Nhịp sống mới đang dần làm cho cuộc sống của người dân ở

Nhịp sống mới đang dần làm cho cuộc sống của người dân ở "ốc đảo" Tân Dân ngày càng khởi sắc

(HBĐT) - Tính ra, có 3 cái mốc quan trọng đã cơ bản làm thay đổi cuộc sống ở Tân Dân. Thứ nhất đó là việc kéo điện lưới quốc gia, tiếp đến là đường giao thông được mở đến trung tâm xã và cuối cùng là việc chuyển địa giới hành chính của xã về huyện Mai Châu. Những cái mốc này đã dần “kéo” Tân Dân ra khỏi cái “ốc đảo” của đói nghèo

 

“Con” của 2 “nhà”

           

Ngay khi mở đầu câu chuyện, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tân Dân Đinh Hải Phượng đã chia sẻ: Trước đây, Tân Dân chẳng khác gì con của 2 nhà. Quản lý hành chính thì thuộc huyện Đà Bắc nhưng đất đai thì hoàn toàn nằm bên phía huyện Mai Châu. Là xã vùng hồ, địa hình chủ yếu là núi cao, đời sống người dân ở đây chỉ quanh quẩn với cái nghèo, cái đói. Trong trí nhớ của những người như ông Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã thì trước năm 1984, đây vùng đất Tân Dân ngày nay là của 2 xã Dân Lập và Tân Lập. Khi chưa chuyển cư nhường đất cho vùng lòng hồ thì cuộc sống, làng bản ở nơi đây cũng khá trù phú. Dù quanh năm cũng chỉ “tang điền canh cửi” với cây lúa, cây ngô, sản xuất theo hướng tự cấp tự túc nhưng do đất đai rộng, lại màu mỡ nên cũng hiếm khi bị thiếu đói. Nhà nào khó khăn thì cũng chỉ đứt bữa một vài tháng trong mùa giáp hạt. Còn đa phần các hộ đều còn thóc lúa trong bồ, ngô trên gác bếp. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở Dân Lập và Tân Lập cũng như hàng nghìn hộ dân đã phải nhường đất, nhường nhà cửa ruộng nương cho lòng hồ sông Đà lâm vào khó khăn. Từ năm 1984,  những hộ dân đầu tiên của 2 xã Tân Lập và Dân Lập thực hiện cuộc hành trình “vén” sông. Cũng trong thời điểm đó, 2 xã Dân Lập và Tân Lập được sáp nhập thành một xã lấy tên là Tân Dân. Ông Đinh Hải Phượng kể: Ngày đấy khổ và cơ cực lắm. Cứ dăm ba tháng lại phải chuyển nhà một lần, càng ngày càng lên cao. Những ngọn núi trước đây phải ngửa cổ lên mới nhìn thấy đỉnh thì sau vài lần chuyển nhà “vén” sông, mình đã ở trên đỉnh. Đến mãi năm 1987 thì cuộc hành trình “vén” sông của người Tân Dân mới kết thúc. Những ngọn núi, bản mường đông vui trù phú với cánh đồng lúa xanh mướt đã nằm sâu dưới hàng trăm mét nước. Cả một vùng rừng núi mênh mông khi chiều buông cứ hoang hoải một màu sóng nước.

 

Nước dâng, Tân Dân trở thành “ốc đảo”, một vùng đất bị cô lập giữa nước và núi cao vời vợi. Và “để đến được đất Tân Dân nếu không đi bằng thuyền thì chỉ có thể đến được bằng cách…bay”, ông Phó Bí thư Đảng ủy xã cười dí dóm. Sau nhiều lần dỡ nhà chuyển cư về nơi đất mới, người dân gần như kiệt sức. Bởi, sau ba lần chuyển nhà thì chẳng khác gì một lần cháy nhà. Cuộc sống mới giữa trùng điệp núi rừng và mênh mông nước trở thành nỗi cơ cực. Cái đói, cái nghèo bủa vây lấy cuộc sống trên vùng “ốc đảo” này. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, quanh đi, quẩn lại cũng chỉ biết có đói nghèo. Cuộc sống người dân, nếu không nhìn xuống nước, thì cũng chỉ có ngước lên rừng. Khi đó, ngay cả những người là cán bộ xã như ông Phượng cũng phải lên rừng đào củ mài, củ vớn về ăn thay cơm. Cho mãi đến năm 1994, người Tân Dân mới vỡ hoang được ít đất ruộng trồng cấy lúa nước thì cuộc sống mới bắt đầu có những bước chuyển. Tuy nhiên, khi đó tỷ lệ hộ đói, nghèo ở Tân Dân vẫn được tính bằng… cả xã, với 100% số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, trong đó có đến hơn 60% số hộ đói, thường xuyên đứt bữa. Khi ấy, trong những câu chuyện và cả trong giấc mơ của những đứa trẻ nhỏ cho đến những người râu tóc bạc trắng như sương núi cũng chỉ ao ước có một con đường cho Tân Dân.                 

 

Có điện, có đường, tự mình phải đi thôi!

 

Ước mong về một con đường đã thực sự trở thành sự thật với người dân ở chốn “ốc đảo” này. Cuối năm 2006, những chiếc máy xúc gầm rú vươn cánh tay sắt bóc từng mảng đất và những chiếc máy khoan, nổ giòn giã thọc sâu mũi sắt vào từng thớ đá như hòa thêm vào niềm hoan ca của hàng trăm con người nơi đây. Sau 1 năm, con đường tỉnh lộ 432 từ Tân Mai, Phúc Sạn (Mai Châu) đã được mở vươn sâu vào đến trung tâm xã rồi từ đây tiếp tục vươn về 5/9 xóm của xã. Con đường tuy còn gập ghềnh gian khó nhưng đã mở ra một trang mới cho cuộc sống của đồng bào mường, tày ở đây. Tân Dân cũng là xã cuối cùng của tỉnh có đường ôtô. Hệ thống điện lưới quốc gia hoàn thành năm 2006 và việc mở đường giao thông đã trở thành động lực, yếu tố cơ bản và quan trọng tạo ra những bước đổi thay đáng kể về KTXH và đời sống người dân ở đây. Ông Phượng kể: Trước đây không có điện đã khổ rồi, nhưng không có đường lại càng khổ hơn. Mọi sự giao lưu, đi lại của người dân chỉ bằng thuyền và ở những xóm không gần hồ, muốn đến cũng chỉ có duy nhất một cách là đi cắt rừng theo những lối mòn qua những dốc đá chênh vênh. Có việc, từ xóm ra đến xã cũng phải mất đến cả ngày đường.

 

Với điều kiện đường xá đi lại không có và quá khó khăn nên khi đi tuyên truyền phổ biến các văn bản, Nghị quyết của Đảng bộ, cấp trên xuống đến xóm cũng phải mất cả tuần. Như ông Phượng (khi đó đang làm Bí thư Đoàn xã), mỗi lần đi xuống cơ sở ngoài 2 bộ quần áo còn phải mang thêm gạo, dao và đeo thêm khẩu súng để phòng thân. Mỗi chuyến đi như vậy cũng phải mất cả tuần lễ mà hầu như tháng nào cũng phải đi để triển khai các nhiệm vụ công tác cũng như tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân. Không chỉ khó khăn trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật, chưa có đường giao thông đi lại thuận tiện đã thực sự gây “bí bách” cho KTXH của địa phương. Hàng trăm ha luồng trồng theo dự án đầu tư cho dân chuyển cư vùng lòng hồ không vận chuyển đi bán được. Thậm chí có nhà nuôi đến hàng chục con trâu bò muốn bán nhưng cũng chẳng bán được do không có đường, chẳng ai vào mua.

 

Tuy nhiên, kể từ khi có đường, đời sống người dân đã từng bước được cải thiện một cách đáng kể. Ngoài sản xuất nông lâm nghiệp, hiện nay Tân Dân đã đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành nghề đánh bắt và nuôi cá lồng. “Nếu như năm 2005 giá trị từ đánh bắt, nuôi cá lồng của cả xã mới chỉ ở mức 50 triệu đồng thì đến năm 2009, toàn xã ước đạt hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, việc khai thác măng, luồng cũng đã góp phần làm chuyển biến đời sống của người dân. Năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt hơn 2 triệu đồng/năm. Thì đến 2009, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp đôi, đạt hơn 5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ còn 30%, còn theo tiêu chí mới còn 50%.

 

Có được sự chuyển biến này cũng là do Tân Dân đã phát huy tốt vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, Tân Dân đã phát huy tốt vai trò tiên phong của cán bộ đảng viên và phát huy tính dân chủ trên tinh thần “dân biết, dân bàn”. Cả xã có 87 đảng viên thì cả 87 người đều là mũi nhọn xung kích trong việc tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như đưa Nghị quyết của các cấp vào cuộc sống. Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã cho biết: Chúng tôi phát huy tính dân chủ ngay từ việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các Nghị quyết được xây dựng phù hợp với địa phương. Khi triển khai xuống dân, dân được bàn và mang tính thống nhất trong từng xóm. Ở đây, chúng tôi không nắn khuôn một cách máy móc mà luôn gắn vào thực tế đời sống của nhân dân.

 

Cùng với những đổi thay do con đường mang lại, Đảng uỷ xã đã phát huy vai trò là người lãnh đạo, định hướng, tạo được niềm tin trong nhân dân. Nhờ đó, trong những năm gần đây người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. “Bây giờ có điện, có đường rồi, phải tự mình đi thôi, chứ không thể trông chờ vào nhà nước được mãi”, ông Phượng nhấn mạnh. 

 

 

                                                                                     Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục