(HBĐT) - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…


Đoàn công tác Báo Hòa Bình nghe giới thiệu về khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Về "Ngã ba huyền thoại” 

Đây là lần đầu tiên tôi được về thăm khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đường về Đồng Lộc như "mạch máu chảy về tim”, cảm xúc thật sự đặc biệt khi được kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương tri ân vào đúng ngày 27/7 - Ngày Thương binh - Liệt sỹ. 

Từ năm 2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Trước đó, năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây từ lâu đã trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Hàng năm, có hàng triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân những người đã ngã xuống, hy sinh vì sự bình yên của đất nước.

"Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1964 - 1972), nơi đây bị đánh phá liên tục, là "tọa độ lửa” hứng chịu mưa bom, bão đạn của kẻ thù với dã tâm biến Ngã ba Đồng Lộc thành "điểm chết” mà không một cây cỏ nào có thể bén rễ, nảy mầm” - nam hướng dẫn viên tại khu di tích giới thiệu. Những thông tin đã đi vào sử sách được kể lại trong không gian này, bởi một người con Hà Tĩnh có chất giọng dầy, ấm, đặc sệt nắng gió miền Trung nên có sức lay động lòng người rất khó tả.

Chỉ tính trong 7 tháng "ném bom hạn chế” (từ tháng 4 - 10/1968), địch đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần với gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rocket và đạn 20mm. Tính ra mỗi m2 nơi đây phải hứng chịu 3 quả bom. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, có ngày thả trên 800 quả bom các loại… Mặt đất chi chít và chồng chất hố bom, tàn khốc đến mức triệt cả sự sống của cây cỏ. Nhưng chính nơi đây đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi, xương, máu và nước mắt của những người con gan góc, dạn dày ngày đêm làm nhiệm vụ trên những "cung đường lửa”, quyết giữ mạch máu giao thông thông suốt để chi viện sức người, sức của cho miền Nam, mở hướng hành quân cho cả dân tộc.

Vượt qua mưa bom bão đạn, những chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi ngày đó đã cùng nhân dân và lực lượng dân quân du kích địa phương dồn sức giải toả điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Đã có hàng vạn người được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược. Nơi ngã ba được làm bằng xương máu này đã ghi lại nhiều chiến công oanh liệt. Về tập thể có Trung đoàn pháo cao xạ 210; Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh; Đại đội 552 với hầu hết là nữ... Về cá nhân có anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân,   "nữ đếm bom” La Thị Tám, "vua phá bom” Vương Đình Nhỏ... Ngày nay, tại nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc thuộc quần thể khu di tích đang ghi danh gần 4.000 liệt sỹ. Tổ quốc ghi công những người con anh hùng đã cùng làm nên lịch sử, làm nên một "Ngã ba huyền thoại” - nơi có những cái chết đã hóa thành bất tử để sống mãi với mùa xuân đất nước.

Nơi "cái chết hóa thành bất tử” 

Chúng tôi - đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hoà Bình và những đồng nghiệp ở Báo Hà Tĩnh, không ai là không xúc động nghẹn ngào khi làm lễ dâng hương tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Họ đều là người Hà Tĩnh, thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng, được phân công đến trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc với nhiệm vụ chính là san lấp hố bom, làm đường tránh và mở đường cho xe ra tiền tuyến. Ngày 24/7/1968, khi đang làm nhiệm vụ, họ cùng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Họ ra đi khi hồn vẫn trong như suối, trái tim vẫn trinh nguyên và rạo rực yêu đời… Để rồi giờ đây, 10 ngôi mộ trắng như 10 phím đàn dưới cỏ, 10 bát nhang thoang thoảng khói hương hòa vào nắng tháng 7 chất chứa hoài niệm. Chúng tôi cũng như nhiều du khách, mắt ai cũng đỏ hoe khi nghiêng mình trước di ảnh của các chị. 

"Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này...” - Từng câu, từng chữ trong bức thư gửi mẹ của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần được trân trọng khắc trên phiến đá to đặt đối diện nhà truyền thống TNXP toàn quốc, một góc quan trọng trong quần thể khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Hơn 20 năm làm công việc hướng dẫn viên tại đây, anh Đào Anh Tuân không biết đã bao lần đọc bức thư cho du khách nghe, lần nào giọng anh cũng nghẹn ắng nơi cổ họng vì xúc động. Và anh không thể nhớ có bao nhiêu du khách đã khóc nấc lên khi nghe anh đọc bức thư này…

Bức thư được viết ngày 19/7/1968, 5 ngày sau, chị Võ Thị Tần cùng 9 đồng đội của mình đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Từng câu, từng chữ đều có sức lay động lòng người, thể hiện tinh thần lạc quan, ý chí bất khuất, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ TNXP giữa mưa bom, bão đạn và sự tàn khốc của chiến tranh. 

Theo Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nội dung bức thư của chị Võ Thị Tần là một trong rất nhiều di ngôn, hiện vật quý được trân trọng lưu giữ tại đây, thể hiện sâu sắc tinh thần bất diệt của "Ngã ba huyền thoại” - nơi có những cái chết đã hóa thành bất tử, có những con người luôn sống vĩnh hằng cùng mùa xuân đất nước. Hàng năm, đặc biệt vào tháng 7, có hàng triệu lượt du khách thập phương tìm về tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Theo số liệu thống kê, để giữ vững mạch máu giao thông nơi Ngã ba Đồng Lộc, trên khắp tuyến 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) đã có khoảng 20.000 cán bộ, chiến sỹ TNXP hy sinh, gần 30.000 người mang trên mình thương tật, hàng nghìn người nhiễm chất độc màu da cam… 

Nơi đây có những cái chết đã hóa thành bất tử, có những hy sinh vô giá không thể đong đếm bằng lời. Trên suốt đường về, tôi cứ miên man nghĩ về những con người vĩnh viễn nằm lại Ngã ba Đồng Lộc, nghĩ về những áng mây trắng bay thật bình yên giữa bầu trời rất cao và rất xanh...

 Thu Trang

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục