Trên hải trình đến nhà giàn DK1, với 15 ngày, vượt qua 2.000 km trên biển cả nơi thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao trạng thái cảm xúc đan xen, dâng trào... Dù mệt, dù say sóng, nhưng mỗi khi nghe tin "nhà giàn kia rồi”, tất cả các thành viên đều vùng dậy với tâm trạng háo hức, chờ đợi xuống xuồng, lên giàn. Để mỗi lần đến các nhà giàn, câu chuyện về các chiến sĩ hải quân Vùng 2 nói chung và chiến sĩ nhà giàn DK1 cứ nối dài mãi...

 



Phút chia tay giữa các chiến sĩ nhà giàn DK1 và đoàn công tác của Vùng 2 Hải quân 

Phóng viên  báo chí trò chuyện, nắm thông tin với cán bộ nhà giàn DK1/10 về tình quân dân trên biển cả.

Thắm tình quân dân trên biển cả

Trong hơn 34 năm qua, nhiều câu chuyện về chiến sĩ nhà giàn DK1 nói riêng và chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nói chung được ngư dân đánh bắt xa bờ lưu truyền với tình cảm quân dân ấm nồng. Điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt, nguy cơ rủi ro của ngư dân khi đánh bắt hải sản xa bờ càng cao, vì thế công tác phối hợp, giữ liên lạc giữa cán bộ, chiến sĩ hải quân với tàu cá luôn được duy trì. Để khi ngư dân gặp sự cố trên biển, nhà giàn DK1, tàu trực DK luôn có mặt hỗ trợ, trở thành điểm tựa, "phao cứu sinh” kịp thời của ngư dân.

Với cán bộ quân y Hoàng Tiến Sơn (quê Lạng Sơn) hiện công tác ở nhà giàn DK1/14 thì thật khó kể hết những lần tham gia cấp cứu cho ngư dân gặp nạn trên biển. Như có lần do sơ suất trong một lần lặn sâu dưới biển mà không có sự điều chỉnh kịp thời, thích nghi với thay đổi áp suất, 1 ngư dân bị tắc đường tiểu, nguy kịch tính mạng. May nhờ xử lý kịp thời nên nạn nhân đã qua khỏi giây phút hiểm nghèo. Trong tháng 1/2024, cán bộ quân y Bùi Văn Thọ (nhà giàn DK1/10) phải sơ cứu, khâu 3 mũi cho một ngư dân trong quá trình làm việc trên tàu cá bị dây đập vào đầu. Trước đó, các chiến sĩ nhà giàn phải ra sức phối hợp với tàu cá để đưa nạn nhân tiếp cận nhà giàn qua thang dây...



Các chiến sĩ nhà giàn DK1 cụm Tư Chính chào tạm biệt đoàn công tác từ xa.


Cũng trong tháng 1/2024, trên đường đi thăm, tặng quà chiến sĩ nhà giàn DK1 trong dịp Tết, tàu Trường Sa 04 đã kịp thời hướng dẫn phác đồ điều trị cho 1 trường hợp mắc bệnh da liễu nặng, dài ngày trên biển thuộc tàu đánh cá KH 95599TS. Điều kiện sóng to gió lớn, cán bộ quân y không thể qua tàu cá để thăm khám. Tuy nhiên qua trao đổi bằng khẩu ngữ và ký hiệu, việc truyền tải thông tin về cách điều trị giữa 2 bên cũng được hoàn tất. Tàu cá rời đi cùng sự phấn khởi, biết ơn của ngư dân...

Trong năm 2023, Vùng 2 Hải quân đã thực hiện tốt Chương trình "Hải quân VN làm điểm tựa cho ngư dân bám biển”; nhận đỡ đầu 20 học sinh là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; thăm khám sức khoẻ cho gần 500 ngư dân; tặng nhiều phần quà giá trị hơn 300 triệu đồng. Vùng 2 còn duy trì thường xuyên 20 tàu thực hiện các nhiệm vụ trên biển; cấp cứu 16 ngư dân gặp nạn; phát thuốc cho 300 ngư dân các tỉnh bị ốm đau; cứu hộ 5 tàu cá bị hỏng cùng hỗ trợ gần 10 tấn lương thực thực phẩm cho ngư dân.

Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết: Cán bộ, chiến sĩ tại tàu trực DK và nhà giàn DK1 ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc thì nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân gặp nạn cũng đặc biệt được quan tâm. Năm vừa qua, Vùng 2 đã xử lý tốt một số trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển. Những tàu có khi gặp sự cố đã biết và chủ động tìm đến nhà giàn DK. Đây là tinh thần giữa quân với dân, có ở mọi lúc mọi nơi. Ngư dân cũng là chỗ dựa, là thế trận lòng dân của lực lượng hải quân”.

Những lần chia tay khó quên...


Nhà giàn và các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 là điểm tựa, "phao cứu sinh"  của ngư dân trong quá trình ra khơi, bám biển  

Ngoài lần bịn rịn nơi chân đế nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, hay nhà giàn DK1/9... các thành viên đoàn công tác và chiến sĩ nhà giàn là có cuộc chia tay theo đúng nghĩa. Những cái bắt tay, nụ cười, lời chúc trên môi... Nhiều phóng viên nữ còn bạo dạn "xin” được ôm các chiến sĩ nhà giàn một lần trước khi xuống xuồng về tàu... Còn lại, hầu hết các cuộc chia tay giữa đoàn công tác và các nhà giàn hay tàu trực đều qua khoảng biển rộng, sóng to, gió lớn... Trên các nhà giàn (DK1/15, DK1/11, DK1/14, DK1/12...), cán bộ, chiến sĩ mặc đồng phục, khoác áo phao, tay phất cờ cùng đồng thanh hô to chào đoàn. Còn trên tàu Trường Sa 04, ngoài Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, Trung tá Trịnh Văn Nghị, Phó Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, các chiến sĩ hải quân trên tàu, hơn 40 phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tràn ngập ra phía boong, lan can các tầng của tàu. Ngoài tiếng còi tàu ủ, chào 3 hồi rền vang mặt sóng, tiếng sóng biển, tiếng gió ràn rạt, ù ù thổi... là những lời chào vang vọng không gian: "Tạm biệt nhà giàn”, "Chào các anh nhé”, "Chào các đồng chí”, "Ở lại mạnh khỏe, vui nhé”, "Chúc mừng năm mới nhà giàn”, "Hẹn gặp lại”, "Nhớ nhà giàn... nhà giàn... tạm biệt”. Tiếng các thành viên nam khỏe, vang hòa vào tiếng các giọng nữ yếu, mảnh vì lẫn có cả tiếng nấc nghẹn không thể thành lời... Chào nhà giàn thân yêu... chúng tôi đến thăm, chúc Tết, tặng quà mà chẳng thế thấy mặt, chẳng thể trò chuyện hết với cán bộ, chiến sĩ. Về đất liền, dù bận rộn với cuộc sống, công tác, nhưng chắc chắn, hình ảnh nhà giàn giữa 4 bề biển khơi sóng gió, hình ảnh thân thương mà mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 vẫn luôn sống trong tâm khảm, trong tim mỗi người. Đem tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với nhà giàn DK1, nhưng chính các anh và nhà giàn DK1 đã truyền cảm hứng, nghị lực, sự kiên cường đến với mọi người. Chia tay để trở lại... Nhất định thế... DK1 mãi trong lòng.

Bùi Huy

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục