(HBĐT) - Để cứu giun, cứu cây và tránh các hệ lụy khác, anh Bùi Quang Toản ở thị trấn Cao Phong cùng nhóm chủ vườn cam ở Cao Phong cùng ký vào đơn đề nghị giải quyết nạn kích giun, mong có những biện pháp quyết liệt, khẩn trương của các cấp. Cấp xã, huyện, tỉnh đã phúc đáp và chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn.

>>  Bài 2 - Khi các lò sấy giun chờ đỏ lửa


 


Công an xã Thu Phong (Cao Phong) thu kích điện bắt giun đất của các đối tượng.

Đấu tranh cứu giun đất

Để bảo vệ vườn cam, cứu giun, cứu cây, cứu gia sản, anh Bùi Quang Toản và một số chủ vườn đã lập nhóm zalo nhằm hỗ trợ nhau thông tin, canh gác và bắt người vào vườn kích giun. Song đáng lo ngại là một số người kích giun manh động, dễ dẫn đến mất ANTT ở cơ sở. Anh và 11 người khác đã ký vào đơn gửi UBND xã, Công an xã Thu Phong, rồi tiếp tục gửi UBND huyện, Công an huyện Cao Phong nêu tình hình kích giun và đề nghị có biện pháp khẩn trương ngăn chặn.

Trong đơn đề nghị nêu: Các đối tượng kích giun dùng mọi cách như đạp đổ tường bao, lưới bờ rào B40 để vào vườn, gây lo lắng cho người dân. Kích giun ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, làm suy giảm chất lượng cây, hỏng rễ cây, từ đó thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Việc sử dụng kích điện để bắt giun còn có nguy cơ dẫn đến mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng người dân xung quanh.

Trả lời đơn kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND xã Thu Phong Vũ Thế Dũng cho biết: Trước tình hình kích giun "nóng" tại địa phương, UBND xã chỉ đạo Công an xã phối hợp lực lượng quân sự xã, công an viên tuần tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi kích giun trái phép trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền tác hại việc kích giun đất tại 8/8 xóm. Hiện nay, các chế tài xử lý hành vi kích giun chưa cụ thể, lực lượng chức năng khó trong xử lý nên khi họp dân đã thống nhất đưa vào hương ước xóm, vi phạm phải nộp phạt. Cùng với lực lượng chức năng, các chủ vườn cần chủ động bảo vệ, tích cực phối hợp; tất cả các địa phương cùng đồng hành, công dân xã nào vi phạm xã đó tuyên truyền, vận động và cần có biện pháp xử lý các lò sấy giun.

Tập trung phối hợp tuần tra sau những cơn mưa, Công an xã Thu Phong đã phát hiện trên 20 đối tượng kích giun, thu 15 máy kích. Trưởng Công an xã Hoàng Thế Anh cho biết: Máy kích giun giờ được cải tiến như dùng điều khiển từ xa, nhỏ gọn, dễ di chuyển nên khó khăn hơn trong phát hiện. Những đối tượng bị phát hiện có cả người ở trong xã (xóm Thiều Nau, Vỏ…); ở ngoài xã như xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi) và cả người ngoài tỉnh; từ thanh niên, đến người nhiều tuổi, có trường hợp cả hai vợ chồng, có người bỏ cả xe máy tháo chạy. Chúng tôi đã lập biên bản tự nguyện giao nộp và yêu cầu các đối tượng viết cam kết không tiếp tục thực hiện hành vi kích giun.

Tại xã Bắc Phong, ngày 25/7/2023, Công an xã tham mưu UBND xã ban hành công văn quản lý người dân sử dụng kích điện bắt giun đất; tổ chức tuyên truyền trên loa, mạng xã hội. Tuy nhiên, tình trạng kích giun vẫn xảy ra. Khoảng 22h30’ ngày 28/7, tổ tuần tra Công an xã phát hiện 2 xe máy, 4 người từ trên đồi xóm Môn xuống. Tổ công tác ra hiệu dừng xe nhưng các đối tượng không chấp hành, vứt lại 1 túi bên trong có 2 cuộn dây điện.

Cộng đồng trách nhiệm

Xóm Thiều Nau, cả bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên đã đến hộ có máy kích giun tuyên truyền, vận động. Song, theo Trưởng Công an xã Hoàng Thế Anh, công tác này cần thực hiện đồng bộ và sự phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ban, ngành, chứ không phải việc của riêng lực lượng công an.

Lắng nghe ý kiến của người dân, ngày 18/7/2023, UBND huyện Cao Phong ban hành Công văn số 1540 chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn. Chủ tịch UBND huyện Quách Văn Ngoan yêu cầu: UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái phép. Hướng dẫn các hộ tự bảo vệ đất của mình. Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của xóm. Các phòng chức năng phối hợp các xã tuyên truyền; nghiên cứu các quy định để tham mưu giải pháp xử lý trường hợp kích giun, thu mua, sơ chế giun đất gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khi đủ căn cứ…

Ngày 28/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1221 về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép. Trong đó nhận định: Trong các năm 2019 - 2020, do có sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt từ UBND tỉnh, sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành nên tình trạng sử dụng hóa chất, kích điện để thu bắt giun đất đã giảm hẳn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn. Việc sử dụng kích điện để bắt giun tại các vườn cây ăn quả, rau màu diễn ra ngày càng phổ biến, manh động, gây xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ vườn và đối tượng khai thác trái phép. Điều này gây bức xúc trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT tại cơ sở.

Để ngăn chặn tình trạng trên, loại trừ những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền tới từng cơ sở và người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường, cây trồng. Nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ giun đất; vận động người dân không khai thác, không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun; kịp thời phát hiện hành vi khác thác giun đất trái phép báo cho cơ quan chức năng. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan trong điều tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác trái phép. Tăng cường kiểm tra hoạt động các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất; nhận diện các hành vi vi phạm của mỗi cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm để xử lý. Các sở, ban, ngành tăng cường tuyên truyền, đưa nội dung về vai trò của giun đất vào các tài liệu kỹ thuật canh tác để phổ biến rộng rãi…

UBND tỉnh cũng chỉ đạo chú trọng giải pháp về nhận diện các hành vi hủy hoại đất, gây ô nhiễm môi trường từ việc thu bắt, sơ chế, sấy giun; các chế tài áp dụng xử lý theo quy định hiện hành. Giao Sở TN&MT chủ trì, hướng dẫn nhiệm vụ này để các địa phương, lực lượng chức năng thống nhất áp dụng.

Một biện pháp mang hướng mở, bền vững được giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở KH&CN đề xuất bổ sung nhiệm vụ KHCN thực hiện từ năm 2024 về xây dựng quy trình kỹ thuật nhân nuôi, sơ chế giun đất làm cơ sở để khuyến cáo đến cộng đồng.

Trước vấn nạn kích giun, từ các chủ vườn đến chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh đã vào cuộc ngăn chặn. Tuy nhiên, hiện nay "giun tặc” vẫn hoạt động, hình thức tinh vi hơn, các đầu nậu vẫn tiếp tay cho người kích, lò sấy giun vẫn đỏ lửa. Cần những hành động quyết liệt, đồng bộ, thống nhất hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng để đấu tranh, ngăn chặn. Nhiều người dân và cán bộ kiến nghị T.Ư xem xét có chế tài xử lý nghiêm minh hơn đối tượng kích giun đất.

Cẩm Lệ

Các tin khác


Phục sinh làng Mường trên đất nước triệu voi

(HBĐT) - Tháng 6/2022, chúng tôi từ TP Hòa Bình vào huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dự giỗ lần thứ 186 cụ Quách Văn Hiệp và ra mắt tập sách "Miền thương nhớ” của cụ Quách Thuận Lương. Các cụ gốc người Mường Khụ, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cụ Quách Văn Hiệp là người có công lãnh đạo dân Mường từ Ngọc Lâu vào khai phá, lập làng vùng Lân Ru (nửa sau thế kỷ XIX), sau là châu Như Xuân và nay là 2 huyện Như Thanh, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, kỹ sư thủy lợi Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiết lộ: "Ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) có một làng người Mường sinh sống” làm chúng tôi rất ngạc nhiên và ấp ủ ý tưởng sang Lào tìm hiểu thực hư.

Thú câu cá trên lòng hồ - gạt bỏ những lo toan cuộc sống

(HBĐT) - Lòng hồ sông Đà phong cảnh hữu tình, không chỉ có tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch mà còn là điểm hẹn của những người yêu thích thiên nhiên với những chuyến dã ngoại, thỏa mãn thú vui câu cá.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 3 - Đồng bộ giải pháp, linh hoạt cách làm

(HBĐT) - Với những "điểm nghẽn” đã được nhận diện, thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) tỉnh Hòa Bình đã kiên trì, sát sao, triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt trong cách làm, nỗ lực tạo nên những bước chuyển đáng ghi nhận.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 2 - Nhận diện “điểm nghẽn”

(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hợp tác xã hoạt động với tổng số trên 81.000 lao động. Tuy nhiên mới có trên 60 doanh nghiệp có tổ chức đảng với gần 1.200 đảng viên. Điều này cho thấy có "điểm nghẽn”, khiến kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 1 - Đảng viên tiên phong, doanh nghiệp phát triển

(HBĐT) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này cho thấy còn những "điểm nghẽn”, cần đồng bộ giải pháp, cách làm để "khơi thông”. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong DNNKVNN là tiền đề, cơ sở để tạo động lực thi đua lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng đảng viên đã phát huy hiệu quả vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động.

Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 3 - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững... BTV Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mở cánh cửa cho Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục