Quân cảng 129, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày cuối năm nắng ấm, tràn ngập hoa, ánh mắt và nụ cười của người đi về phía biển và người đưa tiễn. Có nhiều niềm vui và cũng có cả những bịn rịn, bùi ngùi… Cuối năm, khi mọi gia đình đều hướng về ngày Tết Nguyên đán sum vầy, đoàn tụ thì cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 phải tạm gác lại nhịp sống thân thương đó để đi làm nhiệm vụ ngoài biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thời bình rồi đấy, gió đã thôi mang mùi đạn bom nhưng vẫn còn những nhiệm vụ quan trọng khác vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, cần những cán bộ, chiến sĩ mạnh mẽ, kiên cường đến khơi xa sóng gió. Phía sau họ có bao tâm tư, tình cảm nhưng cũng biết bao ấm nồng tình yêu của đất liền, của hậu phương…    



Đôi bạn trẻ Tấn Giàu - Quỳnh Như trong ngày chiến sĩ trẻ đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1.

Hôm đó, hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu, 22 tuổi (TP Vũng Tàu) vai khoác ba lô lên tàu Trường Sa 04 để đi làm nhiệm vụ ở bãi cạn Cà Mau (nhà giàn DK1/10). Lưu luyến ở cầu cảng, người con gái tên Lê Thị Quỳnh Như đôi mắt chan chứa yêu thương, nắm chặt tay người chiến sĩ trẻ và khoác lên vai anh tấm khăn rằn Nam Bộ. Họ đã yêu nhau nhiều năm rồi, nhưng chí làm trai vì việc lớn, hai người tạm gác lại chuyện xây dựng tổ ấm hạnh phúc để chàng trai lên đường làm nhiệm vụ. Bẽn lẽn và cả chút rụt rè, nhưng cô gái vẫn bộc bạch: "Tiễn chàng lên đường làm nhiệm vụ em cũng có chút tâm tư, nhưng làm người yêu của lính em đã xác định rõ tư tưởng, động viên anh Giàu cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Ở đất liền mẹ đã có em, đừng lo lắng gì, em và gia đình chờ đón anh và đồng đội trở về”. Chiến sĩ Tấn Giàu nhắn nhủ bạn gái ở lại thành phố giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc quá sức, đợi anh trở về.

Đại úy, chiến sĩ báo vụ Phạm Tiến Dũng (quê Nam Định) từng có thời gian công tác ở 8 nhà giàn khác nhau và đón 4 cái Tết ở nhà giàn DK1. Đã trải qua điều kiện sinh hoạt ở nhà giàn khi còn khó khăn nhất (như chưa có sóng điện thoại), đến lúc được ở thế hệ nhà giàn mới chắc chắn hơn, sóng điện thoại với đất liền được thông suốt, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, trong anh có nhiều cung bậc cảm xúc của người chiến sĩ nơi sóng gió trùng khơi. Anh tâm sự: "Ở ngoài khơi xa, càng vào dịp Tết càng nhớ đất liền, nhớ gia đình, vợ con da diết…, nhưng lớn hơn nỗi nhớ là luôn có cảm giác yên tâm, vững tin ở hậu phương”. Xa nhà biền biệt, cả 2 lần vợ sinh nở anh đều đang ngoài nhà giàn. Anh bộc bạch: "Vợ biết chia sẻ và luôn động viên nên tôi thấy lòng mình vui, cùng đồng đội vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Anh kể lại câu chuyện vui rằng, khi từ nhà giàn DK1 về, con trai đầu được 16 tháng tuổi, mãi sau cu cậu mới cho bố bế. Nay con trai đã là sinh viên đại học. Con gái thứ 2 đang học lớp 6, thường xuyên nhắn tin thăm hỏi bố ngoài khơi xa (nhà giàn DK1/14). Hôm anh và đồng đội từ biển về cảng, vợ anh, chị Nguyễn Thị Bích Hải (nhân viên bảo hiểm) và con gái ôm bó hoa hồng rực rỡ, rạng ngời đón anh. Anh rất xúc động, lòng thầm cảm ơn những hy sinh thầm lặng của vợ trong hàng chục năm qua, nuôi con khôn lớn trưởng thành, không hề nặng lời vì sự vắng mặt của anh trong cả những lần "vượt cạn”.           


Chị Nguyễn Thị Bích Hải và con gái ra cảng đón anh Phạm Tiến Dũng từ nhà giàn DK1/14 trở về đất liền. 

Nơi đất liền có bao người mẹ, người vợ dõi theo nhịp sóng và cuộc sống sinh hoạt, công tác của các chiến sĩ nhà giàn DK1. Ở nhà giàn DK1/10, câu chuyện của bác sĩ quân y Bùi Văn Thọ (50 tuổi) khiến nhiều người xúc động. 30 năm công tác, 7 lần đón Tết trên biển, từng ở 8 nhà giàn khác nhau…, mọi việc nuôi dạy con cái, lo đằng nội, đằng ngoại đều do bàn tay tần tảo của người vợ. Anh tâm sự luôn cảm ơn vợ rất nhiều. 

Chị Nguyễn Thị Minh Thương, vợ Chính trị viên nhà giàn DK1/20 Trần Huy Thân tâm sự: Anh đi công tác nhà giàn gần 1 năm rồi. 2 mẹ con luôn nhớ và mong anh giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mẹ và con luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Vừa dỗ dành cậu con trai 2 tuổi hiếu động, chị ôm gói quà gửi gắm: "Quà của em chỉ là nhu yếu phẩm để anh và đồng đội thêm gia vị đất liền ăn Tết. Mong anh và đồng đội luôn vui, khỏe. Trong bờ nhớ ngoài biển rất nhiều...". Chị cười thật tươi để mong bức ảnh các nhà báo chụp, nếu anh nhìn thấy sẽ thêm vững tâm nơi trùng khơi, rằng vợ con vẫn vui khỏe...

 Cô giáo Trần Thị Thanh Thảo (TP Vũng Tàu) cùng con gái ra gửi quà cho chồng là Trung tá Lê Minh Tân, Bí thư chi bộ, Chính trị viên nhà giàn DK1/16. Đây là năm đầu tiên hai mẹ con đón Tết mà không có anh Tân bên cạnh. Chị nhắn nhủ: "Nhờ các nhà báo cho mẹ con em gửi lời nhắn đến chồng đang làm nhiệm vụ ngoài biển: Hai mẹ con đã chuẩn bị những món quà gửi bố đón Tết. Con gái tự trang trí tấm hình gia đình chụp chung. Mong anh và đồng đội luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sớm về với mẹ con em". Chị gửi chậu xương rồng ra cho chồng với lời nhắn nhủ, mong chồng và các đồng nghiệp cũng giống như chậu xương rồng, luôn vững vàng, vượt qua mọi khó khăn ở nhà giàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...




Chị Nguyễn Thị Minh Thương, gửi gắm lời chúc, tình cảm của hai mẹ con tới chồng là anh Trần Huy Thân, Chính trị viên nhà giàn DK1/20.

Đất liền và nhà giàn DK1 cách nhau hàng trăm km, xa cách đấy nhưng các chiến sĩ luôn thấy gần, ấm áp bởi tình cảm của hậu phương, của đất liền và gia đình. Các chiến sĩ nhà giàn DK1 rất xúc động khi nhận được bức thư của học sinh Trường THPT Hoàng Diệu, TP Long Khánh (Đồng Nai). Cháu Đặng Ngọc Bảo Trân (lớp 12C3) tâm tình với các chú nhà giàn DK1: "Chúng cháu luôn dõi theo và trân trọng những đóng góp to lớn của các chú dành cho Tổ quốc Việt Nam. Thật ngưỡng mộ và biết ơn công lao của các chú”...

Còn tập thể chi đoàn 11A2 gửi gắm: Ở nơi đầu sóng ngọn gió, bốn bề vây quanh là nước, là biển, các chú có khỏe không... Chúng cháu khâm phục khi các chú đã kiên cường vượt qua nỗi nhớ nhà, vượt muôn vàn khó khăn, vì sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao. Các chú hãy yên tâm về nơi hậu phương. Vì ở đây, mọi người vẫn đang sống, làm việc thật tốt. Mọi người ở đất liền đang hướng về vùng biển đảo anh hùng, nơi các chú đang chốt giữ vì sự bình yên của Tổ quốc”... Những tâm tình đó như muôn ngàn con sóng nhỏ, tín hiệu reo vui ngoài khơi xa, gieo   vào lòng người chiến sĩ hải quân trên nhà giàn DK1 ngọn lửa ấm áp, tin yêu.

(Còn nữa)


Bùi Huy

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục