Sau 9 ngày vượt sóng to, gió lớn với hàng trăm hải lý ngoài trùng khơi, sự cố gắng, mong chờ của đoàn công tác đã được thỏa nguyện: Lên nhà giàn DK1/10 (Vùng 2 Hải quân) ở bãi cạn Cà Mau. Quên hết những mệt mỏi, say sóng cùng một số tiếc nuối của các cuộc "đổ bộ” bất thành nhiều lần trước, chúng tôi đã có được hạnh phúc với những cuộc gặp gỡ bất ngờ: gặp gỡ mùa Xuân trên nhà giàn DK1…


Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10 sửa soạn, trang trí không gian sinh hoạt chung chuẩn bị đón Tết.


Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và khách từ đất liền cùng gói bánh chưng - món quà đặc trưng Tết cổ truyền dân tộc.


Đầu tiên là những nụ cười tươi rói, ánh mắt rạng ngời và những cái bắt tay thật chặt, ấm áp cùng lời mời dễ thương ngay ở cầu thang nơi cập đến: "Mời các anh các chị lên nhà”. Đã thấy những bó lá dong xanh ngắt ở bể nước. Vào gian phòng nơi tầng cao và trung tâm nhất của nhà giàn, vỡ òa cảm xúc: một cái Tết đã thật sự đến rồi. Thật ấn tượng khi thấy bức ảnh nhà giàn DK1 giữa màu xanh của biển cả được lồng lên đó dòng chữ tươi thắm "Chúc mừng năm mới - Xuân Giáp Thìn 2024”. Phía dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ là những cây mai trổ vàng rực rỡ, hoa đào hồng tươi đem niềm sinh khí mới; cây bông nhiều màu cũng không hề kém sắc. Cạnh đó là những món quà từ đất liền: cây quất với những chùm quả vàng lúc lỉu, sau bao ngày vượt sóng gió, "bơi” qua cả khoảng biển rộng, nay đã xanh trở lại; những hộp bánh, mứt Tết, chè đặc sản của mọi miền quê; quà của Quân chủng Hải quân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 2, Tiểu đoàn DK1, quỹ học bổng Vừ A Dính "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”...

Không khí có chút bâng khuâng lắng đọng khi nghe lời chúc Tết, thăm hỏi của Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính uỷ Vùng 2 (Quân chủng Hải quân). Tết là đoàn viên, là sum họp, nhưng vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã gác lại những tâm tư để sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, giữ yên biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Tiếng pháo tay giòn giã thay cho tràng pháo nổ, như lời chúc năm mới cán bộ, chiến sĩ vững vàng nơi biển xa…


Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 và ca sĩ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hòa ca bài "Mùa Xuân DK”.

Rồi cũng đến lúc cán bộ, chiến sĩ làm nốt những phần việc cần phải làm để đủ hương vị quê hương bày biện trên bàn thờ. Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong… phần là do đất liền gửi, phần do các chiến sĩ tăng gia. Mâm gói bánh chưng là nơi đông vui, rôm rả nhất. Những vị khách từ đất liền cũng được dịp trổ tài cắt lá, xếp lá và gia giảm thịt, đỗ, gạo nếp để có 1 chiếc bánh chưng vuông đẹp mắt. Câu chuyện về gia đình, về quê hương xen lẫn những câu chuyện về sóng gió, những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ từng vượt qua… Chị Mai Thị Hồng Hoa quê ở Bến Tre không khỏi trầm trồ trước tài gói bánh của chiến sĩ quân y Bùi Văn Thơ, vừa chia sẻ cảm xúc của người con gái xứ Dừa với những tình cảm thật đẹp dành cho nhà giàn DK1 và các chiến sĩ. Còn nữ nhà báo Hoàng Anh (Hà Nội) vừa được Chính trị viên Phạm Văn Sinh chỉ dẫn cách buộc lạt, gói bánh, vừa được nghe anh kể về những cái Tết trên nhà giàn. Không khí vui tươi có cảm giác như chiều 30 Tết ở một xóm phố, làng quê nào đó, chứ không phải giữa trùng khơi...

Ngoài hành lang, nhóm chiến sĩ trẻ hồ hởi trò chuyện cùng các vị khách đến từ các tỉnh: Ninh Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Hòa Bình... Ai cũng muốn hỏi, muốn chia sẻ... Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, Đại úy Nguyễn Đình Đức (quê Hà Tĩnh) phấn chấn: Nơi đây, chúng tôi không có "cây nêu, tràng pháo” nhưng vẫn có đủ đầy "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” và những hương vị Tết quê nhà như bánh chưng, nem, giò, chả... cùng hương vị rau mùi thơm lừng trong mỗi bữa ăn. Bên cạnh nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc trưng của Tết, chúng tôi cũng xây dựng các chương trình sinh hoạt văn hóa - văn nghệ phù hợp với điều kiện nơi đây như giao lưu cờ tướng, hái hoa dân chủ, hát cho nhau nghe những bài hát của các vùng miền quê hương, đất nước, kể về nét đặc sắc, phong vị Tết của quê mình. Trong đó, nhiều bài hát đã nằm lòng đối với chúng tôi như "Mùa Xuân DK”, "Thơ tình người lính biển”, "Mùa Xuân tình yêu”... Phút giao thừa thiêng liêng, chúng tôi như người trong một nhà, anh em chúc nhau những lời ấm nồng tình đồng đội; gửi đến mỗi người, gửi đến gia đình và đất liền điều tốt lành nhất trong năm mới...

Đại úy Nguyễn Công Hiệu, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn chia sẻ: Ngoài nhà giàn xa khơi, ngày Tết không có múa lân, không có pháo hoa, không có lễ hội làng, không đến thăm chúc Tết họ hàng, làng xóm, nhưng chúng tôi có tình anh em, đồng chí. Mỗi người cũng mang đến nhà giàn nét phong vị quê hương... Ngày Tết bên cạnh nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi còn hàn huyên chia sẻ, kể cho nhau nghe về quê hương, gia đình, những món ăn đặc sản quê nhà. Ngày Tết cổ truyền, chúng tôi chúc nhau sức khỏe, nhiều niềm vui, năm mới thắng lợi mới”.

Chiến sĩ trẻ Phan Việt Đức (chiến sĩ báo vụ), từng có 3 năm ăn Tết xa nhà, nhưng ăn Tết trên biển và nhà giàn lại là lần đầu tiên. Một chút bâng khuâng thoáng nhanh với ánh nhìn xa xăm về đất liền, người chiến sĩ trẻ lại trở về vẻ mạnh mẽ, hồ hởi khi nhắn gửi: "Xa đất liền, xa nhà, nhưng cha mẹ cứ yên tâm, chúng con đang có một cái Tết đủ đầy, ấm áp vì sự quan tâm, chăm lo từ nhiều phía, nhất là luôn có sự hỗ trợ, sát cánh của đồng chí, đồng đội”... Phía cuối hành lang, nơi những giàn mùng tơi đang vươn về phía biển có 2 - 3 chú chim sâu ríu rít đậu bay. Một hình ảnh thân thương như vườn rau quê nhà...

Bỗng tiếng hát, tiếng đàn ghi ta từ đâu vọng đến. Ôi bài hát quen thuộc và thân thương "Mùa Xuân DK”. Tiếng đàn ghi ta bập bùng, sâu lắng của Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 Trịnh Văn Nghị, tiếng hát cao vút, mạnh mẽ mà da thiết yêu thương của ca sĩ Lê Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) hòa với những giọng hát trầm, khỏe, mặn mòi vị biển của các chiến sĩ nhà giàn: "Sóng gió mặc sóng gió/ Lính nhà giàn bọn tôi ở đó... Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời/ Giữa biển trời vẫn sống yêu đời/ Lính nhà giàn là thế đó/ Lính đàn ca sáo ngân nga/ Gửi mùa Xuân đến với quê nhà/ Giữa biển trời bao la/ Vượt lên ngọn phong ba/ Giữ biển đảo quê ta/ Cùng vang lên bài ca/ Giữ mùa Xuân quê nhà”.

 Tiếng hát như bay cao, bay xa, vượt qua sóng gió trùng khơi đến với mọi miền Tổ quốc như muốn nói: Dù khó khăn, thách thức đến nhường nào, người chiến sĩ nhà giàn vẫn lạc quan, yên tâm công tác; kiên cường, vững vàng nơi biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; là điểm tựa, lá chắn từ phía biển để Đất Mẹ vui Xuân, đón Tết sum vầy, bình an.


Tưởng Văn

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục