện Trường Sa được chuyển về thuộc tỉnh Phú Khánh, sau này là tỉnh Khánh Hòa. Năm 2007, Chính phủ thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa, gồm: thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn.

Từ những bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý có được, cùng với Hiến chương Liên hợp quốc, các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khẳng định: Những người lính Hải quân Việt Nam luôn khắc ghi lời thề giữ biển, đảo quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: "Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật, phù hợp với pháp lý và đạo lý quốc tế... Chúng ta xin thề, trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhở với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.


Tự hào chiến sĩ Trường Sa


Chiến sĩ Trường Sa là một danh xưng thiêng liêng đối với bất cứ chiến sĩ nào đã, đang và sẽ được công tác, làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Ngày nay, các thế hệ người dân Việt Nam đều mong muốn được đóng một phần góp công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ vững chắc, xây dựng biển, đảo quê hương ngày càng xanh tươi, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

Đến thăm các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi thấy hầu hết CB, CS làm nhiệm vụ nơi đây đều có tuổi đời rất trẻ, nhưng với các anh, đảo là nhà, biển là quê hương. Họ đều đoàn kết, chung một ý chí, niềm tin son sắt quyết tâm gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tại đảo Sinh Tồn, chúng tôi xúc động được dự lễ kết nạp Đảng của Trung úy Trần Bá Long (SN 1995). Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng Trần Bá Long đã có thâm niên công tác 5 năm và phân công làm nhiệm vụ tại 3 đảo: Phan Vinh, Sinh Tồn Đông và đảo lớn Sinh Tồn. Trung úy Trần Bá Long chia sẻ: "Lúc mới đầu ra đảo công tác, môi trường, cuộc sống hoàn toàn khác so với đất liền, chúng em còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị và đồng đội, em luôn cố gắng khắc phục, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù trải qua nhiều môi trường công tác với những đặc thù, khó khăn riêng, nhưng em đều cố gắng vượt qua, được cấp ủy, chỉ huy đơn vị tin tưởng, cử tham dự lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Và em đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên quần đảo Trường Sa - điều mà mỗi CB,CS hải quân đều ao ước”.

Nắng gió biển Đông khắc nghiệt, nhưng hằng ngày, hằng giờ các chiến sĩ vẫn lạc quan, yêu đời, vững vàng ý chí, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.Trường Sa hôm nay đã và đang khoác lên mình diện mạo mới đầy sức sống nơi tiền tiêu của Tổ quốc bằng ý chí vững vàng, kiên trì rèn luyện, huấn luyện, gương mẫu trong đời sống, sáng tạo trong lao động sản xuất và mưu trí, quả cảm, sẵn sàng chiến đấu của những người lính hải quân.

Thượng tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng - Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn cho biết: "Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của quân và dân các đảo không ngừng được cải thiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song CB,CS và nhân dân huyện đảo đều ý thức rất rõ trách nhiệm của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân, dân Trường Sa cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, đoàn kết, sắt son một lòng, tích cực khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...”.

Vững niềm tin, ý chí sắt đá, nghị lực phi thường, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc - đó là lý tưởng, trách nhiệm và niềm tự hào thiêng liêng của mỗi người con đất Việt.



Đỗ Quyên


Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục