Sông Đà được khắc họa đậm nét trong tùy bút "Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Dòng sông lúc hiền hòa, dịu êm, lúc gắt gỏng thác lũ, lạnh lùng với những vách núi đá sừng sững. Ấy vậy mà có những con người bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng chinh phục dòng nước, đó là những "người nhái” sông Đà, những người "lính” thủy điện can trường.


Biệt đội "người nhái” trẻ sông Đà của Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Nghề chọn người

Chàng trai trẻ Thái Bá Sỹ sinh ra và lớn lên ở vùng đất xứ Nghệ đầy nắng gió. Chính cái khắc nghiệt, lam lũ từ nhỏ đã tạo nên một Thái Bá Sỹ bản lĩnh vững vàng. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thái Bá Sỹ dời mảnh đất Diễn Châu lên đường nhập ngũ. Nhận thấy tố chất đặc biệt của người chiến sỹ trẻ, thủ trưởng đơn vị đã điều động anh tham gia huấn luyện đặc công nước. Đơn vị anh đóng quân tại đảo Trường Sa. Ngoài việc thường xuyên lặn ở độ sâu hàng chục đến hàng trăm mét, anh phải chịu áp lực khủng khiếp từ nước biển. Nếu không có ý chí, tinh thần thép sẽ khiến cho người lính hoang mang, bỏ dở nhiệm vụ.
Sau lần "trải nghiệm” ở độ sâu hàng chục mét đã khiến lính trẻ Thái Bá Sỹ có niềm tin chinh phục mức độ cao hơn. Được đồng đội tận tình chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm, giúp anh ngày một trưởng thành, vững vàng hơn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trùng với thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyển dụng thợ lặn phục vụ việc khảo sát, sửa chữa tại các nhà máy thủy điện. Ngày 1/4/2011, Thái Bá Sỹ được tuyển dụng đầu quân cho "biệt đội người nhái” Nhà máy thủy điện Hòa Bình từ đó đến nay. 

Đối với Trần Văn Hoàng, hành trình trở thành "người nhái” sông Đà như một sự tình cờ. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Hoàng là con trai duy nhất trong gia đình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hoàng không học cao hơn như các bạn cùng trang lứa mà phụ giúp gia đình ở quê nhà. Đúng thời gian này, chính quyền xã thông báo tuyển dụng tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi nhập ngũ, Trần Văn Hoàng được phân công về Bộ Tư lệnh Hải quân đóng quân tại đảo Trường Sa Lớn. Cũng như Thái Bá Sỹ, Trần Văn Hoàng được đào tạo đặc công nước, thực hiện các kế hoạch tác chiến, trinh sát ở sâu dưới đáy biển. Nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, chỉ một sai sót nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Trần Văn Hoàng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyển dụng làm thợ lặn tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình. 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê lúa Thái Bình, cậu bé nhút nhát năm nào không thể ngờ rằng sau này sẽ trở thành "nhái cá” can trường, quả cảm. Tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Xuân Vương tham gia nghĩa vụ quân sự. Anh được điều động về Lữ đoàn Đặc công hải quân 126, Bộ Tư lệnh Hải quân đóng tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, đơn vị 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Được công tác tại đơn vị anh hùng vừa là vinh dự, cũng là áp lực nặng nề với người lính trẻ. Anh được tham gia các khóa đào tạo đặc biệt, sử dụng thiết bị lặn chuyên dụng để trinh sát, đề xuất các phương án, kế hoạch tác chiến phù hợp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được đặc cách tuyển dụng trở thành thợ lặn chuyên nghiệp tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Nhiệm vụ đặc biệt

Theo giới thiệu của cán bộ Phòng Tổ chức hành chính, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chúng tôi tìm gặp cựu "người nhái” Nguyễn Hồng Quân, người đặt nền móng cho phân đội thợ lặn sau này. Trong căn nhà nhỏ ở phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình, mặc dù đã nghỉ hưu, vui thú điền viên, song mỗi khi nhắc đến, những kỷ niệm về nghề lại ùa về. Nhớ lại những ngày "đốt đuốc” tìm người kế cận, "người nhái” kỳ cựu Nguyễn Hồng Quân chia sẻ đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Khi thủy điện Hòa Bình chuẩn bị đi vào hoạt động (năm 1986), đội hình "người nhái” thành lập với gần 10 thành viên. Để đáp ứng nhiệm vụ cấp bách khi đó, ông cùng một số đồng nghiệp được cử sang Nga đào tạo và trở thành lực lượng nòng cốt sau này. Vì nhiệm vụ đặc thù, vô cùng nguy hiểm nên trong suốt 25 năm, công ty không tuyển dụng được nhân lực. Lực lượng "người nhái” dần mai một, người chuyển công tác, người nghỉ chế độ mà không có lực lượng kế cận.

Đầu năm 2011, ông được giao trực tiếp tìm kiếm "người nhái” khắp mọi miền đất nước. Ông được giới thiệu đến Bộ Tư lệnh Hải quân. Khi gặp và trực tiếp trao đổi với một số chiến sỹ, nhận thấy nguyện vọng của họ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, niềm tin về đội ngũ kế cận trẻ, nhiệt huyết trào dâng trong ông. Thế rồi các lính trẻ Thái Bá Sỹ, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Xuân Vương lần lượt đầu quân cho công ty. "Tre già, măng mọc, đó là quy luật cuộc sống, cũng là quá trình vận động để xây dựng biệt đội "người nhái” sông Đà ngày càng lớn mạnh hơn” - ông Quân đúc kết. 

Tiếp câu chuyện, ông Quân cho biết: Dù có được đeo lên người những thiết bị hỗ trợ tối tân nhất thì ở Việt Nam không nhiều người có thể lặn được ở độ sâu 60m. Ngâm mình ở độ sâu đó con người không thể chịu được áp lực của nước bên trên, chỉ một lỗi cực nhỏ của thiết bị lặn hay sức khỏe không đảm bảo là người lặn có thể bị phọt máu tai, mắt, mũi, thậm chí mắt có thể lồi ra và chết ngay sau đó. Nếu được trang bị các thiết bị lặn của Mỹ, Nga thì sau mỗi buổi lặn, "người nhái" phải vào ngay buồng giảm áp từ 3 - 6 tiếng, chờ cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi của áp suất. Vậy mà "biệt đội người nhái" tại thủy điện Hòa Bình hằng ngày vẫn âm thầm làm công việc tưởng như không thể với một người bình thường đó. 

Nói về nghề thợ lặn chúng tôi liên tưởng câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, họ sẵn sàng lựa chọn phần việc gian khổ, nguy hiểm để bảo vệ an toàn công trình thủy điện, mang dòng điện tỏa sáng khắp mọi miền đất nước. Bước chân những "nhái cá” trẻ Thái Bá Sỹ, Nguyễn Xuân Vương, Trẩn Văn Hoàng tiếp tục chinh phục miền đất mới, từ thủy điện Sơn La,  thủy điện Lai Châu, Na Hang (Tuyên Quang), Huổi Na (Nghệ An)... và sang cả các thủy điện nước bạn Lào, Campuchia. Họ làm việc với niềm tự hào được đắm mình dưới dòng nước sâu thẳm, dưới đáy những hồ thủy điện để sửa chữa, khắc phục sự cố các công trình quan trọng bậc nhất của đất nước. Hành trình giải cứu thủy điện của "người nhái” sông Đà cứ dài thêm mãi... 



Như Hùng
(Công an tỉnh)

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục