(HBĐT) - "Vô xứ Nghệ, thăm làng Sen quê Bác nhé!” - Theo lời hẹn của cô bạn đồng nghiệp, tôi tìm về xứ Nghệ để thăm làng Sen quê Bác. Nơi đây có lũy tre xanh rì rào, có mái nhà tranh lá mía đơn sơ, hàng râm bụt mơn mởn dẫn lối và hương hoa sen tỏa thơm ngát, hòa quyện trong nắng gió miền Trung. Nơi đây thấm đượm những câu chuyện về Bác nên ai cũng thấy bồi hồi…


Đoàn công tác Báo Hòa Bình xúc động lắng nghe những câu chuyện về Bác trong khuôn viên di tích Làng Sen.

Làng Sen cách thành phố Vinh chừng 16 km, thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là quê nội của Bác Hồ, còn được biết đến với tên gọi khác là làng Kim Liên. Nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác Hồ) đã trải qua 5 năm (1890 – 1895) tuổi thơ êm đềm bên những người thân yêu trong gia đình, trước khi cùng gia đình chuyển vào Huế năm 1895.

Hiện nay, Làng Sen là cụm di tích nổi bật thuộc khu di tích Kim Liên. Cùng với cụm di tích Hoàng Trù là quê ngoại của Bác, Làng Sen thu hút lượng lớn du khách mỗi năm, trở thành "địa chỉ đỏ” in sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Năm 1979, Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được công nhận là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia, một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt, có giá trị văn hoá và nội dung lịch sử nổi bật trong hệ thống các di tích lưu niệm về Bác Hồ. Tham quan Làng Sen, du khách có những trải nghiệm trọn vẹn về một làng quê Việt Nam điển hình, một làng quê xứ Nghệ gắn liền với những câu chuyện xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hướng dẫn đoàn dừng chân cạnh ngôi nhà từng là nơi sinh sống của gia đình Bác, chị hướng dẫn viên có chất giọng truyền cảm, xúc động giới thiệu: Ngôi nhà này là di tích quan trọng bậc nhất của Khu di tích lịch sử Kim Liên. Ngôi nhà được truyền từ thời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ kính yêu. Ngôi nhà thiết kế kiến trúc 5 gian lợp mái kiểu truyền thống. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dành 1 gian để đặt bàn thờ người vợ mất sớm là bà Hoàng Thị Loan; 1 gian ngoài là nơi tiếp khách; 1 gian dành cho bà Nguyễn Thị Thanh - con gái cả của cụ; 1 gian để cụ đặt án thư dạy học cho các con và kê thêm một chiếc phản gỗ lớn để cụ nghỉ ngơi; gian cuối cùng là nơi ở của Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung, tức hai con trai của cụ Phó bảng. Tuy là người đỗ đạt, có vai vế nhưng nếp sinh hoạt của cả nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc hết sức giản dị...

Dẫn lối vào nhà là hàng râm bụt phủ dày, xanh ngát trong nắng hè. Năm 1957, lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ mới có dịp về thăm quê hương. Ngày trở về, Bác vẫn nhớ cặn kẽ từng góc nhà, từng cảnh vật, vẫn nhớ như in hàng râm bụt dẫn lối vào nhà, nhất là nơi góc vườn sau nhà, ngay bên hàng râm bụt, là nơi chôn nhau của cả 3 chị em Bác. Rặng râm bụt từ đó đã được trồng lại theo ý nguyện của Người. Loài hoa dân dã, thân thuộc ấy gắn liền với những câu chuyện kể xúc động về Bác Hồ kính yêu - chị hướng dẫn viên cho biết.

Nhiều năm nay, Làng Sen quê Bác luôn là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ nói riêng, của người Việt Nam nói chung. Bao năm đã trôi qua, có biết bao đoàn du khách đã tìm về đây với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc. Về đây dạo quanh Làng Sen, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh vô cùng bình dị, như đôi bờ tre rì rào trong gió, rặng râm bụt xanh mướt, hàng hoa cau, hoa bưởi ngát hương... Đặc biệt, Làng Sen vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen, còn đó lò rèn cụ cố Điền, cây mít bên giếng nước, khung cửi bà Loan dệt vải năm nào... Tất cả đã nhuốm màu thời gian, đưa ta về với sự bình yên, mộc mạc và bồi hồi nhớ những câu chuyện về Người.

Cô bạn cùng đoàn rưng rưng nước mắt khi được giới thiệu rằng, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Bác Hồ chỉ về thăm quê được 2 lần… Và, bạn khe khẽ hát những câu ca thật bùi ngùi trong bài hát "Người về thăm quê": Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương/ Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải/ Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ... Người về đây thăm mang theo bao kỷ niệm/ Hồ Chí Minh, Người về lại quê hương nỗi nhớ không nguôi...

Cũng như bao du khách bồi hồi xúc động nhớ về Bác khi ghé thăm "Làng Sen quê cha” của Người, tôi cảm thấy hương sen như thấm vào trong tận con tim, dường như vẫn còn thấy đâu đó hình bóng của Người, để rồi bao xúc cảm bỗng trào dâng, bao niềm kính yêu chợt ùa về. Về đây, tôi mới thực sự hiểu tại sao nhiều năm nay, Làng Sen đã trở thành "địa chỉ đỏ” in sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, tại sao về đây, ai cũng thấy nhớ Người.


Thu Trang


Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục